“Yamada 4h sáng làm việc xẻ cá ngừ, chiều từ 18h làm chủ quán nhậu konomiyaki. Hôm qua đã chết một cách âm thầm khi đang ngủ, nguyên nhân tử vong không rõ”, tin tức kiểu này thấy bình thường trên những tờ báo của Nhật. Karoshi, danh từ có nghĩa là chết vì làm việc quá sức, được sử dụng từ những năm khi nước Nhật trong giai đoạn phát triển cao độ.
“Người Nhật thích làm việc” một cụm từ mang tính châm chọc của thế giới khi nhìn cảnh người Nhật làm việc suốt ngày đêm. Mệt nhọc kéo dài và sự tích tụ stress làm cho cơ thể kiệt quệ dẫn đến tử vong.
Theo Bộ Y tế – Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số người lao động chịu các chứng rối loạn tinh thần do công việc được chủ sử dụng lao động bồi thường ở nước này đã lên tới mức kỷ lục.
Ví dụ như năm 2009, có 927 đơn kiện đòi bồi thường rối loạn tinh thần do công việc, trong đó có 269 nguyên đơn được bồi thường. Trong số người lao động được bồi thường, 66 người đã tìm cách tự tử, một con số cao chưa từng có.
Có khoảng 150 người lao động chết mỗi năm tại Nhật do làm việc quá sức. Đây là một thảm trạng lạ tại Nhật trong những năm gần đây nhưng chính quyền luôn né tránh đề cập thẳng. Thêm vào đó, cảnh sát Nhật đã thống kê được nhiều ca tự tử liên quan đến sức khỏe tâm thần trong công việc.
“Tự nguyện”
Năm 2009, hai năm sau cái chết của một nhân viên làm việc tại chi nhánh chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ McDonald’s tại Yokohama (Nhật), chính quyền nước này mới công nhận đây là do nguyên nhân làm việc quá sức, gọi là karoshi. Nữ nhân viên quản lý 41 tuổi này đã phải làm việc hơn 80 tiếng phụ trội mỗi tháng và trong vòng 6 tháng liên tiếp.
Cô bị kiệt sức và phải nhập viện trong khi đang tham gia một khóa đào tạo chuyên môn về khách sạn nhà hàng. Và sau đó, giới chức có thẩm quyền đã lên tiếng nhìn nhận, rằng “chính công việc đã gây nên bệnh tình của nhân viên này với những triệu chứng đầu tiên là nhức đầu trong ba tuần liền trước khi qua đời”.
Kenichi, một nhân viên thuộc thế hệ thứ ba của công ty Toyota, đã qua đời khi mới 30 tuổi. Anh ra đi sau một cơn đột quỵ khi đang làm việc lúc 4h sáng, sau 6 tháng trời liên tục làm quá giờ, mỗi tháng hơn 80 giờ làm việc quá sức.
Hiroko Uchino, vợ anh, luôn day dứt bởi cái chết của chồng, và đã quyết định nộp đơn kiện lên tòa án quận Nagoya. Theo luật pháp Nhật Bản, nhân viên nào được phán quyết đã qua đời do karoshi, gia đình nạn nhân có thể nhận được khoản đền bù khoảng 20.000 USD/năm từ chính phủ, và có thể tăng lên đến 1 triệu USD từ công ty gây ra thiệt hại đó.
Nhưng lạ một điều, những công ty như Toyota xem hầu hết những công việc ngoài giờ của nhân viên là việc tình nguyện và không trả lương cho dù trên các số liệu phổ thông thì lao động ở Nhật làm việc không nhiều giờ bằng lao động Mỹ.
Từ thập niên 1970, thuật ngữ karoshi đã được công nhận là một biểu hiện bệnh lý nghề nghiệp tại Nhật. Ca bệnh karoshi đầu tiên được ghi nhận vào năm 1969 trên một nhân viên 29 tuổi làm việc trong ngành phân phát báo tại Nhật.
Anh này chết ngay tại nơi làm việc do ngưng tim. Đến năm 1982, thuật ngữ này do ba vị bác sĩ – Hosokawa, Tajiri và Uehata – chính thức đề nghị trong một công trình xuất bản để chỉ ra toàn bộ các rối loạn tim mạch có liên quan đến một độ dài thời gian làm việc quá sức.
Nhiều nhân tố xã hội và văn hóa đã tạo ra thói quen làm việc quá giờ trong lực lượng lao động Nhật Bản.
Các thanh niên Nhật Bản đang tự ép buộc mình làm việc quá cực hạn bản thân để gặt hái thành công trong “thời đại Nhật Bản mới” – thời đại mà công lao xứng đáng được ghi nhận hơn là thâm niên làm việc.
Trước đây, các công ty Nhật Bản yêu cầu cao ở các nhân viên nhưng lại đảm bảo cho họ một công việc ổn định và cho họ thăng tiến theo từng bước.
Nhưng nay thời thế đã thay đổi, chỉ làm việc và làm việc mới có thể đảm bảo vị trí của bạn không được chuyển cho những nhân viên bán thời gian. Xét về góc độ văn hóa, làm việc chuyên cần được xem là hòn đá tảng cho những thành tựu kinh tế diệu kỳ của Nhật Bản sau chiến tranh.
Người Nhật Bản vẫn thường có tinh thần tự nguyện hy sinh và đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi của cá nhân mình.
Các quan chức Nhật Bản thực sự quan ngại bởi xu thế này đang gia tăng trong xã hội Nhật. Hầu hết trong số những người ốm liệt giường hoặc thiệt mạng vì công việc quá sức trong thời gian gần đây đang trong độ tuổi 20 hoặc 30, trong khi con số này của những năm trước chủ yếu thuộc lứa tuổi 50 hoặc 60.
Thực tế cho thấy giới trẻ Nhật Bản đang lao đầu vì công việc hơn bao giờ hết, quên đi hưởng thụ và giải trí vốn rất cần thiết cho tuổi trẻ. Một lớp thanh niên phát triển thiếu cân bằng như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Nhật Bản, kéo theo những tác động tiêu cực đến xã hội tại đất nước vẫn được xem là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới này.
Yếu tố chủ yếu để nhận diện về karoshi sẽ dựa trên việc phân tích quá khứ nghề nghiệp của bệnh nhân. Vào khoảng tháng 4/2005 đến tháng 3/2006, người ta đã thống kê được 157 ca tử vong do karoshi, chủ yếu là tự tử và trụy tim, trong khi đó có 173 đối tượng khác lâm trọng bệnh.
Và con số tổng cộng 330 trường hợp, tăng 12,2% so với 12 tháng trước đó, đã được ghi nhận là một kỷ lục!
Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể gặp phải karoshi, khi áp lực công việc ngày càng dồn nén, yêu cầu và đòi hỏi chuyên môn công việc ngày càng cao hay nguy cơ mất việc thường xuyên đe dọa.
Song song đó, nhiều người có bản chất cá nhân rất dễ dẫn đến karoshi, đó là những người có thiên hướng tâm lý hay lo nghĩ, hoang mang, có một ý thức nghề nghiệp quá cao, tức lúc nào cũng nghĩ cách hoàn thành thật chu toàn công việc mà mình đang đảm đương, đó là những người có tâm lý cầu toàn, luôn chỉ muốn làm hài lòng người khác, hoặc không có khả năng chia sẻ trách nhiệm và công việc, tức có tâm lý ôm đồm nhiều thứ cùng một lúc.
Về chuyên môn, các lãnh vực thường gây nên căng thẳng tâm lý và tổn hao sức lực nhất là ngành y, ngành giáo dục và các ngành hoạt động xã hội.
Cân bằng cuộc sống
Có một điều chắc chắn là văn hóa làm việc cật lực của người Nhật đã ăn sâu bám rễ ở nước này, cho dù văn hóa này gây rủi ro với sức khỏe người lao động.
Một cuộc điều tra do Chính phủ Nhật tiến hành cho thấy, gần 90% công nhân Nhật nói họ thậm chí không biết cụm từ “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” có ý nghĩa gì.
Ngoài ra, cứ 4 trong số 5 người được hỏi cho biết, họ sẵn sàng hủy cuộc hẹn hò nếu cấp trên yêu cầu làm thêm giờ.
Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản, tình trạng karoshi vẫn không có dấu hiệu suy giảm do sự trì trệ kéo dài cả thập niên qua của nền kinh tế Nhật Bản khiến ngày càng có nhiều công ty Nhật giảm bớt nhân viên.
Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa gia tăng đòi hỏi người lao động trong những ngành công nghiệp quan trọng của Nhật Bản phải tiếp xúc với các đồng nghiệp, đối tác và khách hàng ở nước ngoài vào những thời điểm ngoài giờ làm việc bình thường.
Thậm chí, một số doanh nghiệp Nhật Bản giờ đây hoạt động gần như 24/24. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản hoạt động bên ngoài khu vực sản xuất chưa bao giờ áp dụng chế độ làm việc theo ca, cho dù làm như thế sẽ giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp đang gia tăng tại đất nước này.
Nhưng nói gì thì nói, chết là hết, những cái chết này đa phần đều cho là không đáng… Tuy nhiên, chết vì quá cố gắng, chết vì làm việc nhiều, chết vì sự nghiệp, vì gia đình dù sao vẫn mang lại một cảm giác gì đấy đồng nghĩa với sự tôn trọng, tôn trọng cả một dân tộc coi trọng vinh quang lao động.
Theo Thể thao & Văn hóa