Thông tư Giám sát kiểm tra doanh nghiệp FDI: Doanh nghiệp nói gì

341
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamDự thảo thông tư quy định về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được công bố đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư này được ban hành để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư cũng như một nghị định đang được soạn thảo để thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.
Mục đích kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là “bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài, bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư, qua đó nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả xã hội của dự án”.
Ghi nhận nỗ lực này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song một số chuyên gia về pháp lý am hiểu về hoạt động của các doanh nghiệp FDI lại bày tỏ sự lo lắng đối với các quy định trong dự thảo.
Luật sư Trần Mạnh Hùng và chuyên gia pháp lý Nguyễn Thủy đến từ Công ty luật Baker&McKenzie nhận xét rằng, Thông tư này ra đời chủ yếu nhằm phân định trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư, đồng thời đưa ra các nguyên tắc, cơ chế và thủ tục cho việc thực hiện kiểm tra giám sát này.
Mặc dù Thông tư chủ yếu điều chỉnh hoạt động giám sát đánh giá đầu tư của các cơ quan nhà nước nhưng bộ phận doanh nghiệp hoặc dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần lưu ý một số tác động sau đây của Thông tư này.
Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước có thể tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoặc kiểm tra chuyên ngành đối với các dự án đầu tư. Phương thức kiểm tra có thể thông qua báo cáo bằng văn bản, làm việc trực tiếp hay tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác… Quy định này là tương đối hợp lý, có thể đảm bảo việc quản lý sát sao của nhà nước đối với các dự án đầu tư, đặc biệt nó tạo ra một cơ chế rõ ràng cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức kiểm tra đột xuất các dự án nếu có vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, các chuyên gia này cho rằng quy định này sẽ chỉ thực sự hiệu quả “nếu như cơ chế kiểm tra này thực sự minh bạch, không tạo điều kiện cho các hành vi nhũng nhiễu, tham ô”. Chính vì vậy, một số nội dung cần được lưu ý để minh bạch hóa các cơ chế trong dự thảo Thông tư.
Thứ nhất, dự thảo Thông tư chỉ quy định chung chung rằng đơn vị được kiểm tra có quyền kiến nghị, giải trình về kết luận của cơ quan kiểm tra mà không đưa ra một cơ chế hay thủ tục rõ ràng nào cho việc kiến nghị này. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình hoàn toàn với kết quả kiểm tra, vì khi đó doanh nghiệp chắc chắn sẽ lúng túng không rõ phải giải trình với ai, khiếu nại như thế nào.
Ngoài ra, theo dự thảo Thông tư, kết quả kiểm tra sẽ được chính cơ quan kiểm tra xử lý, hoặc gửi cho các cơ quan có thẩm quyền khác xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chính sách, pháp luật về đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.
Trong tình huống này, nếu như cá nhân, tổ chức có khiếu nại về kết quả kiểm tra, cá nhân, tổ chức chỉ cần gửi khiếu nại tới cơ quan thực hiện việc kiểm tra, và cơ quan này sẽ phải có trách nhiệm chuyển khiếu nại này tới tất cả các cơ quan có thẩm quyền khác nếu có và là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan này để giải quyết khiếu nại cho doanh nghiệp trong thời gian quy định.
Thứ hai, liên quan đến chế độ đánh giá dự án, các chuyên gia của Baker&McKenzie cho rằng, Thông tư cần nêu đầy đủ và cụ thể hơn về các tiêu chí đánh giá, làm sao để xác định được liệu một dự án có đáp ứng được các tiêu chí hay không, hay liệu có nhất thiết phải đáp ứng tất cả các tiêu chí thì mới được xếp hạng A hay không.
Ngoài ra, nên chăng Thông tư cũng cần xem xét bổ sung cơ chế để doanh nghiệp được đánh giá lại sau một khoảng thời gian nhất định theo đề xuất của doanh nghiệp (ví dụ, doanh nghiệp đã đáp ứng gần như toàn bộ các tiêu chí, chỉ còn 1 tiêu chí chưa hoàn thành vì lí do khách quan nên bị xếp loại B, tuy nhiên ngay 1 tuần sau đó doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ tiêu chí này, liệu doanh nghiệp có cơ chế nào để được đánh giá và xếp hạng lại hay không?
Trong khi đó, luật sư Trần Tuấn Phong thuộc Công ty luật Vilaf Hồng Đức lại cho rằng từ góc độ thị trường, Nhà nước không nên và phải tránh việc giám sát các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có FDI, như cách làm với các doanh nghiệp nhà nước.
“Thị trường là tự do và phải đảm bảo dòng chảy bình thường của thị trường, trong đó doanh nghiệp là chủ thể quan trọng tham gia thị trường. Lấy một ví dụ so sánh đơn giản, ôtô đang chạy trên đường nếu không có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cảnh sát không được tuýt còi yêu cầu dừng xe”.
“Còn dưới góc độ pháp luật, doanh nghiệp và nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh. Các biện pháp và ý chí hành chính của cơ quan nhà nước có thể cản trở hoặc vi phạm quyền tự do kinh doanh”, ông Phong phân tích.
Chuyên gia này cũng cho rằng trừ khi có dấu hiệu vi phạm hoặc kiểm tra quyết toán thuế định kỳ, Nhà nước chỉ nên quản lý, điều tiết hoạt động FDI dưới các mẫu báo cáo số liệu thông tin chuẩn theo quy định của pháp luật. Nhà nước cần nâng cao năng lực thống kê và phân tích thông tin để quản lý, điều tiết; không nên gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của VnEconomy, thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ lo lắng về việc phải tiếp các đoàn thanh kiểm tra thường xuyên. Chẳng hạn, theo Công ty Kymdan, trong những năm gần đây, số lần kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng đối với công ty này diễn ra liên tục, thậm chí vào năm 2010 công ty này đã phải tiếp tới 34 đoàn thanh kiểm tra!

Theo VnEconomy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không