Nguyên do
Nếu các vận động viên thể thao dường như không thể kìm nén được những giọt nước mắt hạnh phúc vì chiến thắng thì hầu hết mọi người đều không gặp quá nhiều khó khăn để “ngăn những dòng lệ” nơi làm việc.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những tình huống khó khăn khiến bạn cảm thấy hoang mang, bất lực không biết làm cách nào.
– Bạn bị sếp mắng một cách không chính đáng mà không thể thanh minh.
– Công việc ngập đầu và bạn như muốn nổ tung vì không biết phải giải quyết từ đâu.
– Quan hệ đồng nghiệp không tốt, bạn cảm thấy xa lạ ngay giữa tập thể và chỉ biết bật khóc mà thôi.
Thành thật với những cảm xúc của chính mình là một điều tốt nhưng khóc nơi công sở có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới công việc và cả nghề nghiệp của bạn. Nếu sự “bùng nổ” cảm xúc trực tiếp (như cơn giận dữ) đối với một số môi trường có thể chấp nhận được thì nước mắt luôn được xem như biểu hiện của sự yếu đuối.
Hậu quả
Belinda Brin là một chuyên gia phát triển tổ chức cao cấp tại Hiệp hội quản lý AAIM – tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo, giáo dục cho các doanh nghiệp. Brin khẳng định: Khóc nơi công sở có những tác động xấu tới nghề nghiệp chuyên môn của bạn, đặc biệt đối với các nữ nhân viên. Kiểm soát được những xúc cảm của mình mới thực sự chứng tỏ được bạn đã trưởng thành.
“Nước mắt công sở có thể phá hủy cả một sự nghiệp. Nó trở thành vật cản lớn trên con đường bạn thăng tiến trong công ty.”
Theo Brin, điều quan trọng đối với các nhân viên chuyên nghiệp là học cách đối mặt và vượt qua những tình huống gây căng thẳng hay thất vọng. Khi ấy, những giọt nước mắt cũng sẽ được kiềm chế và bạn không phải hối tiếc vì đã tỏ ra quá yếu lòng.
Lời khuyên
Chuẩn bị kỹ càng cho những tình huống dễ rơi nước mắt
Nếu bạn biết bạn sẽ tham dự một cuộc họp với rất nhiều trạng thái cảm xúc hay phải đối mặt với một tình huống tranh cãi gay gắt với đồng nghiệp, hãy chuẩn bị từ trước.
Luyện tập cách đưa ra những lời tranh luận xác đáng và thực hành các phản ứng với sự trợ giúp của một người bạn thân đáng tin cậy.
Bạn càng chuẩn bị tốt bao nhiêu, bạn sẽ càng dễ dàng đối mặt hơn bấy nhiêu và cơ hội để kiềm chế bản thân không rơi nước mắt là rất cao.
Không tham gia những tình huống đối đầu
Nếu bạn có điều gì đó bức xúc nơi công sở, hãy đợi một lúc trước khi phản ánh với các nhà quản lý.
Tạo thời gian cho mình để có thể ổn định cảm xúc và suy nghĩ chín chắn về những điều bạn muốn nói.
Phát triển các kỹ năng “đương đầu với thử thách”
Chuyên gia Brin nhấn mạnh bạn nên “làm mát” không gian công sở thay vì khiến mọi thứ trở nên nặng nề, khó chịu.
Dạo bước quanh công ty hay đi ra ngoài thư giãn là những cách tuyệt vời để xả stress.
Nếu bạn không thể làm được điều này, hãy tìm cách khác nghỉ ngơi đôi chút. Hít một hơi thật sâu, nhắm mắt ngả lưng ngay trên ghế ngồi hay nói một câu chuyện hài hước, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn nhiều.
Và khi thái độ bình thản trở thành người bạn thân thiết, bạn sẽ thấy những giọt nước mắt yếu đuối không còn xuất hiện trên gương mặt mình.
Chú ý và lắng nghe những cảm xúc của bạn
Nếu bạn có một ngày tệ hại, bạn chỉ muốn vứt bỏ mọi thứ hay đơn giản chỉ là một trận khóc “đã đời”, hãy lắng nghe những biến đổi cảm xúc đó và hành động phù hợp.
Ai cũng phải ít nhất một lần trải qua những ngày như thế. Hãy dành cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi và tránh xa công việc. Xin nghỉ một ngày để xem xét lại bản thân không phải là ý kiến tồi.
Xác định những điều giúp bạn dừng khóc
Nếu bạn là một người dễ xúc động và có thể bật khóc ngay cả khi làm việc, hãy xác định những điều giúp bạn ngăn những giọt nước mắt khi chúng bắt đầu ngân ngấn trên mi.
Đó có thể là nghĩ về một tình huống hài hước, tự cấu vào tay mình hay đơn giản là uống một cốc nước lạnh…
Nếu bạn đã từng không kiềm chế được và khóc trước mặt sếp hay đồng nghiệp, đừng quá lo lắng. Một lần như thế không phải đã là tận cùng thế giới.
Bạn nên cảm ơn lần khóc đó vì nó giúp bạn trưởng thành hơn, vững vàng hơn và sáng suốt hơn trong những lần đối mặt tiếp theo.
Theo www.tapchilamdep.com