Kiến thức Tài chính kế toán Kinh tế – xã hội Hải Dương tiếp tục tăng trưởng

Kinh tế – xã hội Hải Dương tiếp tục tăng trưởng

503
 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
 Ông Nguyễn Dương Thái

Đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, Hải Dương có nhiều mặt được, cho dù gặp phải không ít khó khăn. Ông Nguyễn Dương Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết rõ hơn về bức tranh kinh tế của tỉnh.


Thưa ông, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Hải Dương vẫn đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế – xã hội. Theo ông, đâu là những mảng sáng nhất?
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tỉnh ước tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 735 triệu USD, tăng 21,7%. Sản xuất nông nghiệp vẫn có sự phát triển ổn định, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 2.526 tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hải Dương đã thu hút được 1,350 triệu lượt du khách, trong đó có 73.444 lượt khách quốc tế, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu du lịch ước đạt 465,7 tỷ đồng, tăng 9%.
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh lại gặp nhiều khó khăn, chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn duy trì được mức tăng cao, như vi mạch điện tử tăng 43,7%, máy fax tăng 31,9%, bộ dây dẫn điện dùng cho xe ô tô tăng 214,5%… Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển.
Công tác quy hoạch đã có bước chuyển biến tích cực với việc tỉnh đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh đã khắc phục được tình trạng bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải, ưu tiên vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm nay. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do tỉnh quản lý 6 tháng ước thực hiện 409,6 tỷ đồng, vốn giải ngân đến hết tháng 6 ước đạt 326,6 tỷ đồng, bằng 80,2% kế hoạch vốn thanh toán đã giao cho các dự án. Có 14 dự án đầu tư trong nước thuê đất sản xuất – kinh doanh, với vốn đăng ký là 548,7 tỷ đồng.

Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là một sự khẳng định rõ nét trong phát triển kinh tế của tỉnh, thưa ông?
Đúng vậy. Trong 6 tháng đầu năm nay, cho dù Hải Dương chỉ thu hút 76,3 triệu USD vốn FDI, trong đó có tổng vốn đăng ký mới là 21,8 triệu USD (của 11 dự án đầu tư mới), chủ yếu trong các lĩnh vực: chế tạo, cơ khí, lắp ráp. Song vốn đầu tư thực hiện của các dự án ước đạt tới 212 triệu USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp FDI, như Công ty May Phú Nguyên, Công ty Formostar, Shint BVT… vẫn mở rộng sản xuất, tăng quy mô đầu tư.
Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 236 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,650 tỷ USD, lũy kế vốn thực hiện ước đạt 2,208 tỷ USD, bằng 39,1% tổng vốn đăng ký.
Dự án Trung tâm Phân phối sản phẩm của Công ty Ajinomoto tại miền Bắc (vốn đầu tư 5,887 triệu USD); Nhà máy KPF Việt Nam của Công ty TNHH KPF Việt Nam (45 triệu USD); Nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc của Công ty TNHH NamYang Delta (20 triệu USD); Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Chi nhánh CTCP chăn nuôi CP Việt Nam (54 triệu USD)… đã đi vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Các dự án lớn trước đó đều hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn, Dự án của Công ty TNHH Aiden Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Sách, với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, doanh thu đạt 8,85 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 10,45 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam tại KCN Đại An, với tổng vốn đầu tư 66,67 triệu USD, có doanh thu và giá trị xuất khẩu đạt 236,43 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Kefico Việt Nam tại KCN Đại An mở rộng, có tổng vốn đầu tư là 65 triệu USD, doanh thu và giá trị xuất khẩu đạt 50,65 triệu USD…

Theo dự báo, trước mắt, nền kinh tế cả nước vẫn gặp không ít khó khăn. Vậy Hải Dương đã có những giải pháp gì để duy trì sự ổn định và phát triển?
Trước tiên, đó là thực hiện tốt các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trọng điểm năm 2012. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện Chương trình Đưa hàng Việt Nam về nông thôn, trong đó tập trung vào các chợ truyền thống; tăng cường hoạt động thông tin, dự báo thị trường giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, tỉnh chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt Hội chợ Thương mại – Nông nghiệp tại TP. Hải Dương.
Thứ hai, tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch ở 58 xã thực hiện giai đoạn I của Đề án Xây dựng nông thông mới. Huy động, lồng ghép từ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn trên nguyên tắc lựa chọn các dự án cấp thiết, có khả năng hoàn thành trong 2 năm 2012 – 2013 phù hợp với địa bàn từng xã, phát huy tối đa hiệu quả vốn đầu tư. Tổ chức thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ bằng xi măng của tỉnh đối với địa phương trong xây dựng đường giao thông nông thôn.
Thứ ba, tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch các KCN Lai Cách, Đại An (điều chỉnh lần 2), Cẩm Điền – Lương Điền… Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch được phê duyệt.
Thứ tư, tỉnh sẽ quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, như Nhiệt điện Hải Dương, Nút giao lập thể Quốc lộ 5 tại Ngã ba Hàng (huyện Nam Sách), Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Cầu Chanh, Cầu Ràm… Đồng thời, kiểm tra và có biện pháp xử lý cụ thể đối với một số dự án thuê đất, dự án đầu tư xây dựng KCN, khu dân cư, khu đô thị chậm triển khai, để đất hoang hóa gây lãng phí đất đai. Tỉnh cũng sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tồn tại ở KCN Kenmark.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý xây dựng đô thị; tiếp tục hoàn thiện nghiệm thu cơ sở đối với khu đô thị mới phía Đông, khu du lịch sinh thái Hải Hà và các tuyến đường đô thị mới phía Tây TP. Hải Dương. Tỉnh sẽ ban hành và thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn
Thùy Linh

Theo báo đầu tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không