Chồng chất khó khăn
Phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò hiện có 49 kho đông lạnh, 62 kho bảo quản, trữ lượng 7.500 tấn, trong đó trữ lượng hàng tồn kho là 2.000 tấn, được xem là lớn nhất từ trước tới nay.
Theo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Tân, do suy thoái kinh tế, các kho đông lạnh cũng bị ảnh hưởng. Trước kia, hàng ở Nghi Tân chủ yếu xuất đi các tỉnh miền Bắc, miền Nam, các nước Thái Lan, Lào, nay do cạnh tranh với thị trường các tỉnh miền Nam nên hàng hóa bị tồn đọng, không xuất được. Bên cạnh đó, tính chất của các kho đông lạnh là vừa sản xuất vừa kinh doanh, nay Điện lực Nghi Lộc lại áp dụng giá điện kinh doanh càng khiến cho các kho đông lạnh đã khó lại càng khó khăn hơn.
Hiện nay, đa phần các chủ kho đông lạnh đều phải vay vốn ngân hàng với mức 20,5%/năm. Theo thống kê, dư nợ 90 tỷ đồng, riêng kho đông lạnh chiếm 3/4 trong tổng dư nợ trên địa bàn. Hầu hết vốn vay của bà con đều nằm trong kho đông, chừng nào hàng tồn kho để càng lâu, càng nhiều thì bà con lại càng phải đi vay để quay vòng vốn.
Tương tự, hàng tồn kho cũng xảy ra tại các cơ sở chế biến và sản xuất cá cơm khô tại huyện Quỳnh Lưu. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến nay, lượng cá khô bị tồn kho nằm rải rác tại các cơ sở sản xuất và chế biến ở các xã Quỳnh Dị, Quỳnh Thuận, Sơn Hải là gần 200 tấn.
Chưa được hưởng lãi suất 15%
Để giải quyết hàng tồn kho, các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đây là một trong những yếu tố chính tạo dựng niềm tin với các bạn hàng cũ hay xâm nhập vào thị trường mới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa các sản phẩm vào các siêu thị, chợ truyền thống để quảng bá với người tiêu dùng trong nước.
Phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò đang xây dựng lôgô làng nghề chế biến và bảo quản kho đông lạnh, tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề. Trong giai đoạn khó khăn này, phường Nghi Tân cũng hạn chế mở mới các kho đông lạnh. Các kho đông lạnh phải chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường tiêu thụ, giải phóng hàng tồn kho lấy vốn, tái đầu tư kinh doanh. Tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng chợ cá ở phía Tây Bắc phường Nghi Tân để chuyển toàn bộ kho đông lạnh hiện nay ra khỏi khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư.
Các chủ kho đông lạnh cũng kiến nghị, hiện nay ngân hàng chỉ cho vay 9 tháng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Với lượng hàng tồn kho trên 100 tấn, vốn lại nằm trong hàng, ngoảnh trước ngoảnh sau đã đến hạn nộp cho ngân hàng nên doanh nghiệp không kịp trở tay. Chủ doanh nghiệp Hợi Thóa đề nghị các ngân hàng gia hạn vốn vay thành 1 năm. Tương tự, bà con cũng đề nghị nên có lãi suất ưu đãi cho các làng nghề.
Đã có thông tin hạ lãi suất vay cũ xuống 15% nhưng hầu hết các kho đông lạnh vẫn chưa được tiếp cận và hưởng ưu đãi này. Hiện nay, vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách đã có nhưng tỷ lệ rất ít. So với việc đầu tư một kho đông lạnh cần 3-4 tỷ đồng thì việc được hưởng 100 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm là quá ít, cần tăng thêm./.
Bích Huệ
Theo Báo Hải Quan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông