Kiến thức Tuyển dụng Vấn đề nhân lực của nước nhà

Vấn đề nhân lực của nước nhà

5
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamLiên quan đến câu chuyện nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá thiếu sức cạnh tranh và thứ hạng kém trong khu vực, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt (Trong ảnh) chia sẻ những quan niệm “vị nhân sinh” về vấn đề nhân lực nước nhà.

Phẩm hạnh quan trọng số 1

* Liên quan vấn đề nhân lực của Việt Nam hiện tại và tương lai, là một doanh nhân và chủ doanh nghiệp lớn, ông đánh giá như thế nào về kỹ năng khi tìm kiếm lao động?
– Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không đi tìm kiếm kỹ năng lao động mà tôi tìm kiếm năng lực tự nhiên của con người và phát hiện bên trong các năng lực tự nhiên – đôi khi chưa tự giác về sự tồn tại của nó – trong mỗi một cá thể, sau đó huấn luyện và khai thác nó. 
Trong điều kiện xã hội chúng ta thì hoạt động kinh doanh chưa chuyên nghiệp lắm, cho nên không nên hạn chế sự bất ngờ của tài năng bằng việc cố định mục tiêu của mình đối với một số loại năng lực. Cho nên tôi luôn luôn rèn luyện mình để thức tỉnh trước các sự xuất hiện khác nhau của các loại hình năng lực và khai thác nó.
* Những loại hình năng lực nào được ông ưu tiên số một khi tuyển dụng?
– Quan sát là năng lực số một mà con người cần phải có. Nếu một cán bộ mà không có năng lực quan sát, vô cảm trước cuộc sống, bàng quan trước cuộc sống, hoặc nhòe trong quan sát trước cuộc sống thì không nằm trong mục tiêu lựa chọn của tôi.
Thứ hai là khát vọng thay đổi. Đôi lúc người ta duy ý chí muốn biến đổi cuộc sống mà quên mất rèn luyện mình để mình biến đổi theo các đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Tức là năng lực có thể thay đổi được trở thành năng lực số hai.
Năng lực số ba mà tôi luôn luôn quan tâm là tính hòa hợp có thể có một cách con người, giữa đối tượng mà tôi đang định chọn với cộng đồng mà tôi đã có.
* Vậy thì nguồn nhân lực đào tạo trong nước đáp ứng được bao nhiêu đòi hỏi của ông?
– Tôi bao giờ cũng có một giai đoạn thử việc 3 tháng theo luật, còn để rèn luyện cho con người xâm nhập vào cộng đồng lao động của tôi, vào nền văn hóa riêng của công ty chúng tôi thì 3 năm.
Nói thật là có người giỏi, có người trung bình, có người kém, nhưng khoảng cách giữa giỏi, trung bình và kém không nhiều lắm. Cho nên tôi rất lạ là có người nói phải thủ khoa này, thủ khoa kia mới tuyển. Tôi tuyệt đối không quan tâm đến chuyện đấy.
Ba khả năng mà tôi vừa nói, là khả năng quan sát, khả năng tự thay đổi và khả năng hòa hợp với cộng đồng lao động là ba khả năng quan trọng nhất, và tôi chỉ chọn người khi họ thỏa mãn đủ 3 tiêu chuẩn ấy.
Chọn như thế cũng chưa chắc đã đúng, vì trong một lần tiếp xúc, trong một lần phỏng vấn thì không đủ, nên phải có 3 tháng thử việc để loại bớt những đối tượng không kham nổi những đòi hỏi của tôi, và 3 năm để tôi lựa chọn vào đội ngũ những người có thể giữ lại, có thể đào tạo thành chuyên viên cao cấp.

Giáo dục phải chỉ ra các phẩm hạnh

* Để chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp và gia công hàng hóa lên kinh tế tri thức – Việt Nam cần hướng đến để đào tạo ra những lao động có kỹ năng như thế nào?
– Nếu bắt đầu cuộc cải cách giáo dục sắp tới mà Đảng ta chủ trương bằng việc chỉ ra các loại hình năng lực thì đấy là đòi hỏi sai. Cải cách giáo dục trước hết phải chỉ ra các phẩm hạnh cơ bản của con người mà tương lai của sự phát triển kinh tế hoặc xã hội Việt Nam cần. Phẩm hạnh con người quan trọng hơn những loại hình năng lực cụ thể.
Cái thứ hai là anh phải chỉ ra được là cái gì là chìa khóa cơ bản để con người có thể tiếp cận với những năng lực cụ thể, bởi vì năng lực thay đổi theo thời gian. Giá thị trường của các năng lực thay đổi theo thời gian, vai trò của các năng lực thay đổi theo những đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, không phải cuộc sống Việt Nam mà cuộc sống toàn cầu.
Cho nên rất khó để đưa ra một số loại hình năng lực cơ bản đối với các cơ sở giáo dục chuyên ngành, mà nên đưa ra những hạt nhân, những chìa khóa để con người có thể đến với năng lực. Thay đổi như vậy chính là thay vì học một lần bằng học liên tục để thỏa mãn các sự thay đổi liên tục của đòi hỏi xã hội đối với con người, với năng lực.
* Ý ông đang muốn gián tiếp nói đến những khẩu hiệu, những bước đi đưa xuống các cơ sở giáo dục hiện nay của ngành giáo dục hướng đến một mục tiêu về chất lượng đi ngược?
– Nó đi ngược với tự nhiên, bởi vì anh không thể khoác cho con người một gánh nặng kiến thức được, làm cho giáo dục phổ thông cũng như giáo dục đại học trở nên khổ sai. Mà con người cần phải đủ hạnh phúc để bước vào cuộc sống một cách lành mạnh, với tất cả các sự tự tin về mình, có thể phân loại, có thể quan sát, có thể nhặt nhạnh một cách chính xác các năng lực cần cho mỗi một giai đoạn hoạt động.
Năng lực của một con người là tính lành mạnh, tính trong sáng và linh cảm chính xác về các giá trị trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của cuộc sống mà không phải là những thứ được trang bị ban đầu.
* Nói như vậy là mục tiêu giáo dục của Việt Nam đang có vấn đề?
– Đang có vấn đề, vấn đề ấy là chúng ta muốn biến con người trở thành một người thợ, một người hoạt động, một người kinh doanh ngay sau khi ra khỏi trường. Cái đấy là vô vọng và không chính xác.
Đào tạo là quá trình tạo ra các năng lực để học tập, chứ không phải là kiến thức của sự học tập ở giai đoạn ban đầu. Không có một quốc gia nào, nhất là những quốc gia đang phát triển như chúng ta có đủ kinh nghiệm để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngay từ đầu. Cho nên mục tiêu của chúng ta là tạo ra các sản phẩm có triển vọng, chứ không phải tạo ra các sản phẩm có giá trị ngay từ đầu.

Quyền thải hồi thuộc về người lao động 

* Vậy sau khi thử việc ba tháng thì những lao động được tuyển dụng đáp ứng thế nào đối với công việc ở công ty ông đặt ra?
– Tôi không đánh giá. Tôi cũng không quan sát sự bộc lộ. Tôi quan sát họ một lần, họ gia nhập và chính họ phải quan sát chứ không phải tôi. Tôi luôn nhường quyền thải hồi của tôi với tư cách là chủ công ty cho người lao động.
Người lao động không kham được có quyền lựa chọn, họ đem so năng lực của họ với yêu cầu của công việc. Thậm chí ngay cả khi năng lực của họ đã trở thành một thực tế, một giá trị khách quan rồi thì họ vẫn có quyền lựa chọn tôi nữa hay không.
Nói cách khác là những người sử dụng lao động khôn ngoan là sử dụng những lao động có năng lực lựa chọn ông chủ. Rất nhiều cán bộ của tôi sau một thời gian công tác là đi, đại bộ phận trong số họ rất thành đạt và họ dựng các sự nghiệp khác của họ rất thành công. Sự thành công của các cán bộ của tôi sau khi rời công ty của tôi làm cho tôi hạnh phúc hơn là đau khổ.
Tôi không sợ mất ai cả, vì mỗi một công ty lành mạnh là một công ty tạo ra những người lao động mà sau khi không làm cho mình nữa thì họ trở thành những người tự tổ chức các hoạt động của họ một cách thành công. Đấy là định nghĩa của tôi.
* Trở lại vấn đề ban đầu ông đề cập là giáo dục Việt Nam đang đi lệch. Sự đi lệch này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực hiện tại và trong tương lai?
– Sự lệch ấy là một kết luận có tính chất gián tiếp và vĩ mô. Kết luận ấy không phủ lên trên một con người mà phủ lên trên tính chất của một cộng đồng. Tất cả những người sử dụng lao động trên đời này là một bộ phận quan trọng và nối dài của hệ thống chính sách giáo dục.
Tất cả các chủ doanh nghiệp đều cần phải tham gia vào cộng đồng giáo dục để hoàn chỉnh dần dần các sản phẩm có chất lượng giáo dục để phục vụ cuộc sống. Để cho tất cả những người sử dụng lao động nằm ngoài quy trình đánh giá các sản phẩm hoặc kiến tạo các sản phẩm giáo dục là một trong những sai lầm rất cơ bản của chính sách vĩ mô về giáo dục.

Theo doanhnhansaigon.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không