Bị sa thải luôn là nỗi ám ảnh của những người đi làm. Hiện nay, còn có thêm một nỗi lo khác nữa là giãn việc – thiếu việc. Điều đáng ngại nhất là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng này thường nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, chẳng hạn do tình trạng nền kinh tế, hiệu quả và thời gian hoạt động của công ty. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa nếu bạn mất việc thì hoàn toàn là do yếu tố khách quan. Trên thực tế, nhiều người đã “tự sa thải” mình do vô tình hay chủ ý làm những việc sau:
1. Không ghi chép lại thành tích
Giả dụ sếp đang cân nhắc xem nên giữ bạn hay một đồng nghiệp ở lại công ty. Ông ấy hỏi bạn: “Tại sao tôi nên giữ anh lại?”. Nếu bạn không có gì để trình bày với ông ấy, nhiều khả năng bạn sẽ người phải ra đi. Ngoài ra, việc lưu giữ danh sách những phần thưởng, sự đề bạt và thành tích đã đạt được để “khoe” vào thời điểm xét duyệt thành tích làm việc hàng năm hoặc xin tăng lương cũng sẽ rất hữu ích cho bạn. Hơn nữa, bạn sẽ không bao giờ biết chắc được khi nào mình cần kiếm việc mới. Nếu không ghi chép lại thành tích của mình, bạn có thể sẽ không nhớ nổi chúng khi cần cập nhật hồ sơ.
2. Không rèn luyện và học hỏi kỹ năng mới
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, giữ được việc đã là tốt rồi. Muốn vậy, bạn hãy chứng tỏ cho sếp thấy bạn đang mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Hãy tích cực rèn luyện và học hỏi kỹ năng mới để họ thấy bạn là nhân viên đáng “đồng tiền bát gạo”, đặc biệt khi công ty đang tìm kiếm giải pháp để cắt giảm chi phí.
3. Làm việc không hiệu quả
Kinh doanh là phải nói đến hiệu quả. Nếu bạn không mang lại chút lợi nhuận nào, nếu bạn làm công ty tốn kém chi phí thay vì tạo ra doanh thu, hoặc nếu bạn đơn thuần nghĩ mình có cố gắng là được rồi, bạn chắc chắn sẽ phải xách cặp ra đi.
4. Không tích cực xây dựng quan hệ xã hội
Nếu bạn nghĩ e-mail là cách giao tiếp tối ưu hơn nói chuyện trực tiếp vì sự nhanh chóng của nó thì bạn đã nhầm to. Trong thời đại ngày nay, một trong những bí quyết khiến bạn đạt được thành công là xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội. Bạn không thể nuôi dưỡng những mối quan hệ này thông qua e-mail, chat hay tin nhắn trên ĐTDĐ được.
5. Tự xem mình là “ngôi sao”
Ở công sở không có chỗ cho “ngôi sao”. Hiện nay có hàng triệu người đang tìm việc và chắc chắn trong đó nhiều người có thể làm tốt công việc của bạn. Vì thế, nếu bạn nghĩ mình là người duy nhất có thể làm tốt công việc, bạn sớm muộn gì cũng sẽ phải ra đi.
6. Tự mãn về kiến thức của mình
Kiến thức là sức mạnh. Tuy nhiên, việc tự nhận mình là người “biết tuốt” sẽ khiến cho sự nghiệp của bạn gặp trắc trở vì nó cho thấy bạn không thích học hỏi những ý tưởng và phương pháp làm việc mới. Để trụ vững trên thị trường lao động hiện nay, bạn cần biết cách đặt câu hỏi, cập nhật kiến thức và lắng nghe những ý tưởng mới.
7. Kết bạn với những kẻ nịnh bợ
Bạn đã từng nghe câu thành ngữ: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chưa? Nếu bạn kết giao với những kẻ nịnh bợ, nhiều khả năng bạn là loại người thích được kẻ khác khen ngợi, tâng bốc. Những người chung quanh bạn sẽ chú ý ngay đến điều này. Cấp trên sẽ nhanh chóng thay thế bạn bằng một người có thể chấp nhận – khuyến khích sự khôn ngoan và sáng tạo của người khác.
8. Tranh công với đồng nghiệp
Nếu nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, khi hoàn thành công việc, bạn không nên giành hết công trạng về mình. Phần lớn các nhà quản lý đều đủ khôn ngoan để nhận ra điều này. Nếu bạn biết ơn sự giúp đỡ của người khác, cấp trên và đồng nghiệp sẽ đánh giá bạn là người có tinh thần làm việc tập thể, một yếu tố tối quan trọng để tạo nên nhóm làm việc thành công. Hơn nữa, đồng nghiệp cũng sẽ trân trọng những sự trợ giúp của bạn với họ, như bạn đã từng.
9. Không quảng bá những thành công của mình
Sếp là người rất bận rộn nên chắc chắn sẽ không có thời gian theo sát tất cả nhân viên của mình. Vì thế, nếu bạn không nói ra, sếp sẽ không biết được những đóng góp của bạn cho công ty. Đã đành là bạn không nên khoác lác, nhưng như thế không có nghĩa là bạn không thể “khoe” với đồng nghiệp trong ngành về thành công của mình. Việc quảng bá những thành công của bản thân thật sự rất hữu ích, miễn là bạn làm đúng cách.
10. Tự xem mình là người hoàn hảo
Những doanh nhân khôn ngoan đều biết rằng dù có nỗ lực đến đâu, một lúc nào đó trong việc kinh doanh, họ cũng sẽ gặp những chướng ngại khó vượt qua. Khi đó, họ sẽ cần sự tư vấn của bạn bè, đồng nghiệp hoặc một chuyên gia. Ai tự xem mình là hoàn hảo sớm muộn gì cũng sẽ thất bại. Ngược lại, việc dám thừa nhận mình còn nhiều khiếm khuyết sẽ khiến mọi người ở công ty phải nể trọng bạn.
Theo careerbuilder.com
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông