Kiến thức Tài chính kế toán Lo hóa đơn giả khi doanh nghiệp tự in

Lo hóa đơn giả khi doanh nghiệp tự in

1227
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) xung quanh những vướng mắc khi doanh nghiệp tự in hóa đơn theo Nghị định 51 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

– Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ phàn nàn họ phải mất thêm một khoản tiền khá lớn để tự tìm đối tác cho việc in hoá đơn. Nhà nước sẽ có hỗ trợ như thế nào đối với các doanh nghiệp (DN) này, thưa ông?

– Khi chuyển sang tự in hóa đơn thì ước tính chi phí DN phải bỏ ra sẽ gấp 4-5 lần so với việc đi mua hóa đơn của cơ quan thuế. Nhưng Nhà nước hỗ trợ cũng rất khó vì giá cao hay thấp phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người bán và người mua. Trước khi lựa chọn đối tác đặt in, DN phải xác định số lượng cho phù hợp để giá không quá cao.

Nếu DN nào nắm vững CNTT thì có thể phát triển sử dụng hóa đơn điện tử, sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Tuy nhiên, chi phí đầu tư công nghệ cũng không hề nhỏ.

– Khi mua hóa đơn thì cơ chế xin cho gây không ít phiền hà cho doanh nghiệp. Vậy, theo quy định mới, liệu cơ chế này còn tồn tại không?

– Tôi xin khẳng định, với quy định mới về hoá đơn hàng hoá thì cơ chế xin – cho sẽ không còn đất sống. Bất kỳ DN nào có mã số thuế, có hoạt động kinh doanh, có địa điểm là có thể đủ điều kiện được in hóa đơn và phải tự in hóa đơn. Tùy theo nhu cầu sử dụng, DN có thể đặt in hóa đơn 5-10 năm mà không cần phải đăng ký với cơ quan thuế, chỉ khi nào hóa đơn được phát hành, DN mới phải thông báo.

Cũng theo quy định mới, cơ quan thuế không quy định mẫu hóa đơn, chỉ quy định 5 thông tin bắt buộc phải thể hiện (tên người bán, người mua, địa chỉ người bán, người mua, tài khoản người bán, người mua…). Vì vậy, DN có quyền in thêm các thông tin quảng cáo hoặc logo công ty.

– Trước đây hiện tượng lập DN chỉ để bán hóa đơn rất nhiều. Khi DN được tự in hóa đơn, tình trạng này sẽ ra sao?

– Đây cũng là mối lo chung không chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước, mà cả bản thân các DN. Họ lo có tình trạng có DN khác làm giả hóa đơn của mình. Để ngăn chặn tình trạng này, điều kiện đầu tiên là phải có sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN.

DN phải xây dựng và sử dụng hạ tầng CNTT tốt để tự mình có thể kiểm tra DN nào làm giả, làm nhái hóa đơn của mình. Vì hóa đơn tự in nhưng nếu không đăng ký phát hành thì hóa đơn đó cũng không có giá trị. Bên cạnh đó, tự bản thân mỗi DN phải nâng cao trách nhiệm của mình, lựa chọn đối tác in tin cậy, có kinh nghiệm trong in ấn, chống làm giả và cùng đối tác in lên bản thiết kế hóa đơn và thiết kế dấu hiệu phát hiện hóa đơn giả.

– Ngày 1/1/2011, NĐ 51 chính thức có hiệu lực. Thời gian chỉ còn 4 tháng, liệu các doanh nghiệp có khả năng thực hiện đúng thời hạn?

– Thời gian đúng là hơi căng nên DN phải xác định tinh thần rất khẩn trương. Thời điểm này cũng chính là lúc các Hiệp hội phải vào cuộc, sát cánh cùng DN để tham vấn, phổ biến thông tin. Thông tư hướng dẫn NĐ 51 dự kiến được Bộ Tài chính đưa lên mạng trong 1-2 tuần để lấy ý kiến trực tiếp của DN trong cả nước trước khi ban hành chính thức.

Giống như trước đây khi chúng ta triển khai thuế thu nhập cá nhân, cũng đã có nhiều quan ngại rằng khó thành công. Nhưng thực tế triển khai với sự cố gắng của cơ quan quản lý, DN, người dân… thì đến nay luật này đã thu được những kết quả nhất định. Chúng tôi kỳ vọng mọi việc sẽ suôn sẻ và cố gắng 100% DN sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Có một số ý kiến cho rằng nên lùi lại thời điểm có hiệu lực của NĐ 51, nhưng theo tôi thì không có lý do gì phải lùi. Chúng ta cứ làm, trong thực tế triển khai vướng đến đâu sẽ giải quyết đến đó.

(Theo VnExpress)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không