Kiến thức Tài chính kế toán Chữ ký số: Điều kiện cần để cải cách thuế, hải quan

Chữ ký số: Điều kiện cần để cải cách thuế, hải quan

826
Phát biểu khai mạc Toạ đàm “Ứng dụng chữ ký số công cộng trong các dịch vụ hành chính công điện tử của ngành Tài chính”, do Bộ Tài chính tổ chức sáng 17/9/2010, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định chữ ký số là một trong những điều kiện quan trọng để cải cách thủ tục hành chính thuế – hải quan, qua đó nâng cao thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo công bố mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới, khả năng cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 16 bậc, hiện đang đứng ở vị trí 59. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn vào thủ tục hành chính của riêng lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan thì Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể ngang bằng các nước trong khu vực và thế giới.

“Ứng dụng chữ ký số chính là điều kiện rất cơ bản và quan trọng để thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan Việt Nam, góp phần nâng cao thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng nhận định.

Thứ trưởng cũng cho biết, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 – 11 tới, sẽ công bố báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, xây dựng (công tác giám sát đã được tiến hành trong 6 tháng qua). Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về những lĩnh vực này. Nghị quyết sẽ là nền tảng pháp lý để thúc đẩy tiến trình cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 lĩnh vực.

Đây chính là cơ hội để những người đang thí điểm triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, những người đang cung cấp dịch vụ chữ ký số, những người đang sử dụng chữ ký số trong hoạt động kinh doanh của mình có thề đề đạt những kiến nghị, đề xuất nhằm có được những điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của mình trong thời gian tới, tạo điều kiện phát triển hải quan điện tử, thuế điện tử.

Những con số mục tiêu

Đối với hải quan điện tử: Bắt đầu triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử tại 10 cục từ 2/11/2009. Từ 10/8/2010 triển khai thêm 3 cục nữa. Quan điểm của Bộ Tài chính là đối với 10 cục đã triển khai trước thì mục tiêu đến 31/12/2010 phải triển khai thủ tục hải quan điện tử ở tối thiểu 70% số chi cục trong mỗi cục; kê khai điện tử 70% số tờ khai, và phải đạt 70% kim ngạch xuất nhập khẩu. 10 cục này chiếm 90% số kim ngạch và tờ khai của toàn ngành Hải quan. Dự tính năm 2010, số tờ khai của ngành Hải quan là 4 – 4,1 triệu; số doanh nghiệp kinh doanh thường xuyên khai hải quan điện tử là khoảng 38.000; số yêu cầu phải triển khai thực hiện chữ ký số là hơn 30.000. Tới năm 2012 sẽ có 30.000 doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử, đạt 80 – 90% tổng số kim ngạch và số tờ khai.

Đối với thuế điện tử: Bắt đầu triển khai thí điểm ở 4 Cục là Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, từ quý 4/2009. Ngày 11/9/2010, Bộ Tài chính có quyết định triển khai thêm ở 14 cục nữa. Mục tiêu của Bộ Tài chính, chậm nhất là cuối năm 2012, trong số 500.000 doanh nghiệp đã được cấp phép và đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, đối tượng cần phải thực hiện khai điện tử là 300.000 – 320.000 doanh nghiệp. Đến năm 2012 sẽ có 5 – 5,2 triệu tờ khai thuế qua mạng. Số lượng tờ khai điện tử trong một năm đối với 1 doanh nghiệp khoảng 18 – 20 tờ. Trong tương lai sẽ thực hiện kê khai điện tử đối với tất cả các loại thuế, kể cả lĩnh vực hoàn thuế cho doanh nghiệp và những loại thuế có đối tượng rộng hơn như thuế thu nhập cá nhân (hiện có 4,8 triệu đối tượng thu nộp), thuế nhà đất (12 triệu đối tượng).

Rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ nay tới trước ngày 31/12/2010, Bộ Tài chính sẽ luật hoá những vấn đề, kiến nghị được các doanh nghiệp và tổ chức, cơ quan liên quan nêu ra. Những dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực hải quan điện tử và thuế điện tử sẽ không chỉ dừng ở mức những ý kiến, định hướng mà phải trở thành những quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể thấy rõ cơ hội của mình.

“Không có sự tham gia của doanh nghiệp thì Bộ Tài chính không thể làm được thuế điện tử, hải quan điện tử”, Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng cũng đã nêu rõ những cơ hội hợp tác cụ thể của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số với Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc như Thuế, Hải quan.

Trước hết là dịch vụ thu thuế qua hệ thống ngân hàng, hiện đang triển khai thí điểm ở 21 địa phương. Bộ Tài chính yêu cầu 6 tháng đầu năm 2011 sẽ phải triển khai ở 63 tỉnh thành phố đối với những đối tượng, lĩnh vực cần thiết. Trước kia, chỉ được phép thu thuế qua kho bạc, tất cả doanh nghiệp và người dân hàng tháng đều phải qua kho bạc nộp tiền. Biên chế kho bạc chỉ 15 – 20 người/đơn vị. Hàng tháng chỉ thu thuế tập trung vào 2 – 3 ngày. Tính riêng cấp cục thì một năm số thu cũng khoảng 30.000 tỷ đồng. Số hộ kinh doanh khoảng 12.000, số doanh nghiệp khoảng 6.000, cộng lại cũng phải 18.000 người nộp, đến tập trung trong 2 – 3 ngày thì gây ra tình trạng rất hỗn loạn, vừa phiền hà cho cơ quan Nhà nước vừa phiền hà cho doanh nghiệp, lại gây tốn kém. Với thực tế là trên các địa bàn quận, huyện hiện giờ đều đã sự hoạt động của các ngân hang, cơ quan thuế chỉ cần ký hợp đồng với các ngân hàng rồi chuyển danh sách đối tượng cần thu để ngân hàng thu hộ. Hệ thống đại lý các ngân hàng sẽ chỉ cần thu tiền qua tài khoản của đối tượng cần thu, sau đó nộp lại tiền vào ngân sách. Dịch vụ thu thuế qua ngân hàng rất cần phải ứng dụng chữ ký số.

Cơ hội thứ hai là dịch vụ VAN – các tổ chức trung gian như đại lý khai thuế, đại lý hàng hải, vận chuyển… Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Xu hướng tỷ lệ này sẽ giảm xuống 70% trong 5 năm tới. Vì chỉ có mô hình vừa và nhỏ, loại hình doanh nghiệp này thường không thể bố trí đủ bộ máy kế toán, dịch vụ… mà cần sự hỗ trợ thêm của các tổ chức trung gian về kê khai thuế, kế toán thuế, kê khai hải quan… Những dịch vụ này cũng rất cần ứng dụng chữ ký số.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng giới thiệu thêm một cơ hội khác đối với các doanh nghiệp CNTT, đó là khi thuế điện tử và hải quan thực hiện điện tử đi vào thực chất (điện tử hoá 70% khối lượng công việc), bản thân các cơ quan quản lý thuế, hải quan sẽ không thể tự mình quản trị, quản lý được hệ thống CNTT, hệ thống mạng. Quan sát kinh nghiệm của thế giới, tất cả các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Ý, Pháp, Mỹ, Anh, Canada… trong tất cả hệ thống CNTT của thuế, hải quan, thì bộ phận quản trị, vận hành đều thuê các doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang học tập theo kinh nghiệm này. Đây chính là một trong những minh chứng cụ thể cho mô hình hợp tác công – tư đang được Bộ Tài chính tích cực áp dụng.

Kiến nghị về hành lang pháp lý

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, dự kiến trong kỳ họp Quốc hội tới, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề có liên quan tới hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chữ ký số.

Cụ thể là sẽ trình Quốc hội đề nghị giao cho Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng 1 đề án để mỗi doanh nghiệp/công dân chỉ có 1 mã số duy nhất với 1 tên duy nhất theo 1 ký hiệu số duy nhất. Sau 3 năm tích cực cải cách, ở Việt Nam mới tiến được một bước rất nhỏ là thống nhất được 1 mã số giữa 3 cơ quan gồm Thuế – Hải quan – Kế hoạch đầu tư. Hiện tại, trong quan hệ với ngân hàng, bảo hiểm, bạn hàng, các cơ quan Nhà nước khác… thì mỗi doanh nghiệp vẫn đang được áp 1 mã số khác nhau.

Về chữ ký số, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông phải tạo môi trường pháp lý thông thoáng hơn nữa để có nhiều doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chữ ký số. Hiện đang có thách thức trong các quy định pháp luật như Luật Giao dịch điện tử và các văn bản liên quan vẫn chưa công nhận chữ ký số do các tổ chức nước ngoài cung cấp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn cầu khi sử dụng chữ ký số trong giao dịch ở Việt Nam.

(Theo Tài chính điện tử)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không