Trong suốt một thập niên qua, mức lương trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) liên tục gia tăng và năm nay lại bắt đầu một chu kỳ tăng mới. Điều đó cho phép chúng ta nhìn lại, tìm hiểu xem chúng ta đánh giá như thế nào về chuyện tiền bạc…
“Dường như mối nhân duyên của chúng ta – những người trong ngành CNTT – với lương bổng đã phát triển thành một mối quan hệ ít nhiều bất ổn. E rằng chúng ra đã tạo ra một số khái niệm sai lầm về ý nghĩa của tiền bạc”, đó là quan điểm của Paul Glen – nhà tư vấn về quản trị CNTT ở Los Angeles, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong việc phân phối và quản lý những sản phẩm và dịch vụ liên quan đến CNTT.
Ý nghĩa của tiền bạc
Có rất ít những vấn đề tạo ra nhiều cảm xúc nơi những người làm CNTT như chuyện lương bổng, kể cả những vấn đề về quản lý. Không phải là vì người ta đói ăn. Hầu như không có ai làm việc toàn thời gian trong ngành CNTT lại phải đi xin tem phiếu thực phẩm, và cũng chẳng có ai đủ tiêu chuẩn để bị xem là nghèo. Năm nay, mức tăng lương bình quân 3% trong ngành không phải là chuyện quá tệ. Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào?
Vấn đề chính là chúng ta cho phép tiền bạc trở nên gắn kết với một số vấn đề khác. Chúng ta xem nó như một biểu trưng vật thể cho những giá trị phi vật thể.
Địa vị. Chúng ra xem tiền bạc như một minh chứng cho địa vị xã hội. Giống như trong bầy đàn, chúng ta thật sự muốn biết vị trí của mình trong mối tương quan với những người khác, và tiền bạc là một tiêu chí để xem xét.
Giá trị cá nhân. Chúng ta sử dụng tiền bạc như một biểu tượng để xem công ty đánh giá giá trị chúng ta như thế nào. Công ty trả càng nhiều tiền thì hàm nghĩa là họ đánh giá chúng ta càng cao.
Tiến triển. Chúng ta kỳ vọng thu nhập sẽ tăng trường liên tục theo thời gian trong nghề. Chúng ta càng tiến triển thì giá trị chúng ta càng cao và lương bổng cũng sẽ tăng cao tương ứng.
Sự công bằng. Điều quan trọng nhất là chúng ta sử dụng tiền bạc như một thước đo để xem xét sự công bằng của công ty. Chúng ta so sánh giá trị mà chúng ta đóng góp và kỳ vọng sẽ được bù đắp tương xứng. Chúng ta phỏng đoán giá trị mà chúng ta tạo ra trong tương quan với các đồng nghiệp và hy vọng rằng mỗi người sẽ được hưởng thành quả tuỳ theo sự đóng góp của mình.
Do vậy, rất thường xuyên là mỗi khi cảm thấy không thoải mái với những cảm xúc của mình, cảm thấy bị đánh giá thấp, không được quý mến hay bị đối xử không công bằng, những người làm CNTT luôn than phiền về chuyện tiền bạc. Đó là cách thức an toàn và cụ thể để họ bày tỏ những gì họ không muốn. Cách nói dễ dàng là: “Anh ta làm việc không tốt bằng tôi nhưng lại được trả lương cao hơn. Điều đó không công bằng”, thay vì nói: “Tại sao ông không đánh giá tôi và sự đóng góp của tôi như cách ông đánh giá anh ta?”. Thực ra hai cách nói chỉ xoay quanh một vấn đề.
Và vấn đề xuất phát từ đó
Xét một cách tổng quan, chúng ta được trả tiền nhiều hay ít không phải là vấn đề giá trị, mà là vấn đề cung – cầu. Chuyện tăng hay giảm các mức lương ít dựa vào giá trị mà chúng ta đóng góp cho công ty, mà căn cứ nhiều hơn vào mức tăng giảm nguồn nhân lực có cùng những kỹ năng như chúng ta trên thị trường.
“Lương cao? – Bạn hãy tiết kiệm!”
Trong những năm bùng nổ của ngành CNTT ở thập niên 1990, tôi phải tuyển dụng những sinh viên mới ra trường với mức lương quá gấp hai lần mức thu nhập của một gia đình bốn người tại Mỹ. Mỗi khi họ hỏi xin tôi một lời khuyên trong nghề, tôi chỉ luôn nói với họ một câu: “Bạn hãy tiết kiệm tiền”. Và họ thường nhìn tôi như thể tôi đang nói một ngôn ngữ khác.
“Bạn nhận được mức lương cao như thế này không phải vì bạn giỏi hơn người quản lý. Đây chỉ là vấn đề cung – cầu, và ở một thời điểm nào đó, mọi chuyện sẽ thay đổi. Đừng xây dựng cuộc sống trên cơ sở giả thiết rằng thu nhập của bạn ngày càng tăng. Thực ra, nếu bạn suy nghĩ về điều đó, thì thử hỏi: Nếu công ty cần phải sa thải một nguời, giữa bạn và người quản lý, bạn nghĩ chúng tôi sẽ chọn ai?”.
Khi mà thị trường kỹ năng CNTT ngày càng toàn cầu hóa, chúng ta cần phải hiểu đúng ý nghĩa của tiền bạc. Và có lẽ điều quan trọng hơn là chúng ta cần phải tìm cách tốt hơn để thể hiện những suy nghĩ của mình về những chuyện như giá trị, sự đóng góp hay sự công bằng thay vì bám vào một biểu tượng đã trở nên quen thuộc với chúng ta.
Theo VietNamnet
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông