Tây Nguyên: Thi nhau trồng, chặt

41
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThời gian qua, người dân Đắk Nông và Đắk Lắk đua nhau chặt bỏ nhiều loại cây công nghiệp như ca cao, điều… để chuyển sang cây trồng khác. Việc này sẽ phá vỡ quy hoạch nông nghiệp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chặt cây “thoát nghèo”
Từng được kỳ vọng là cây mũi nhọn thoát nghèo cho người dân Tây Nguyên, nhưng ca cao hiện bị nông dân Đắk Lắk, Đắk Nông đua nhau chặt bỏ. Tại huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), mô hình trồng cây ca cao được xem là khá thành công cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ 1.200ha nay chỉ còn 450ha. Ở huyện Lắk, số hộ trồng cây ca cao thành công và thất bại là 50 – 50. Cách đây vài năm, diện tích ca cao của huyện Lắk lên đến 1.200ha, nay chỉ còn 502ha. Toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hàng trăm hécta ca cao bị phá bỏ và chuyển đổi cây trồng khác.
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Xã hội – Kinh tế và Môi trường, việc trồng cây cà phê đem lại lợi nhuận gấp đôi so với ca cao trên cùng một diện tích. Mặt khác, một số cây ngắn ngày như mì, bắp… đem lại thu nhập khá hơn cây ca cao mà không cầu kỳ về kỹ thuật trồng. Vì thế, người dân đã chặt bỏ ca cao để thay thế cây trồng khác.
Tại Đắk Nông, tình hình phát triển cây ca cao cũng chung cảnh ngộ. Ở xã Ea Pô (huyện Cư Jút, Đắk Nông), người dân đã chặt bỏ hơn 100ha ca cao để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê. Lý do cây này kém phát triển, năng suất thấp, giá thu mua đã giảm nhiều so với mấy năm trước. Trong khi việc chăm sóc, thu hoạch bảo quản ca cao cần nhiều kỹ thuật, điểm thu mua tại địa phương lại chưa có.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn (ở xã Ea Pô) cho biết: Ca cao đã cho thu hoạch 2 năm nay nhưng do giá quá thấp, nếu tính với việc đầu tư thì vừa không có lãi, giá lại bấp bênh, chỉ 35.000 đồng/kg. Còn việc vận chuyển bán ca cao có khi phải lên tận Đắk Lắk mới có thể bán được.
Một loại cây khác có giá trị kinh tế cao cũng đang bị nông dân Đắk Nông chặt bỏ hàng trăm hécta là cao su. Ở huyện Đắk R’lấp, việc chặt bỏ cây cao su là hậu quả từ chọn giống không phù hợp, nông dân ít am hiểu kỹ thuật nên cho năng suất thấp. Còn ở huyện Đắk Song, nguyên nhân còn bởi cây cao su không phù hợp với những vùng đất quá cao ở địa phương.
Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, cho biết: “Định hướng phát triển cao su trên địa bàn huyện chỉ có 2 xã Đắk Môn và Đắk Hòa với độ cao dưới 700m. Nhưng bây giờ hầu như xã nào cũng đổ xô vào trồng cây cao su. Những diện tích hiện nay dân chặt bỏ do vườn đó giống không đảm bảo, kỹ thuật chăm sóc giai đoạn kiến thiết cơ bản không tốt nên cây cao su phát triển rất kém, sản lượng mủ không đảm bảo”.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 29.500ha cây cao su, trong đó có khoảng 5.000ha cao su tiểu điền trồng trước năm 2005, tập trung chủ yếu tại các huyện Cư Jút, Đắk R’lấp, Đắk Song, Krông Nô và Tuy Đức. Nhưng trong số 5.000ha cao su tiểu điền chỉ có khoảng 40% đạt hiệu quả.
Ở Đắk Lắk, diện tích cây điều liên tục giảm mấy năm qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm. Năm 2008, diện tích cây điều đang ở đỉnh cao trên 41.000ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 28.000ha. Trong khi cây cao su từ 24.000ha tăng lên gần 38.000ha. Tại huyện Ea Súp, vùng đất vàng của cây điều, diện tích giảm từ 13.000ha xuống còn hơn 4.000ha. Hiện nhiều diện tích điều tại Ea Súp bị bỏ hoang, nhiều vườn rẫy điều lẫn với cây tạp, chết trụi hoặc vàng lá.

Phá vỡ quy hoạch
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT Ea Súp, cho biết: Trước tình trạng bà con chặt bỏ cây điều nhiều, phòng đã tổ chức cán bộ đi xuống tận nhà dân để khuyến cáo nhưng không hiệu quả. Do giá cả bấp bênh, khí hậu không thuận lợi và đầu tư chăm sóc tốn kém nên người dân không mấy mặn mà, chuyển sang trồng cây ngắn ngày.
Với đà này, năm tới diện tích cây điều trên địa bàn còn chưa đến 3.000ha. Huyện đã có quy hoạch thổ nhưỡng nhưng người dân thấy lợi trước mắt nên làm tự phát dẫn tới phá vỡ quy hoạch, trong khi đó diện tích cây cao su đã vượt gần 2.000ha.
Tình trạng phá bỏ cây cao su, ca cao để trồng cà phê, hồ tiêu đang góp phần làm diện tích 2 loại cây trồng này tăng chóng mặt ở Đắk Nông. Diện tích cà phê ở Đắk Nông hiện có tới 115.000ha (gần gấp đôi quy hoạch của tỉnh), còn hồ tiêu tăng lên gần 8.500ha (cao hơn 500ha so với kế hoạch phấn đấu đến năm 2015).
Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã không ít lần khuyến cáo nông dân không phát triển diện tích cao su ồ ạt, nhất là những địa phương có độ cao hơn 700m, đất có độ dốc lớn, thời tiết, khí hậu không phù hợp… Thế nhưng, vào thời điểm đó do giá cao su trên thị trường đang ở mức cao nên bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp người dân vẫn đổ xô vào trồng cây cao su theo phong trào. Vì vậy, đến nay nhiều diện tích cao su phát triển kém, năng suất thấp buộc người dân phải chặt bỏ là hệ quả tất yếu.
Từ nhiều năm qua, người dân Tây Nguyên thường hay ồ ạt chuyển đổi cây trồng theo giá cả thị trường, hễ cây nào được giá là họ đua nhau trồng. Hậu quả, đến kỳ thu hoạch bị rớt giá và họ lại chặt bỏ nó để trồng cây khác. Việc làm này đã phá vỡ quy hoạch nông nghiệp của nhiều địa phương trong vùng và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Theo Sài Gòn giải phóng

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không