Ngày 31-7, Bộ Công thương ban hành thông tư điều chỉnh tăng giá điện thêm 5% bắt đầu từ ngày 1-8-2013. Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định tăng giá là để bù cho giá than, khí tăng.
Như vậy, đây là lần tăng giá thứ năm của EVN kể từ năm 2011 (hai lần tăng năm 2011, hai lần tăng năm 2012). Theo EVN, năm 2012 tổng doanh thu bán điện của tập đoàn này lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức khoảng 7 tỉ USD), lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng. Với việc tăng giá điện lần này, theo các chuyên gia, EVN sẽ có thêm vài ngàn tỉ doanh thu nữa trong năm 2013.
Tăng giá để bù tăng giá than, khí…
EVN cho biết việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí, đặc biệt là giá than từ ngày 20-4-2013 tăng 37-41% tùy loại than. Theo một quan chức EVN, điều này có nghĩa việc tăng giá lần này chưa thể xử lý được khoản lỗ do tỉ giá, lỗ do đổ dầu phát điện những năm trước… vốn đã được EVN công bố lên tới trên 20.000 tỉ đồng. Khoản tiền này, theo quan chức EVN, vẫn tiếp tục phải “treo ở đó, chờ xử lý dần”.
EVN khẳng định lần tăng giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá theo dự thảo về cơ cấu biểu giá mới (theo đó sẽ giảm số bậc thang điện sinh hoạt từ 7 xuống còn 6 và giảm giá điện cho kinh doanh, tách và tăng giá điện từ 2-16% cho thép, ximăng) mà vẫn theo quy định cũ. Đặc biệt, dù các bậc thang khác tăng nhưng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi, vẫn ở mức 993 đồng/kWh.
Theo tính toán của EVN, với giá bán điện mới, các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng.
Theo thông tư của Bộ Công thương, giá điện sản xuất đợt tăng giá lần này sẽ ở mức khá cao, tùy cấp điện áp các hộ sử dụng. Mức giá điện cho sản xuất thấp nhất (cho giờ thấp điểm) sẽ ở mức 792 đồng/kWh, mức giá cao nhất (cho giờ cao điểm) lên tới 2.542 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện cho đối tượng bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông chỉ có hai mức, 1.379 đồng/kWh và 1.471 đồng/kWh, tùy cấp điện áp sử dụng. Với đối tượng cơ quan hành chính sự nghiệp, mức giá điện lại khá “mềm”, chỉ 1.531-1.590 đồng/kWh (nhỉnh hơn một chút so với giá điện sinh hoạt của người dân ở bậc thang đầu tiên – từ 0 đến 100 kWh).
Ảnh hưởng đến người dân, sản xuất
Trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tin tăng giá điện, ông Nguyễn Đức Thắng, vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng với việc tăng giá điện 5%, chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2013 và CPI cả năm sẽ có ảnh hưởng. Theo PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên viện phó Viện Khoa học thị trường giá cả, có thể cơ quan chức năng đã tính toán lạm phát bảy tháng mới trên 2% nên đã quyết định tăng giá điện. Tuy nhiên, bất cứ thời điểm nào, tình hình thế nào, tăng giá điện ở VN thì người dân đều không đồng tình, nhất là thời điểm doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, người lao động thu nhập cũng rất hạn chế.
Ông Ngô Trí Long cho rằng EVN đã tăng giá điện thì người dùng phải chấp nhận vì EVN độc quyền. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân không hài lòng là EVN hiện mới nghĩ đến tăng giá chứ không nghĩ đến giảm giá. Việc công khai giá thành cũng chưa đủ, nên chưa biết năm nay thủy điện huy động được nhiều giúp EVN thế nào, họ đã cố gắng giảm những chi phí không cần thiết chưa, EVN đã tận dụng tốt thủy điện nhỏ để tăng nguồn điện giá rẻ chưa… Trong bối cảnh EVN độc quyền, việc thẩm định giá thành của Bộ Tài chính, ông Long lo cũng chưa đủ năng lực vì giá điện rất phức tạp. Vì vậy, ông Long yêu cầu EVN cần công khai hơn.
Theo Tuổi trẻ
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông