Kiến thức Đãi ngộ Kể cho nhân viên một câu chuyện hay, đừng quên trả lương...

Kể cho nhân viên một câu chuyện hay, đừng quên trả lương đúng giá

33
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamLàm sao thu hút người tài về nước khi mà cơ sở hạ tầng kém, tham nhũng tràn làn và chính trị bất ổn?
Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc series “Mỗi ngày một Case Study” giới thiệu những câu chuyện kinh doanh thú vị, giàu ý nghĩa do các giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp tại các trường kinh doanh hàng đầu thế giới biên soạn. Series “Mỗi ngày một Case Study” đăng mỗi tuần hai số, vào thứ 4 và thứ 7.
Nội dung nổi bật:
– Ecobank Transnational thành lập năm 1985 với địa bàn hoạt động chính ở các nước Tây Phi;
– Thách thức: người tài không bỏ Âu Châu để về Châu Phi làm việc, do cơ sở hạ tầng kém, tham nhũng, chính trị bất ổn;
– Giải pháp: cho nhân viên một lý tưởng để cống hiến, nhưng không quên trả công xứng đáng
Người viết là hai ông Leif Sjoblom và Hischam El-Agamy, GS Quản trị tài chính và thành viên Ban giám hiệu tại Trường Kinh doanh IMD
Ecobank Transnational được thành lập vào năm 1985 dưới sự bảo trợ của Liên đoàn các Phòng thương mại Tây Phi với 1200 cổ đông. Ngoài cá nhân đến từ 14 nước Tây Phi, quỹ Ecowas (Economic Community of West African States – Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi) là cổ đông chính.
Mục tiêu của những người sáng lập là tạo nên một ngân hàng cho toàn bộ châu Phi nhằm phát triển và liên kết các nền kinh tế trên khắp châu lục này, nơi mà số lượng ngân hàng thương mại được sở hữu và quản lý bởi các nhà đầu tư tư nhân còn quá ít. Ecobank đặt trụ sở tại Togo, một đất nước chỉ có 6 triệu người.
Thách thức: Biết kiếm nhân tài ở đâu?
Một trong những thách thức lớn nhất Ecobank phải đối mặt là tìm cách thu hút và giữ chân những người phù hợp cho các dự án ban đầu. Có hai thách thức lớn:
Thứ nhất, chính các công ty đa quốc gia cũng phải rất chật vật mới kiếm lao động có kỹ năng cần thiết tại châu Phi.
Thứ hai, người châu Phi đang hưởng mức lương cao tại các trung tâm tài chính quốc tế như London có lẽ sẽ không muốn quay trở lại đây do cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đầy tham nhũng và bất ổn chính trị.
Chiến lược “hút người”
Ngay từ đầu, Ecobank đã định vị sứ mệnh của mình là xây dựng một châu Phi hoàn toàn mới. Điều này giúp nhân viên cảm thấy như mình đang thực hiện một thứ gì đó to lớn hơn cả nghiệp vụ ngân hàng và kiếm tiền.
Ngân hàng tìm kiếm ứng viên phù hợp với văn hóa của mình và có niềm đam mê xây dựng một châu Phi hoàn toàn mới, đó là những người có khả năng ở lại lâu dài. Ngân hàng gọi họ là những “Ecobanker” để thể hiện rằng làm việc tại đây là một điều vô cùng đặc biệt.
Ngân hàng nhấn mạnh tính “không quốc tịch” của mình. Tuy trụ sở đặt tại Togo nhưng Ecobank không thuộc về một quốc gia riêng biệt nào hết. Không một nhân viên nào cảm thấy mình là người ngoài khác biệt quốc tịch. Họ có cảm giác cơ hội chia đều cho tất cả.
Ecobank trao cơ hội cho những người trẻ tài năng từ sớm bằng cách điều họ đến các quốc gia và doanh nghiệp khác nhau để xem thế mạnh mỗi người nằm ở đâu. Một phụ nữ 32 tuổi đã trở thành giám đốc điều hành tại Mali, quả là cơ hội hiếm thấy tại một ngân hàng toàn cầu lớn.
Ecobank không dùng lương để làm hút người tài nhưng vẫn trả công nhân viên hậu hĩnh, ngân hàng cũng thường xuyên đối chiếu mức lương với các ngân hàng khác trên khắp châu Phi và toàn thế giới. Ngân hàng còn có khoản thưởng và dành 10% cổ phần cho nhân viên.
Cứ 6 tháng một lần, Ecobank lại đánh giá công việc của nhân viên một lần, bằng cả những chỉ tiêu định lượng và kỹ năng mềm như lãnh đạo.
Nhân viên tiềm năng được tiếp cận với chương trình đào tạo, tư vấn và cơ hội làm việc cùng các tổ chức phát triển châu Phi khác. Còn những nhân viên yếu kém được yêu cầu phải rời đi.
Tháng 7 năm 2012, học viện Ecobank đã được thành lập để huấn luyện các nhà quản lý trung cao cấp, với mục tiêu nâng cao trình độ trong khu vực ngân hàng của châu Phi nói chung.
Kết quả xứng đáng
Ecobank đã phát triển thần tốc với lợi nhuận tăng từ 544 triệu USD năm 2007 lên 1,75 tỉ USD năm 2012. Hiện ngân hàng hoạt động trên 33 quốc gia châu Phi, nhiều hơn bất cứ ngân hàng nào trên thế giới. Ecobank có hơn 18.000 nhân viên đại diện cho 40 quốc gia, đa dạng hơn nhiều so với bất cứ công ty nào khác tại châu Phi.
Ngân hàng đã thành công trong việc thu hút và phát triển tài năng. Quản lý cấp cao ở đây có cả một vài người từng bỏ việc tại châu Âu và Mỹ để về châu Phi, điển hình là cựu CEO Arnold Ekpe. Ông rời Citibank để về đầu quân cho Ecobank từ năm 1996.
Bài học
Một tổ chức dù ở châu Phi vẫn có thể thu hút và giữ chân tài năng bằng việc mang đến cho họ một câu chuyện lý thú và động lực mạnh mẽ.
Phương pháp đặc biệt này còn giúp Ecobank giải quyết được các rào cản văn hóa khi hội tụ lực lượng lao động đến từ nhiều quốc gia.
Ngân hàng giữ nhân viên trung thành bằng cách nhanh chóng thăng chức cho các nhà quản lý trẻ, trả lương và lợi nhuận hấp dẫn và đem lại cơ hội đào tạo và phát triển xứng đáng.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không