Muốn được tăng lương trong thời kỳ khủng hoảng, bạn cần thể hiện những cố gắng vượt trội của bản thân, chứng tỏ mình thực sự nổi bật hơn các đồng nghiệp khác.
Theo công ty nhân sự và tư vấn nhóm Aon Hewitt, trong năm 2013, trung bình mỗi vị trí việc làm có thể được tăng lương thêm 3%, các vị trí quản lý sẽ tăng cao hơn một chút. Con số này được coi là không đáng kể, chỉ như lát cắt nhỏ. Nhưng thực tế, trong điều kiện suy thoái kinh tế như hiện nay, đây là nỗ lực đáng kể của các chủ doanh nghiệp, công ty dành cho nhân viên của mình.
Tuy nhiên, muốn được tăng lương trong thời kỳ khủng hoảng, bạn cũng cần thể hiện những cố gắng vượt trội của bản thân, chứng tỏ mình thực sự nổi bật hơn các đồng nghiệp khác. Để dễ dàng thực hiện được điều đó, bạn nên tham khảo những bí quyết sau:
Có mặt sớm ở công ty mỗi ngày
Giờ giấc có mặt ở công ty không thể nói hết được mức độ, cường độ làm việc của bạn. Nhưng đôi khi, điều đó cũng gây ấn tượng đáng kể với sếp về một nhân viên chăm chỉ, dành nhiều thời gian cho công việc. Nhất là khi bạn sống ở những thành phố lớn, tình trạng giao thông tắc nghẽn xảy ra thường xuyên thì sự có mặt sớm ở công ty là một dấu ấn tốt đẹp.
Không kêu ca, phàn nàn
Thông thường, moi người vẫn hay phàn nàn hoặc có những ý kiến tiêu cực về một vấn đề nào đó của công ty. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, không có vị sếp nào thích nghe những lời kêu ca, chỉ trích cả, họ chỉ muốn biết về những giải pháp tháo gỡ khó khăn bạn đưa đến cho công ty.
Vì vậy, đừng để bị cuốn theo các đồng nghiệp mà hãy tách mình ra khỏi họ, đưa ra những ý tưởng mang tính xây dựng và chủ động trao đổi với sếp một cách chuyên nghiệp. Sếp sẽ nhận ra bạn thích hợp trong những môi trường làm việc tích cực và ở một vị trí tốt hơn. Đương nhiên, vị trí ấy sẽ có mức lương cao hơn hiện tại.
Thiết lập mục tiêu cá nhân
Người làm sếp luôn muốn nhìn thấy nhân viên của mình có những mục tiêu rõ ràng và làm việc để hiện thực hóa mục tiêu ấy. Đây cũng là cách thể hiện khả năng suy nghĩ sáng tạo và những mong muốn trong công việc của bạn với sếp.
Tốt hơn hết bạn nên viết ra mục tiêu cụ thể và theo sát nó trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, bạn cũng nên viết ra những gì bạn cần làm để đạt được những thành tích cá nhân bạn mong muốn và dùng nó cho quá trình phấn đấu của mình.
Tự đề nghị sếp giao thêm việc cho mình
Đừng chờ đợi đến kỳ đánh giá nhân viên mới cuống cuồng tìm hiểu xem làm thế nào để người khác nghĩ tốt hơn về bạn. Thay vào đó, bạn nên chủ động đề nghị quản lý trực tiếp giao cho mình những việc trong tầm tay, ngay và luôn. Điều này cho thấy bạn có chí tiến thủ, sẵn sàng học hỏi và có tham vọng thành công, không giống như những nhân viên khác chỉ chăm chăm càng ít việc càng nhàn. Sếp chắc chắn sẽ có ấn tượng tốt với bạn và việc đề xuất tăng lương chỉ là vấn đề thời gian.
Sẵn sàng và tình nguyện
Nếu cảm thấy mình có đủ thời gian, khả năng để nắm giữ thêm trọng trách, bạn nên tình nguyện nhận thêm phần việc công ty đang cần người thực hiện. Đôi khi, các phòng ban khác biệt chỉ khác nhau về bộ phận chuyên trách, thể hiện tính chuyên nghiệp của công ty chứ không cần phải có chuyên môn đặc biệt. Do đó, bạn đừng ngần ngại khám phá bản thân ở những vị trí công việc mới và hãy thể hiện tư thế sẵn sàng đối diện với khó khăn để hoàn thành tốt công việc.
Tất nhiên, điều cuối cùng bạn mong muốn vẫn là được sếp đánh giá tốt hơn và để ý đến bạn nhiều hơn trong đợt xét tăng lương sắp tới. Dù vậy, bạn cũng đừng nóng vội và tỏ ra tự đắc khi tạo được thêm cơ hội cho mình. Hãy khiêm tốn, học hỏi và thể hiện tính chuyên nghiệp trong mọi cuộc trao đổi với sếp. Đừng biến mình thành kẻ thích đòi hỏi, làm được một chút việc cho công ty đã quay ra đòi tăng lương ngay lập tức bởi các sếp thường rất dị ứng với kiểu người như thế.
Bạn cần nhớ rằng, sự nỗ lực là không bao giờ thừa và chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Theo AF
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông