Kiến thức Đào tạo Phần 1: Như thế nào được gọi là “Làm việc chuyên nghiệp”?

Phần 1: Như thế nào được gọi là “Làm việc chuyên nghiệp”?

1076
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamHiện nay hầu hết các sếp đều có mong muốn và yêu cầu lớn nhất đối với nhân viên của mình đó là Sự chuyên nghiệp. Nhiều người cũng muốn luyện cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nhưng khái niệm như thế nào được gọi là làm việc chuyên nghiệp thì dường như cả sếp và nhân viên đang hiểu một cách đại khái qua loa mà chưa thật cụ thể nó là như thế nào?
Nếu không ý thức được tầm quan trọng của việc tạo cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp thì sẽ tạo nên một hệ quả đáng lo ngại đó là “sức ỳ” trong khả năng sáng tạo và phát triển bản thân.
Tính chuyên nghiệp là một đòi hỏi ngày càng thiết thực trong cuộc sống, vì vậy nếu không muốn bị đào thải thì ngay từ bây giờ bạn nên bắt đầu kế hoạch xây dựng cho mình hình ảnh một nhân viên chuyên nghiệp thực sự.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về tính chuyên nghiệp trong công việc, nhưng tựu trung lại đều thống nhất rằng “tính chuyên nghiệp được khẳng định bằng hiệu quả”.
Chuyên nghiệp bao gồm sự đồng bộ nhất quán từ ý tưởng đến cách thức thực hiện sao cho đạt được mục tiêu đề ra. Đặt mục tiêu là 1 và thực hiện trọn vẹn được 1.
Chuyên nghiệp còn thể hiện qua tác phong làm việc nhanh nhạy, khoa học kết hợp với việc nắm vững về kiến thức chuyên môn.
Phong cách “Pro” không chỉ có trong những công việc có quy mô lớn mà phải thể hiện ngay trong từng công việc nhỏ. Mục đích của sự chuyên nghiệp là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh và sự hoàn chỉnh chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất phải được xây dựng một cách đồng bộ, nhất quán.
Nói tới chuyên nghiệp, người ta dễ tưởng là cái gì đó to tát. Nhưng ngược lại, chuyên nghiệp có khi được đánh giá ở những cái bé tẹo đến không ngờ. Đó có thể là “điện thoại đổ chuông ba tiếng phải nhấc máy”, “không trễ hẹn với khách, nếu trễ vì bất kỳ lý do gì phải điện thoại báo”, “đi làm đúng giờ”, “biết cười với khách hàng”, “không được phép mang sandal, dép lê, guốc, không mặc áo thun, áo quần lòe loẹt”…
Ở một công ty, tính chuyên nghiệp được “đo” trên từng nhân viên. Không lạ khi những công ty lớn, tồn tại lâu đời (đa phần là công ty nước ngoài) đều chủ động xây dựng cho mình một “chuẩn mực chuyên nghiệp” và đòi hỏi nhân viên phải tuân thủ. Doanh nghiệp Việt Nam muốn nhân viên của mình chuyên nghiệp như ý mình thì cần phải xây dựng một bộ qui tắc cho từng vị trí công việc để nhân viên soi vào đó và rèn luyện hàng ngày.
Ví dụ: Siêu thị thực phẩm ở Đức, họ xây dựng bộ qui tắc cho nhân viên bán hàng chuyên nghiệp và bắt buộc nhân viên phải tuân thủ trình tự các thao tác sau: Tươi cười chào khách, nhìn vào xe đẩy xem còn sót lại món nào chưa đưa lên băng chuyền không, tuần tự đưa hàng qua máy quét mã vạch, hết mặt hàng cuối cùng hỏi: Ông/bà còn hàng gì nữa không? Đọc số tiền khách phải trả hiển thị trên màn hình, đánh vào máy số tiền khách trả, trả lại khách số tiền lẻ phải thối lại hiển thị trên màn hình kèm hóa đơn bán hàng, vui vẻ chào tạm biệt. Khởi đầu tươi cười và kết thúc vui vẻ, lặp lại suốt ngày, không thành nghề không thể làm được.
Quy trình trên tạo cho phía khách hàng yên tâm, tin tưởng mua bán nhanh chóng thuận lợi không bị nhầm lẫn; phía siêu thị đủ khả năng phục vụ trôi chảy người mua đông, xếp hàng lũ lượt, mỗi người một xe đẩy, kéo dài liên tục từ sáng đến tối.
Xét trên khía cạnh ngôn ngữ thì chuyên nghiệp là một cụm từ có ý nghĩa rất rộng, để cụ thể hoá sự chuyên nghiệp ra thành những hành động cụ thể tương ứng với mỗi vị trí công việc là cả một công trình nghiên cứu và ứng dụng. Đối với mỗi ngành nghề sẽ có những cách hiểu khác nhau, chẳng hạn sự chuyên nghiệp đối với những công việc của người bán hàng sẽ khác với sự chuyên nghiệp của những người kế toán, sự chuyên nghiệp của đội lễ tân sẽ khác so với sự chuyên nghiệp của đội ngũ bảo vệ…Do vậy để đạt đến sự chuyên nghiệp của cả một tập thể, một tập đoàn thì mỗi một vị trí công việc cần phải định rõ những hành động nào được coi là chuyên nghiệp và truyền đạt những hành động đó đến từng cá nhân để giúp họ hiểu được thế nào là sự chuyên nghiệp.
Hiện nay, theo một số kết quả nghiên cứu về sự chuyên nghiệp, các chuyên gia trên thế giới đã tổng kết được những tính cách cần có của một người làm việc chuyên nghiệp. Chúng ta hãy tìm hiểu kỹ lưỡng và xem xét xem liệu chúng ta đã có bao nhiêu trong số các tính cách của một con người làm việc chuyên nghiệp trong kỳ tới.

Theo DN

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không