Nhiều ứng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của bộ hồ sơ xin việc, không biết cách tiếp thị năng lực, chuyên môn nên “mất điểm”.
Chúng tôi gặp anh Phạm Văn Thông, 25 tuổi, cựu sinh viên (SV) Trường Đại học KHXH- NV TP HCM, ở Trung tâm Giới thiệu việc làm TP khi anh đến nộp hồ tìm việc làm. Anh khó nhọc đặt bút viết vào tập hồ sơ kê trên đùi. Khi chúng tôi bắt chuyện, anh giải thích do không chuẩn bị trước nên lúc đến trung tâm mới tranh thủ làm hồ sơ…
Cẩu thả
Anh Thông cho biết sau 2 năm ra trường anh vẫn chưa tìm được việc làm. Đã nhiều lần anh ứng tuyển vào các công ty nhưng chưa lần nào được nhà tuyển dụng (NTD) mời phỏng vấn. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM tỏ vẻ ái ngại sau khi xem qua hồ sơ của anh Thông được viết cẩu thả, tờ đơn xin việc viết theo mẫu bị gấp nhàu, ngoài bìa hồ sơ chỉ ghi gọn lỏn họ tên. “Hồ sơ như vậy sao được doanh nghiệp mời phỏng vấn?” – nhân viên tiếp nhận hồ sơ băn khoăn. Đúng như vậy, nửa tháng sau khi hồ sơ chuyển đi, anh Thông vẫn không nhận được cuộc gọi nào từ NTD.
Bà Nguyễn Thị Xuân Huế, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Tân Tân, cho biết trong quá trình tuyển dụng, bà gặp rất nhiều trường hợp ứng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của bộ hồ sơ xin việc. “Hồ sơ chính là cầu nối đưa NTD tìm đến ứng viên” – bà nói. Bà Huế cho chúng tôi xem một số hồ sơ dự tuyển nhiều vị trí của công ty. Ngay ở bìa hồ sơ, nhiều ứng viên chỉ ghi họ tên chứ không liệt kê thông tin yêu cầu. Bên trong “ruột” nhiều hồ sơ còn thiếu thông tin, thậm chí thể hiện sơ sài phần quan trọng nhất (trình độ, chuyên môn, thế mạnh…). Bà nhận xét: “Đa phần những hồ sơ này rơi vào ứng viên nam. Ở phần tự giới thiệu, nhiều ứng viên chỉ gạch đầu dòng vài câu cho có lệ”.
Không biết cách “tiếp thị”
Đến Văn phòng Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động nộp hồ sơ ứng tuyển, chị V.T.A.N, 27 tuổi, mang theo bộ hồ sơ rất chỉn chu, được thể hiện bằng song ngữ Việt – Anh. Chị N. cho biết chị tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế ở nước ngoài nên khá tự tin trong việc làm hồ sơ tìm việc. Dù vậy, về nước đã hơn 1 năm nhưng chị vẫn chưa tìm được việc làm. “Tôi chỉ đề nghị mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào chấp nhận” – chị N. rầu rĩ.
Để tìm hiểu lý do không tìm được việc của chị N., chúng tôi đã tham khảo ý kiến một số nhà tuyển dụng. Lướt qua bộ hồ sơ với 6 trang A4 giới thiệu về bản thân, ông Nguyễn Minh Luân, chuyên gia tuyển dụng của tổ chức Softskill, kết luận: “Nhà tuyển dụng sẽ từ chối bộ hồ sơ có nhiều nội dung thừa thãi của ứng viên này”. Ông Luân phân tích dù chị N. trình bày đầy đủ các nội dung cần thiết nhưng phần tự giới thiệu của chị thiếu cô đọng. Chị N. giới thiệu về gia đình, sở trường của bản thân gần 2 trang giấy A4 là không cần thiết. Nhà tuyển dụng rất “ngán” đọc hồ sơ dài dòng, nội dung dàn trải. Lướt qua phần “Công việc có thể đảm nhiệm”, ông Luân cũng “chào thua” khi chị khẳng định có thể đảm nhận được 8 công việc khác nhau. “NTD sẽ tin tưởng ứng viên giỏi một vị trí thay vì làm nhiều công việc”- ông nhận xét.
Rớt vì nick name
Không ít hồ sơ của ứng viên mất điểm trước NTD chỉ vì một lý do ngoài chuyên môn, phổ biến là cung cấp địa chỉ hộp thư điện tử không thật nghiêm túc. Anh Nguyễn Tuấn Anh, 25 tuổi, vừa đến Văn phòng Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động nộp hồ sơ tìm việc, cho biết anh từng nộp hồ sơ dự tuyển vào một doanh nghiệp. Do quá cẩn thận nên ngoài số nhà, điện thoại, anh cung cấp luôn hai hộp thư cho NTD, trong đó một hộp thư có nick name nhoxcodon@…. “Có lẽ NTD đánh giá tôi không nghiêm túc. Sự cẩn thận quá mức vô tình khiến tôi mất cơ hội được tuyển dụng” – Tuấn Anh phân trần.
Theo Người Lao Dộng
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông