Dù được đưa vào chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá (giai đoạn 2009-2015) nhưng hoạt động hỗ trợ người nghèo xuất khẩu lao động vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Khi đề cập các chính sách hỗ trợ người nghèo xuất khẩu lao động (XKLĐ) với 8 gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo ở các quận, huyện thuộc TP HCM, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “biết nhưng không làm” hoặc “chưa nghe nói gì”. “Cũng được phổ biến nhưng tự nhận thấy mình thất học, trình độ có đâu mà ra nước ngoài” – anh V.V.N (ngụ quận 11, TP HCM), thú nhận.
Đọc những thông tin kinh tế – tài chính mới nhất trên FICA:
40% website Việt Nam hớ hênh “mở cửa” cho tin tặc
Hé lộ biệt thự thứ 2 của Tổng thống bị phế truất Yanukovych
Bảo đảm an toàn cho cộng đồng người Việt tại Ukraine
Việt Nam rất coi trọng hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ
|
Không dám phiêu lưu
Không chỉ anh N. mà hầu hết lao động nghèo đều e ngại khi nhắc đến XKLĐ. Họ chấp nhận vay vốn để làm ăn trong nước chứ không mạo hiểm tha phương.
Bà Trần Thị Bích Liên – Phó Chủ tịch UBND quận 11, TP HCM – cho biết từ năm 2012 đến nay, quỹ cho hộ vay XKLĐ của quận đã giải ngân cho 8 hộ vay với số tiền 235 triệu đồng. Đến nay, còn 4 hộ nợ lại 102 triệu đồng. Số gia đình được hỗ trợ vay vốn để XKLĐ vẫn còn quá ít so với 4.628 hộ cận nghèo trên địa bàn quận. Tương tự, trong 780 người nghèo được giải quyết việc làm của quận 1, TP HCM, chỉ có 3 lao động chọn con đường ra nước ngoài làm việc để thoát nghèo. Quỹ xóa đói giảm nghèo của quận hỗ trợ 60 triệu đồng cho 3 lao động trên.
Người lao động tham gia một lớp tập huấn do Sở LĐ-TB-XH TP HCM tổ chức trước khi XKLĐ Ảnh: Trung Dũng
Ở quận Bình Thạnh, TP HCM, Ban Giảm nghèo Tăng hộ khá đã giới thiệu việc làm cho 5.010 người nghèo, giúp 1.047 trường hợp có điều kiện học nghề. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 15 lao động được tư vấn pháp lý và tạo điều kiện ra nước ngoài làm việc có thời hạn.
Bà Lê Thị Kim Hồng – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP HCM – cũng cho hay trong giai đoạn 3 (2012-2013) của chương trình, trên địa bàn quận chỉ có 1 trường hợp chấp nhận vay 30 triệu đồng để đi làm ở Macau.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP, trong số 293.228 lượt lao động được giải quyết việc làm năm 2013, chỉ có 50 người nghèo đi làm việc ở nước ngoài.
Khâu hỗ trợ chưa bài bản
Hiện TP HCM có 35 doanh nghiệp (DN) và 16 chi nhánh có chức năng XKLĐ. Các DN đã đưa hơn 3.500 người đi XKLĐ. Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB-XH TP, người nghèo đi XKLĐ được vay (tín chấp) 100 triệu đồng từ nhiều nguồn. Kinh phí hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ cho người lao động sẽ được chi trả thông qua hợp đồng giữa Sở LĐ-TB-XH với DN XKLĐ.
“Người nghèo đi XKLĐ được hỗ trợ ăn uống, đi lại, chi phí học nghề, lệ phí làm lý lịch tư pháp… Dù vậy, kết quả XKLĐ cho người nghèo vẫn rất hạn chế do rào cản về trình độ, tác phong làm việc, các DN không mặn mà…” – ông Huỳnh Thanh Khiết nhận xét.
Hiện chỉ có Công ty Suleco thực hiện hỗ trợ XKLĐ cho người nghèo song thị trường của công ty này chỉ tập trung ở Nhật Bản và Malaysia.
Về vấn đề này, chính Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận: “Việc hỗ trợ trực tiếp người nghèo ra nước ngoài làm việc chưa được thực hiện bài bản, công tác tuyên truyền chưa đến được với hộ nghèo. Đa số lao động nghèo vẫn chưa biết mình thuộc diện được hỗ trợ. Mặt khác, nhiều địa phương cũng chưa nắm được đối tượng thuộc diện hỗ trợ XKLĐ trên địa bàn do mình quản lý”.
Được hỗ trợ mọi mặt
Theo quy định, người nghèo XKLĐ sẽ được giúp đỡ chi phí học nghề ngắn hạn (tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học), ngoại ngữ (3 triệu đồng/người/khóa), bồi dưỡng kiến thức cần thiết (532.000 đồng/người/khóa), tiền ăn trong thời gian học (15.000 đồng/người/ngày), đi lại (200.000 đồng/người), làm hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe (sơ khám và khám trước khi xuất cảnh), lệ phí làm lý lịch tư pháp theo mức quy định hiện hành của nhà nước.
|
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông