Các cơ quan chức năng đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý cho người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có cơ chế lương, thưởng.
Ảnh minh họa
Mỗi nơi mỗi kiểu
Theo Bộ LĐ-TB và XH, hiện chưa hình thành được quy chế tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các quy định hiện hành về lương, thưởng còn thiếu đồng bộ, chưa gắn liền với các tiêu chuẩn, điều kiện về bổ nhiệm, đánh giá, kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý, điều hành của người đại diện. Mặc dù yêu cầu tiền lương, thưởng phải gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh song việc xác định các chỉ tiêu này đều do doanh nghiệp tự quyết định (cả khâu kế hoạch và thực hiện) và chỉ phải đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện. Nhưng vì không có quy định cụ thể về thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu trong việc tiếp nhận, xem xét những chỉ tiêu do doanh nghiệp đăng ký nên đã dẫn tới tình trạng xác định tiền lương, tiền thưởng ở một số doanh nghiệp chưa gắn được với hiệu quả hoạt động thực sự mức trả rất khác nhau.
Phó vụ trưởng Vụ Tiền công, tiền lương, Bộ LĐ-TB và XH Hoàng Minh Hào cho biết, nhiều doanh nghiệp lợi nhuận, năng suất lao động không tăng nhưng tiền lương của lao động quản lý tăng từ 1,3-1,5 lần. Có công ty lợi nhuận giảm nhưng tiền lương vẫn tăng. Cá biệt, có doanh nghiệp trả lương cho lao động quản lý trên 130 triệu đồng/tháng (gấp 3-4 lần so với mức lương khi còn là công ty nhà nước và gấp 20 -30 lần so với tiền lương của người lao động). Vì thế, một số đại diện chủ sở hữu đã thu lại một phần tiền lương, thưởng của người đại diện để điều tiết. Đối với người đại diện giữ chức vụ kiêm nhiệm thường được các doanh nghiệp khác trả thù lao từ 1-2 triệu đồng/tháng, một số ít trường hợp từ 15-20 triệu đồng/tháng. Cá biệt có doanh nghiệp trả hàng trăm triệu đồng/tháng. Có người kiêm nhiệm tại nhiều doanh nghiệp, nhưng do phần lớn các doanh nghiệp không công khai việc trả thù lao nên họ cũng không nộp lại cho đại diện chủ sở hữu.
Phải nộp lương, thưởng để phân phối lại
Điều đáng mừng là các cơ quan chức năng đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý cho người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo dự thảo Nghị định Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) do Bộ Tài chính soạn thảo, sắp tới tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước (trừ doanh nghiệp công ích) sẽ do SCIC thay mặt Nhà nước làm chủ sở hữu thông qua người đại diện. SCIC có quyền cử, ủy quyền, miễn nhiệm người đại diện chuyên trách tại doanh nghiệp và người đại diện xứng đáng có thể được giữ các chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp. Lương thưởng cho người đại diện được gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao và đảm bảo không thấp hơn lương, thưởng của các chức danh quản lý tương đương tại doanh nghiệp được hưởng.
Về chế độ lương thưởng cho người đại diện, dự thảo Đề án Đổi mới quản lý tiền lương, thưởng đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Bộ LĐ, TB và XH đang soạn thảo nêu rõ: chủ sở hữu phần vốn nhà nước có trách nhiệm trả lương đối với người đại diện phần vốn nhà nước. Đối với những khoản tiền lương, phụ cấp, thù lao, tiền thưởng do doanh nghiệp trả cho người đại diện thì phải nộp lại cho chủ sở hữu để thực hiện phân phối lại nhằm bảo đảm tương quan chung.
Đóng góp ý kiến cho đề án này, Bộ Tài chính cho rằng: không nên để doanh nghiệp tiếp tục trả lương, thưởng và các khoản khác cho người đại diện như hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp trích nộp các khoản trên của người đại diện chuyển trả cho chủ sở hữu để chủ sở hữu căn cứ vào kết quả công việc của người đại diện để chi trả lương. Đối với chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của đại diện vốn cần gắn với hiệu quả hoạt động đầu tư vốn, thời gian, quy mô vốn đầu tư và phương án nắm giữ vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác (nắm giữ lâu dài hay trong từng giai đoạn cụ thể).
Một điểm mới nữa trong Đề án này là ngoài tiền lương được xác định ở một mức cụ thể, người đại diện còn được chủ sở hữu phần vốn nhà nước trả phụ cấp và tiền thưởng. Theo đó, phụ cấp người đại diện, tối đa là 20% so với mức lương của chức danh chuyên trách ở doanh nghiệp có vốn góp chi phối của nhà nước; 15%, ở doanh nghiệp có vốn góp không chi phối của nhà nước. Riêng tiền thưởng, Đề án nêu rõ, tiền thưởng tối đa không quá 1,5 tháng lương theo chức danh chuyên trách ở doanh nghiệp có vốn nhà nước khi bảo đảm các điều kiện: bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước; tỷ suất lợi nhuận thu về/vốn góp của nhà nước không thấp hơn năm trước liền kề; nguồn chi trả phụ cấp, tiền thưởng lấy từ phần lợi nhuận thu về từ phần vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp; chủ sở hữu quyết định cụ thể mức phụ cấp, tiền thưởng được hưởng trên cơ sở mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện và phần lợi nhuận thu về. Về phía người đại diện phải có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc xây dựng thang lương, bảng lương, án tiền lương hàng năm của doanh nghiệp và quyết định với tư cách là cổ đông, thành viên góp vốn theo chỉ đạo của chủ sở hữu và các quy định nêu trên.
Nhiều chuyên gia đánh giá đây sẽ là một điểm nhấn nhằm khắc phục được tình trạng người đại diện có trách nhiệm mà không có quyền lợi như hiện nay. Tuy nhiên, điều khó hiện nay là nhiều quy định xé rào này lại chưa có trong Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 5.8.2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Bộ Tài chính đơn cử: việc trích thưởng lợi nhuận thu về từ phần vốn góp của nhà nước cho người đại diện là chưa có trong thông tư trên. Bộ này cũng đề nghị bỏ ưu đãi này vì cho rằng người đại diện được hưởng quá nhiều quyền lợi. Đồng thời nên bổ sung quy định xử lý về trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với các trường hợp người đại diện để các doanh nghiệp có vốn góp của chủ sở hữu thua lỗ, mất vốn để đảm bảo sự công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người đại diện.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông