Các doanh nghiệp trong nước có nhiều tiềm lực, đây không phải là lúc chúng ta lại để cho người khác hưởng lợi.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Trần Xuân Hòa (đoàn Quảng Ninh), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, đã bày tỏ những quan điểm về những việc các doanh nghiệp phải làm lúc này để tăng nội lực kinh tế, giảm lệ thuộc Trung Quốc.
Muốn không lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, doanh nghiệp phải đoàn kết
Là người đã từng lãnh đạo một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, theo ông, trước diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay các doanh nghiệp (DN) trong nước cần phải làm gì?
Tình hình hiện nay đặt ra một vấn đề rất quan trọng, đó là phải đoàn kết, phát huy được nội lực. Đây không phải là lúc từng thành phần kinh tế ngồi nhìn nhau và ông này nói ông kia và để rồi chúng ta không phát huy được hiệu quả của kinh tế đất nước.
Cụ thể điều này đã được TKV phát huy như thế nào, thưa ông?
Tập đoàn đã, đang phát triển và vừa qua có thành công nhất định trong việc phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ như toàn bộ các hệ thống băng tải hiện nay để chở đất than đều theo hình thức BOT, đấu thầu. Các DN tư nhân của Việt Nam họ đảm đương được, ví dụ như công trình băng tải Mạo Khê, hay băng tải Mông Dương đều do doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm. Gần đây là dây chuyền lớn nhất vừa đấu thầu của Cao Sơn cho đất đá, đầu tư gần 3000 tỷ, cũng là một doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận. Lúc này không phải là lúc chúng ta lại để cho người khác hưởng lợi.
Làm việc với các DN trong nước, ông nhận ra cái xấu của các DN này là gì?
Không chỉ DN mà cái xấu của người Việt Nam là thiếu đoàn kết trong xây dựng phát triển kinh tế. Trong chiến đấu thì người Việt Nam rất là đoàn kết, nhưng trong xây dựng, phát triển, trong nghiên cứu khoa học, chúng ta thiếu một sự gắn kết, hợp tác với nhau. Đấy là điểm yếu nhất mà trong lúc này càng phải nhận ra. Với 37 năm gắn bó với ngành than, tôi đã nói với anh em nhiều, cái yếu nhất đã thực sự lộ rõ, đó là sự hợp tác. Bây giờ không phải là lúc để vạch ra cái xấu của nhau mà phải hợp tác để phát triển nền kinh tế, phát huy được nội lực.
Theo ông, lúc này cần phải làm gì để các DN trong nước thực sự phát huy được nội lực?
Chính phủ cần chính sách mạnh mẽ phát triển công nghiệp phụ trợ đáp ứng nguyên liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh hay là phát triển những ngành tạo ra những nguyên liệu cho sản suất kinh doanh ở những lĩnh vực công nghiệp như là cơ khí, chế tạo thiết bị máy móc hay là nguyên liệu cho dệt may. Đơn cử như cơ khí của ngành khai thác than, khoáng sản, chúng tôi giữ được phần nào công nghiệp phụ trợ nhưng cũng ở mức thấp. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều, không phát triển được là vì cứ lấy câu chuyện giá cả mấy chục năm vừa rồi để bỏ thầu nên các ngành cơ khí không có cơ hội để phát triển.
Tình hình trên biển Đông có ảnh hưởng thế nào tới ngành khai khoáng của Việt Nam, thưa ông?
Trung Quốc là thị trường mà cả thế giới cung cấp, nhập khẩu, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới. Than hiện nay chúng ta hoàn toàn chủ động, không vấn đề gì. Nhưng câu chuyện là các mặt hàng khác chắc chắn là có ảnh hưởng nhất định. Giải pháp là phải nâng cao công nghệ chế biến sâu. Chính phủ đang chỉ đạo các đơn vị ứng dụng công nghệ chế biến sâu để phục vụ công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Chính phủ tới đây sẽ có những giải pháp và bản thân từng đơn vị cũng đang chủ động để xây dựng lại những chiến lược phát triển của mình để phù hợp với tình hình mới. Cụ thể ngành than bây giờ là vấn đề về chế tạo thiết bị máy móc phục vụ cho cơ giới hóa. Có hai giải pháp quan trọng.
Thứ nhất là nâng cao năng lực của các nhà máy cơ khí của tập đoàn, cũng như nâng cao sự, phát triển sự hợp tác giữa ngành cơ khí của tập đoàn với các thành phần, các nhà máy cơ khí của các thành phần kinh tế ở trong nước. Nếu làm tốt cái này thì tin rằng chỉ trong một giai đoạn ngắn ta có thể đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về những máy móc trong các lĩnh vực khai thác mỏ, trong hầm lò.
Hai nữa là chúng ta phải đa phương hóa quan hệ hợp tác thương mại, không chỉ với một thị trường. Hiện nay, tập đoàn đang đi theo cả hai hướng này.
Việc xuất khẩu than, khoáng sản sang thị trường Trung Quốc sau đây chắc sẽ có ảnh hưởng nhất định, thưa ông?
Chúng ta cần nhiều than cho đất nước. Cho nên là chúng ta hiện nay bài toán là không phải là lo thị trường đi xuất, mà phải nhập để phục vụ cho quy hoạch phát triển điện 7 Quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
Theo VOVonline
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông