Còn gì ức chế hơn việc ngồi cả ngày trước máy tính, bật trang tìm kiếm việc làm, nhấn nút Nộp Đơn, gửi đi mẫu CV và thư xin việc bạn đã soạn sẵn và nhận được được dòng thông báo “Đơn xin việc của bạn đã được gửi đến nhà tuyển dụng, xin vui lòng chờ…”
Ảnh minh họa
Sau tất cả những nỗ lực ấy, thật dễ dàng để bạn xô ghế đứng dậy và thầm trách cứ những nhà tuyển dụng vô tích sự kia không thấy được tài năng của bạn.
“Hay là mình yếu kém thật nhỉ?”, mục tiêu kế tiếp của việc trách móc tất nhiên là bản thân bạn.
Vấn đề chưa hẳn nằm ở chỗ năng lực của bạn đến đâu, hay nhà tuyển dụng kia có mắt không thấy thái sơn. Mà có thể chỉ đơn giản là cách làm hồ sơ xin việc của bạn còn vài trục trặc cần điều chỉnh. Tuy nhiên, trong chuyện này bạn không hề đơn độc.
Thực tế mỗi vị trí việc làm hấp dẫn thường có hàng trăm ứng viên nộp hồ sơ. Một con số đáng sợ phải không? Tuy nhiên, sự cạnh tranh không quá ghê gớm như bạn tưởng. Với con số khổng lồ đó, nhà tuyển dụng không thể chú tâm đọc kĩ từng hồ sơ, họ lướt qua các thư xin việc và CV như một chiếc máy scan, và 70% số ứng viên bị loại từ khâu này. Các ứng viên đó đã phạm phải những sai lầm cơ bản khi không thỏa mãn các yêu cầu của nhà tuyển dụng về một hồ sơ xin việc:
1/ Ghi chính xác tên vị trí ứng tuyển:
Hãy hình dung nhà tuyển dụng của bạn cũng giống như các công cụ tìm kiếm vậy. Đừng nghĩ rằng họ sẽ bỏ thời gian đọc hết CV và thư xin việc để hiểu rõ mọi thứ bạn giới thiệu về bản thân. Đôi mắt họ sẽ như một cái máy quét rà soát nhanh chóng từ trên xuống dưới để tìm từ khóa mà họ cần, đầu tiên đó là vị trí mà họ đang kiếm người. Trong cả chồng hồ sơ gửi tới ứng tuyển đủ mọi vị trí của công ty, họ không có thời gian xem xét kĩ năng kinh nghiệm của bạn có phù hợp với vị trí nào không. Bạn phải chủ động ghi rõ, ở nơi dễ thấy nhất, vị trí công việc mong muốn của bạn nếu không muốn bộ hồ sơ bị vứt xó.
2/ Thể hiện thương hiệu cá nhân:
Hồ sơ của bạn phải có nhiều thứ hơn là chỉ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm, thành tựu. Hồ sơ còn là nơi để bạn thể hiện những giá trị sống của bạn., hay nói cách khác, đó là thương hiệu cá nhân của bạn.
Bạn muốn thể hiện năng lực và thành tựu của mình với nhà tuyển dụng, điều đó tất nhiên là tốt. Nhưng hơn nữa, nếu thực sự coi bạn là ứng viên tiềm năng, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều đến những giá trị sống và phương châm làm việc của bạn. Những điều này có khi còn to lớn hơn những kỹ năng mà bạn đang có. Khảo sát cho thấy nhà tuyển dụng quan tâm nhất ở ứng viên là thái độ, mà đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá trị sống của bạn.
3/ Đừng sao chép:
Khi bắt tay viết đơn xin việc, hẳn bạn đã tìm hiểu và tham khảo qua rất nhiều hồ sơ mẫu, và vô tình hay cố ý, bạn sao chép những câu chữ từ đó vào hồ sơ của mình. Tuyệt đối đừng để chuyện đó xảy ra. Nhà tuyển dụng đọc nhiều hồ sơ hơn hẳn bạn, những lá thư mẫu kia họ gần như đã thuộc nằm lòng vì số người sao chép thư mẫu không ít. Nếu để nhà tuyển dụng đánh đồng bạn với đám đông ấy, bạn coi như đã thất bại 50%. Nếu may mắn, bộ hồ sơ mà bạn lấy ý tưởng là một bộ hồ sơ hay ho thì bạn còn có khả năng bước tiếp, tuy nhiên thực tế là các hồ sơ mẫu ấy phần lớn rất sơ sài về mặt nội dung, câu chữ sáo rỗng, hoàn toàn không tạo được điểm nhấn khác biệt. Thế nên lần tới nếu có tham khảo thư xin việc, hãy soạn trước cho mình nội dung và ý tưởng, thư mẫu chỉ giúp bạn khâu trình bày đúng quy chuẩn không hơn.
4/ Đừng văn vẻ không cần thiết:
Nếu bạn không mắc lỗi này thì xin chúc mừng bạn. Một số người thường hay đánh bóng CV của mình bằng những lời nói văn vẻ, cao xa, to lớn, ra vẻ chuyên nghiệp. Nhưng thực tế là không gì gây ức chế cho nhà tuyển dụng bằng việc phải đọc hàng tá từ ngữ bay bướm, vòng vo để rút ra ý chính (nếu có) trong khi còn hàng đống hồ sơ chưa đọc. Hãy so sánh hai ứng viên sau đây:
“Đã từng làm nhân viên tín dụng tại ngân hàng A, với nỗ lực không ngừng và tinh thần tiếp thu học hỏi, đã góp phần tăng dư nợ phòng khách hàng doanh nghiệp trong nhiều năm liền”.
“5 năm kinh nghiệm tại phòng khách hàng doanh nghiệp ngân hàng A, đang quản lý tổng dư nợ xx tỷ đồng, tỉ lệ tăng doanh số trung bình xx%/năm”
Theo bạn, bạn sẽ chọn ai?
Hồ sơ xin việc của bạn không khác một bài quảng cáo là mấy, hãy học tập các copywriter cách soạn thảo nội dung sao cho vừa ngắn gọn dễ hiểu mà lại nêu bật những chi tiết cần thiết, có như vậy hồ sơ của bạn mới vượt qua số đông để vào vòng phỏng vấn. Chúc bạn may mắn và thành công!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông