Kiến thức Chiến lược Đại lý sữa tìm cách “tháo hàng” trước giờ G

Đại lý sữa tìm cách “tháo hàng” trước giờ G

2
20 ngày là độ trễ cần thiết để các đại lý, cửa hàng bán nốt những sản phẩm sữa đang bán với mức giá cũ do các chi phí đội lên. 
Chỉ còn vài ngày nữa, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chính thức được đưa vào khuôn khổ. Mặc dù theo lộ trình, trần áp dụng cho giá sữa bán buôn được thực hiện sau 10 ngày và giá bán lẻ là sau 20 ngày. Điều này đồng nghĩa với giá bán lẻ mới, được Bộ Tài chính đảm bảo sẽ giảm, phải tới ngày 21/6 mới đến được tay người tiêu dùng.
Lý giải cho việc giá trần áp từ ngày 1/6, nhưng 20 ngày sau, giá thị trường mới hạ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sở dĩ có khoảng thời gian này là cơ quan quản lý đang tạo cơ hội cho chính doanh nghiệp “tháo hàng”.
20 ngày là độ trễ cần thiết để các đại lý, cửa hàng bán nốt những sản phẩm sữa đang bán với mức giá cũ do các chi phí đội lên. Khi áp trần theo mức giá mới, khoảng thời gian 20 ngày sẽ giúp doanh nghiệp hoạch toán lại những lô sản phẩm mới, kéo hạ những chi phí không cần thiết xuống để giảm giá bán.
Việc tạo độ trễ 20 ngày khi áp giá trần được đánh giá là giúp thị trường tránh được cú sốc và là lộ trình cần thiết. Tuy nhiên, khác với tính toán của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, với tâm lý chờ đợi mua giá rẻ của người tiêu dùng, để “tháo” được lô hàng cũ đi không hề dễ chút nào.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa
Sáng 28/5, dạo một vòng thị trường sữa Hà Nội, ghi nhận chung mà nhóm PV thấy được là nhiều cửa hàng sữa vắng bóng người mua. Cảnh đìu hiu chợ chiều khiến cho những người bán hàng cũng trở nên quá uể oải.
Chị Hiền, một chủ cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm chán nản cho biết tình trạng sữa ế ẩm đã diễn ra từ mấy tháng nay, đặc biệt là khi thông tin áp trần cho giá sữa được công bố, thì lượng khách đến mua sữa lại càng ít hơn.
Còn từ phía khách hàng, chị Thúy Hằng, một khách mua sữa cho con 23 tháng tuổi cho biết chị đã mong chờ giá sữa giảm từ cuối năm ngoái, khi mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi quay lại danh mục bình ổn giá. Thế nhưng, càng chờ, giá sữa không những giảm mà còn tăng nên chị cũng rất nản.
Lần này, thấy quyết tâm áp giá trần và được Bộ Tài chính “hứa hẹn” giá sữa sẽ giảm, nên chị cũng đang rất hy vọng. Song, vì là thức uống không thể thiếu trong thực đơn dinh dưỡng của con, nên trong khi chờ, chị vẫn phải mua, nhưng thay vì mua hộp to 900g, chị chọn hộp nhỏ bằng 1/2 cho con uống đủ trong thời gian chờ đợi, để đến khi giá sữa giảm, chị sẽ đón đầu mua luôn.
“Không phải chỉ mỗi tâm lý chờ đợi của khách hàng là nguyên nhân khiến sữa bán chậm, mà khi sữa đắt, nhiều bà mẹ đã chuyển sang sữa nội, dần dần thành quen, sữa ngoại trở nên khó bán”, chị Hiền cho biết.
Tại một điểm bán sữa có tiếng ở Hà Nội trên phố Thái Thịnh, khi chúng tôi hỏi liệu giá sữa sau ngày 20/6 có giảm, chị bán hàng cho rằng chắc chắn trước mắt thì những sản phẩm có mặt trong danh mục 25 loại sẽ không thể tăng, còn giảm thì khó, và nếu có cũng sẽ rất ít, không đáng kể.
“Thực ra, là những người bán hàng, chúng tôi cũng chỉ mong sữa giảm giá để có nhiều người mua. Chúng tôi bán hàng và ăn % theo doanh số, càng bán được nhiều, thì hoa hồng càng cao, còn bán ít thì chỉ nhặt tiền nghìn. Ngày xưa, bán sữa thì giàu, chứ bây giờ càng ngày càng khó khăn, nên chẳng ăn thua. Chị xem, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất, đơn hàng đều đã có từ trước, nay để giảm là rất khó. Đặc biệt, với tình trạng ế ẩm như bây giờ, tháo được đống hàng tồn kho này là rất khó”, một chủ đại lý sữa ở Ngã Tư Sở than thở.
Khó nhưng không thể không giảm, đó là mệnh lệnh từ phía Bộ Tài chính, dù có thể có một số mặt hàng, theo “than thở” của doanh nghiệp là sẽ lỗ. Và thực ra, trước đây, khi giá sữa nhảy múa, người tiêu dùng “chịu đủ” thì doanh nghiệp cũng đã “kiếm đủ”. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc tuân thủ áp dụng giá trần sữa đó chính là khi doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đây là một quá trình đòi hỏi sự đồng thuận, phối hợp từ cả doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và bản thân người tiêu dùng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số doanh nghiệp đã tìm cách “lách” bằng việc thay tên đổi họ sản phẩm để tăng giá như sữa Mead Johnson.
Cụ thể, thông báo của Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến – nhà phân phối sản phẩm của Mead Johnson, tại thị trường Việt Nam cho biết sẽ có thêm các sản phẩm mới: Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus. Trước đó, người tiêu dùng Việt Nam phần lớn biết đến hãng Mead Johnson với dòng sản phẩm Enfa grown A+. Chẳng hạn sữa Enfa grown A+ hộp 900gr, số 1, 2, 3, 4 có giá bán lần lượt là: 510.000 đồng/hộp; 468.000 đồng/hộp… hay Enfamil A+ 900g có giá 534.000 đồng/hộp. Thế nhưng sau khi thay tên mới, bổ sung thêm công thức 360* Brain Plus, giá cũng đội lên rất nhiều. Chẳng hạn Enfamil A+ 360* Brain Plus có giá 605.000 đồng/hộp. Bên cạnh đó, một hãng sữa lớn khác của Mỹ là Abbott đã tung chiêu “rút ruột”, giảm tới 50g, từ hộp 900g xuống còn 850g đối với dòng sữa Pediasure nhưng giá vẫn giữ nguyên 580.000 đồng…

Theo CAND

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không