Dựa trên những yếu tố nội tại và tác động từ bên ngoài, báo cáo đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm 2014 và đều dự báo sẽ sụt giảm so với năm 2013.
Đó là thông tin được đưa ra trong buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 tổ chức sáng 29/5.
Kinh tế Việt Nam đã hồi phục nhưng còn “nhẹ và mong manh”
TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ biên soạn cuốn sách nhận định rằng, kinh tế Việt Nam đã hồi phục nhưng còn “nhẹ và mong manh”. Đáng chú ý, trong báo cáo này, báo cáo đưa ra mức dự báo hai kịch bản cho viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay. Theo hai kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm nay có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013.
Ở kịch bản tăng trưởng thứ nhất, năm 2014 tăng trưởng Việt Nam sẽ giảm khi chỉ đạt 4,15% và lạm phát ở mức 4,76%. Kịch bản thứ 2 lạc quan hơn, nhưng mức tăng trưởng vẫn chỉ ở ngưỡng 4,88% và lạm phát có thể là 5,51%. Các khung tăng trưởng và lạm phát này cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra năm nay của Quốc hội đề ra là 5,8%.
Nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, qua đó, giảm phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Đối với thị trường bất động sản, không nên kéo dài thời gian điều chỉnh bằng những gói hỗ trợ hoặc các giải pháp trên giấy, tạo kỳ vọng sai lạc về thị trường này. Cách tốt nhất là nên để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh xuống giá.
Với nợ xấu, báo cáo khuyến nghị các nhà quản lý cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nguồn lao động; xác định những đối tác chiến lược và hướng đi mới để tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trước những biến động của tình hình khu vực cũng như thế giới.
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông