Trong thời kỳ bão giá thì với số tiền ít ỏi mà gia đình gửi lên hàng tháng sẽ không đủ cho các bạn sinh viên trang trải cuộc sống. Chính vì vậy đi làm thêm là phương án tối ưu để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng biết cách tìm việc làm thêm hài hòa với bản thân và không ảnh hưởng đến việc học. Cân nhắc những bí quyết sau để có thể lựa chọn công việc phù hợp cho bản thân mình nhé!
Ảnh minh họa
Cố không ảnh hưởng đến việc học
Vào thời gian rảnh, sinh viên (SV) thường chọn đi làm gia sư, phục vụ, cộng tác viên… Với những công việc đó, SV có thêm thu nhập, học hỏi được kinh nghiệm sống. Nhưng cũng không ít SV chọn công việc có thời gian trùng lặp với lịch học hoặc kết thúc quá khuya, ham đi làm mà bỏ lơ việc học.
Có một ngoại hình khá, Phương Loan, SV Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM chọn làm người mẫu giới thiệu sản phẩm cho các nhãn hàng điện tử. Do công ty sắp xếp lịch công việc thất thường nên nhiều khi Loan bỏ tiết học trên trường để đi làm.
Lê Xuân Miễn, SV Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM,kể: “Mình làm phục vụ tại các quán nhậu từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng. Về đến phòng người mệt rã rời, sáng hôm sau còn đi học sớm, nhiều lúc chịu không nổi”.
Vậy để đi làm thêm đạt được hiệu quả mà không ảnh hưởng đến việc học, đầu tiên SV nên xác định những công việc phù hợp với lịch học. Hoàng Anh, SV Học viện Hàng không Việt Nam, cho biết: “Mình đi học nguyên tuần, chỉ có nghỉ vào thứ bảy, chủ nhật nên mình chọn đi làm phục vụ tiệc cưới, công việc không ảnh hưởng gì đến việc học”. Ngoài ra những việc làm bán thời gian có thu nhập khá cao và linh động về thời gian như: phát tờ rơi, nhập dữ liệu, kinh doanh nhỏ trực tiếp hay qua mạng, quản lý website, nhận làm đồ thủ công… Nếu SV khá về tiếng Anh có thể đăng ký làm trợ giảng cho các trung tâm tiếng Anh thiếu nhi, biên dịch sách, báo.
Còn với Nguyễn Thị Thanh Hoa, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chọn làm cộng tác viên viết tin, bài cho các báo vì viết báo là niềm đam mê của Hoa. Công việc đó tự do, không bị bó buộc về thời gian, đồng thời giúp Hoa có thêm kinh nghiệm, tự tin bước vào nghề.
Cân nhắc kỹ khi lựa chọn
Trước khi đi làm thêm, bạn phân tích rõ sở thích, năng lực của bản thân mình, đừng “nhắm mắt nhắm mũi” thấy việc làm là mừng. Nếu chỉ vì cần việc, bạn sẵn sàng bị “chèn ép”. Cuộc sống là một sự lựa chọn, nếu bạn chọn chính xác, bạn sẽ không phải hối hận.
Thử nghĩ xem, thay vì bỏ ra 8 tiếng chỉ được thù lao 30.000đ, bạn có thể chọn một công việc 3 tiếng với mức lương tối thiểu 50.000đ. Một vài gợi ý như làm Pg, Pb hay người mẫu quảng cáo sản phẩm khá nhàn mà lương lại cao so với nhiều công việc khác. Hoặc đi bán quần áo, bạn cũng có thể lựa chọn những shop giả lương “hời”, chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Nhiều bạn tìm thấy những mẩu thông tin quảng cáo rất hẫp dẫn, như bán vé xem phim, nhân viên bán hàng, gấp phong bì… lương cao, nộp hồ sơ tại X, Y, gọi điện cho Z chắc chắn là những trung tâm. Và nếu là trung tâm thì, bạn đương nhiên mất một số tiền gọi là “qua trung gian”. Có phải trung tâm nào cũng tốt? Địa chỉ “ma” nhan nhản khắp nơi nhiều khi chỉ làm bạn tiền mất, tật mạng, mà thời gian bị tổn hại nặng nề.
Cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn việc
Những sinh viên năm 1, bạn có thể bắt đầu với việc làm thêm từ học kỳ 2. Dành toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí ổn định cuộc sống và việc học hành cho kỳ 1. Đã xác định làm thêm, bạn chắc chắn mất đi khá nhiều, thời gian, sức khỏe, vui chơi với bạn bè, rút ngắn việc học tập. Đó là chưa kể, công việc mang đến ít nhiều áp lực. Vì thế, phải cân nhắc kỹ càng giữa “được” và “mất”.
Không gắn bó mình với những công việc làm thêm trên mạng mơ hồ, những cam kết “giả lương qua tài khoản”. Bạn nhớ kỹ, phải gặp trực tiếp người sẽ trả lương cho bạn, để thấy được độ chính xác của thông tin và công việc. Đừng có suy nghĩ chủ quan, một khi đã bỏ công bỏ sức thì ai cũng muốn thu về một giá trị tương ứng những gì mình bỏ ra.
Đúng với ngành học, phù hợp bản thân
Chọn công việc làm thêm đúng với ngành học của mình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho SV cọ xát với nghề. Sau khi ra trường, SV ít bỡ ngỡ trước môi trường mới và có khả năng được tuyển dụng cao hơn.
Hoàng Đức Cường, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Mình học ngành bảo hộ lao động, nhờ các anh chị khóa trên giới thiệu, mình được nhận vào làm giám sát cho một công trình ở quận 2. Lúc đầu chưa quen việc thì được quản lý chỉ dẫn, sau một thời gian, khả năng quan sát của mình đã lên tay”.
Không ít SV đi làm thêm và tìm được cho mình công việc yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân. Mặc dù học ngành tài chính nhưng sau một thời gian cộng tác viết bài cho bản tin mùa hè của Thành đoàn TP.HCM, Lê Quốc Khang, SV Trường ĐH Tài chính – Marketing đã tìm được niềm đam mê với nghề báo và quyết theo đuổi ước mơ trở thành nhà báo như cha mình. Đặng Thị Phi Líp, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, tâm tình: “Mình học ngành công nghệ thông tin nhưng sau một thời gian kinh doanh thời trang online, mình càng yêu thích kinh doanh hơn. Dự định ra trường mình sẽ thiết kế một cửa hàng quần áo online”.
Công việc làm thêm vào buổi tối được nhiều SV chọn vì không ảnh hưởng đến thời gian học trên lớp. Nhưng SV nữ cần tìm công việc kết thúc sớm để tránh nguy hiểm lúc đêm khuya. Bên cạnh đó, chọn việc làm thêm cũng phải phù hợp với thể trạng cơ thể để duy trì công việc được lâu dài.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông