Kiến thức Chiến lược Quản lý giá sữa nhìn từ quản lý giá xi măng

Quản lý giá sữa nhìn từ quản lý giá xi măng

3
Bộ Tài chính đã quyết định áp giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày 1-6-2014. Quy định này áp dụng cho cả các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa và những người bán lẻ. Mục tiêu ban hành quyết định này của Bộ Tài chính rất rõ ràng, đó là để bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em và buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để kéo giá sữa xuống.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được áp giá trần từ ngày 1-6-2014. Ảnh: Minh Tâm.
Chính sách quản lý giá sữa này không khác gì so với quản lý giá xi măng trước đây. Nếu nhìn vào những diễn biến thực tế của thị trường xi măng hồi 4-5 năm trở về trước, chúng ta có thể thấy việc quản lý giá theo kiểu áp giá trần đã phá sản. Nó gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất lẫn người tiêu dùng và chỉ những người bán lẻ được hưởng lợi.
Hãy quay lại mùa khô năm 2008. Như thông lệ, nhu cầu xi măng của thị trường tăng mạnh trong khi năng lực sản xuất xi măng trong nước chưa đủ đáp ứng. Giá xi măng và clinker (nguyên liệu sản xuất xi măng bột) nhập khẩu tăng, chi phí vận chuyển và lưu kho ở trong nước cũng tăng nhưng nhà sản xuất không được phép tăng giá. Để giảm thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm lượng xi măng sản xuất, cung ứng ra thị trường, gây nên tình trạng cung không đủ cầu và lập tức thị trường xi măng lên cơn sốt. Giá bán lẻ vọt lên tới 90.000-100.000 đồng/bao, bất kể giá bán tại nhà máy vẫn ổn định ở mức 50.000-53.500 đồng/bao. Doanh nghiệp lỗ, người tiêu dùng cũng bị thiệt hại nặng.
Nhắc lại chuyện giá xi măng để cho thấy việc quản lý giá cả thị trường bằng công cụ hành chính là con dao hai lưỡi và nó có thể phản tác dụng.
Tình hình thị trường sữa hiện nay rất giống với thị trường xi măng trước đây. Cụ thể, ngành chế biến sữa phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được bán trên thị trường phần lớn cũng từ nguồn nhập khẩu. Giá cả mặt hàng sữa thành phẩm và nguyên liệu trên thị trường thế giới cũng biến động thường xuyên. Thị trường vốn rất linh hoạt và năng động, trong khi quản lý hành chính thì cứng nhắc và chậm chạp. Nếu cơ chế quản lý giá không thể uyển chuyển theo kịp với thị trường, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng thì rất có thể thị trường sữa sẽ lại diễn biến giống như thị trường xi măng trước đây.
Quyết định áp giá trần cho mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dù được thực hiện theo quy định của Luật Giá, nhưng Bộ Tài chính vẫn còn có những chọn lựa khác để thực hiện mục tiêu bình ổn giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những nguyên nhân đẩy giá sữa lên cao là các chi phí chưa hợp lý, hợp lệ về quảng cáo, khuyến mãi và tiếp thị. Luật pháp Việt Nam đã có những quy định về vấn đề này, nếu quy định chưa đầy đủ, còn nhiều kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng, thì vẫn có thể sửa đổi và bổ sung luật. Nếu giá sữa bất hợp lý là do tình trạng doanh nghiệp độc quyền, lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường hoặc bắt tay với nhau để chi phối giá thì vẫn có thể dùng luật lệ để giải quyết.

Theo thesaigontimes.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không