Theo Chủ tịch VCCI, căng thẳng trên Biển Đông với Trung Quốc đang đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa duy trì ổn định quan hệ kinh tế – thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị trường này.
“Bước vào năm 2014, trạng thái ổn định kinh tế vĩ mô đang được thiết lập trở lại, nền kinh tế bắt đầu quá trình phục hồi và theo chúng tôi, đất nước đang ở vào một giai đoạn hội tụ đủ các điều kiện để có thể tạo ra bước đột phá phát triển” – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 tổ chức sáng nay (5/6) tại Hà Nội.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI.
Trong ba điều kiện quan trọng được ông Lộc dẫn ra tại Diễn đàn thì thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã nêu lên yêu cầu đột phá thể chế tạo động lực cho giai đoạn phát triển mới.
Thêm vào đó, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó có hai hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất thế giới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở giai đoạn đàm phán nước rút và Hiệp định thương mại VN-EU (EVFTA) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.
Việc thực hiện các hiệp định này, theo VCCI, một mặt sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho nền kinh tế, mặt khác đặt ra những áp lực đổi mới thể chế kinh tế theo hướng bình đẳng, minh bạch theo yêu cầu của luật chơi kinh tế toàn cầu.
Điều kiện thứ 3 để tạo ra bước đột phá chính là việc Trung Quốc đặt dàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Sự kiện này được dự báo nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung trên tất cả các phương diện: tín dụng, đầu tư, thương mại… giữa lúc Trung Quốc đang là một đối tác quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Việt Nam.
“Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa phải duy trì ổn định quan hệ kinh tế – thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị trường này, thông qua việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam” – Chủ tịch VCCI nhận định.
Ông Lộc cũng đánh giá rằng, những định hướng đổi mới thể chế mà Chính phủ đã phát động cùng với những cơ hội và áp lực của hội nhập và yêu cầu bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước theo hướng tự chủ, không quá lệ thuộc vào bất kỳ một thị trường lớn nào đang gặp nhau trong chương trình hành động của Chính phủ.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, “98 – 99% các doanh nghiệp bị hại đã trở lại hoạt động bình thường là những con số biết nói khẳng định các biện pháp của Chính phủ đã có tác dụng thiết thực”. Ngay cả các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn nhất mà VCCI có dịp tiếp xúc, cũng đang có kế hoạch triển khai xây dựng lại nhà xưởng, tiếp tục sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Để đạt được 2 mục tiêu: tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển và bảo đảm sự tự chủ, không lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập, ông Lộc lưu ý, các FTAs đang đàm phán, đặc biệt là TPP và EVFTA, có thể sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thương mại với Trung Quốc.
Về việc tiếp tục khắc phục các hậu quả các hiện tượng gây rối, phá hoại của các phần tử xấu, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, giữ vững niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, theo Chủ tịch VCCI, các địa phương cần thiết lập ngay cơ chế một cửa: một Ban Chỉ đạo thống nhất và một cơ quan đầu mối có khả năng giải thích, hướng dẫn và giải quyết tất cả các vấn đề trợ giúp các doanh nghiệp bị hại, đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm tiền lương và công ăn việc làm cho người lao động.
Về phương án tăng cường nội lực (phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng chuỗi giá trị…) và đa dạng hóa thị trường giảm sự lệ thuộc của một số ngành kinh tế của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, ông Lộc khẳng định, trong khuôn khổ các FTA đã ký và sẽ được ký kết, VCCI sẽ phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt nam, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan Chính phủ có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và thúc đẩy triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cuối cùng, liên quan đến các giải pháp thúc đẩy cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế, ông Lộc đưa ra đề nghị, các bộ, ngành và doanh nghiệp sớm cung cấp danh sách, hồ sơ và phương án cổ phần hóa của 432 doanh nghiệp được Chính phủ chỉ định (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) cho VCCI và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu rộng rãi cho cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước.
Bởi, theo khẳng định của lãnh đạo VCCI, cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm tới việc tham gia vào quá trình này. Và với phương thức này, Việt Nam sẽ sớm tìm được nhà đầu tư tiềm năng vào các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông