Bộ Tài chính đã quyết định áp giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ 1/6/2014 với mục tiêu bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em và buộc các DN phải tiết giảm chi phí để kéo giá sữa xuống. Tuy vậy, nhìn lại thị trường sữa trong vài năm gần đây, giá sữa vẫn cứ nhảy múa bất kể sự quản lý gắt gao của Nhà nước.
Việc quản lý giá sữa bằng phương thức hành chính theo cách mà
Bộ Tài chính đang áp dụng trong Quyết định chưa phải là lựa chọn tối ưu
Với Quyết định số 1079/QĐ-BTC, Bộ Tài chính đã mang lại nhiều hi vọng cho các bà mẹ có thể mua sữa với giá hợp lí hơn. Có vẻ như với Quyết định này, Bộ Tài chính đã có một lựa chọn tối ưu cho việc quản lý giá sữa khi mà giá sữa của các hãng lớn bị ấn định mức tối đa và được liệt kê mức cụ thể trong Quyết định. Tuy vậy, nhìn kĩ vào Quyết định còn vài nội dung cần phải xác định lại.
Chưa rõ về tiêu chí
Thứ nhất, đối tượng áp dụng trực tiếp của Quyết định là năm doanh nghiệp (DN) với 25 loại sữa mà các DN này kinh doanh. Mặc dù theo phát ngôn của Bộ Tài chính, đây là các DN lớn trong việc kinh doanh các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nhưng bản chất của việc quản lý hành chính nhà nước khó mà chấp nhận những kết luận mang tính chung chung như vậy. Nói cách khác, Bộ Tài chính cần phải công bố tiêu chí của các DN thuộc phạm vi điều chỉnh trực tiếp của Quyết định là gì? Dựa vào tiêu chí thị phần để xác định đối tượng điều chỉnh của Quyết định tạo ra bất công giữa các DN kinh doanh sữa, chưa kể mức phần mà Bộ Tài chính phát ngôn là một thị phần chưa được xác định một cách minh thị dựa trên nguyên lí xác định thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lí liên quan.
Thứ hai, với qui định của Luật giá và nghị định 215/2013/NĐ-CP Qui định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài Chính, Bộ tài chính có quyền áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sữa. Tuy vậy, với việc qui định mức giá tối đa đối với 25 loại sữa trong Quyết định, Bộ tài chính đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN. Xét ở khía cạnh của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi, động thái này của Bộ tài chính có thể dấy nên quan ngại về một môi trường kinh doanh tự do.
Thứ ba, bản chất của việc xây dựng mức giá tối đa của 25 loại sữa trong Quyết định dựa trên cấu thành giá mà DN báo cáo. Từ đây nảy sinh hai vấn đề:
Một là: Cấu thành giá do DN kê khai, về mặt lý thuyết Bộ Tài chính có thể kiểm tra và thẩm định lại cấu thành giá. Tuy vậy, trong trường hợp DN kinh doanh sữa bằng phương thức nhập khẩu nguyên liệu, vấn đề xác định mức giá sữa nguyên liệu là rất khó khăn khi mà trong một thời gian dài, vấn đề chuyển giá luôn làm đau đầu cơ quan thuế của Việt Nam. Như vậy, dù được xác định là nền tảng của việc xác định giá tối đa, nhưng khả năng mà Bộ tài chính có thể thẩm tra các yếu tố hình thành giá của DN lại không rõ ràng, có thể tạo nên sự bất công giữa DN sản xuất sữa trong nước và sản xuất sữa bằng nguyên liệu nhập khẩu.
Hai là, thoạt nhìn việc xác định giá của 25 loại sữa dựa trên chi phí sản xuất của DN là hợp lí. Tuy nhiên, mặt trái của cách tiếp cận này là về nguyên tắc giá mà DN có chi phí sản xuất cao sẽ được Bộ tài chính xác định cao hơn. Trong quá trình kinh doanh, DN phải bảo đảm sự tối ưu giữa chất lượng và giá cả. Về mặt nguyên tắc, để chất lượng không đổi, nguyên lí là DN phải kiểm soát được chuỗi cung ứng đầu vào. Nói cách khác, DN phải có sự đầu tư cho chuỗi cung ứng để chi phí sản xuất ở mức thấp nhất. Qua đó, giá của sản phẩm sẽ giảm nhưng chất lượng không đổi. Với sức ép của cạnh tranh, DN muốn tồn tại, tất yếu phải theo con đường như vậy. Tuy nhiên, với cách thức xác định giá dựa trên cấu thành giá trong Quyết định, thành quả đầu tư cho chuỗi cung ứng nguyên liệu của DN chẳng những không được ghi nhận mà còn là một bất lợi của DN so với các DN khác.
Mất tính thị trường
Như vậy, xét từ mục đích của việc quản lý giá sữa, các tác giả hoàn toàn ủng hộ chủ trương quản lý giá sữa của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc quản lý giá sữa bằng phương thức hành chính theo cách mà Bộ Tài chính đang áp dụng trong Quyết định chưa phải là lựa chọn tối ưu. Mục đích quản lý giá từ đầu đặt ra có thể sẽ không đạt được. Nhìn từ góc độ ngắn hạn, việc quản lý giá theo phương thức bình ổn giá sẽ là tạm chấp nhận nếu Bộ Tài chính có cơ chế để kiểm tra chính xác các yếu tố cấu thành giá mà DN kê khai. Xây dựng một mặt bằng giá chung cho các DN kinh doanh sữa. Kết quả là khuyến khích các DN phải tìm kiếm những cơ chế tối ưu cho việc sản xuất sản phẩm có hiệu quả, qua đó bảo đảm lợi ích của những DN có chi phí sản xuất thấp.
Hiện nay, với mức giá bán chỉ bằng gần một nửa giá sữa ngoại, mặc dù các chỉ tiêu chất lượng tương đương, nhưng cũng bị áp giá trần, đã gây khó cho các DN sữa nội trong nước phát triển.
Tuy vậy, về mặt dài hạn cơ chế giám sát giá sữa nên thay đổi từ cơ chế hành chính như trên là không ổn. Nhìn từ góc độ kinh tế, trật tự cạnh tranh trên thị trường chỉ bị khuynh đảo bởi các DN lớn. Ngôn ngữ luật cạnh tranh gọi là DN có vị trí thống lĩnh thị trường. Mặt khác, nhìn từ góc độ quyền tự do kinh doanh, DN thống lĩnh và DN nhỏ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Do đó, DN không bị phân biệt đối xử vì qui mô kinh doanh của mình. Tuy nhiên, khi DN lợi dụng qui mô lớn của mình mà bóc lột khách hàng, chắc hẳn pháp luật phải can thiệp.
Trong nền kinh tế thị trường, vai trò quản lý của Nhà nước phải như vậy. DN có quyền tự doanh kinh doanh trừ trường hợp vi phạm pháp luật. Do đó, thật ngạc nhiên khi mà trong một thời gian dài, giá sữa tại Việt Nam biến động như vậy mà hầu như không thấy bất kì động tĩnh nào từ cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam, mặc dù pháp luật cạnh tranh cho phép cơ quan này tự mình tiến hành các bước điều tra bước đầu để xác định có hay không hành vi bóc lột khách hàng Khoản 2 điều 86 luật cạnh tranh. Mức phạt đến 10% tổng doanh thu của năm liền kề trước đó ắt hẳn phải là một chế tài mà bất cứ DN kinh doanh sữa nào cũng phải kiên dè khi thực hiện hành vi bóc lột khách hàng. Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) lại có sự im lặng một cách khó hiểu như vậy trong việc quản lý sữa tại Việt Nam trong thời gian qua. Theo các tác giả chính Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới là người cầm cân nẩy mực trong quản lý giá sữa chứ không phải là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) như dư luận vẫn bàn trong suốt những ngày vừa qua.
Sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là một loại hàng hóa thiết yếu. Mặt hàng này quan trọng không chỉ vì mức độ tác động rộng lớn đối với một bộ phận dân cư rộng lớn. Từ góc độ nhân văn, thật đau lòng khi nhìn những bà mẹ phải mua những loại sữa kí (sữa bán theo đơn vị kg không có nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng) cho con vì không có tiền mua những loại sữa uy tín hơn! Với tính chất đặc biệt như vậy, trong nhiều năm Việt Nam luôn xác định sữa là mặt hàng phải chịu sự quản lý về giá của Nhà nước. Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Tuy vậy, nhìn lại thị trường sữa trong vài năm gần đây, giá sữa vẫn cứ nhảy múa bất kể sự quản lý gắt gao của Nhà nước.
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông