Kiến thức Tài chính kế toán Đừng “đoán già, đoán non” tạo cơ hội cho kẻ đầu cơ...

Đừng “đoán già, đoán non” tạo cơ hội cho kẻ đầu cơ tỷ giá

11
Trước diễn biến tâm lý và biến động về tỷ giá ngoại hối trong thời gian vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các chuyên gia tài chính, tiền tệ đã có những phân tích cho thấy, cung cầu toàn nền kinh tế ổn định, điều kiện khách quan chưa cần thiết phải điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Cung cầu ngoại tệ đang dồi dào. Ảnh internet.

Ngày 9 và 10-6, hai ngày sau khi Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời về nội dung tỷ giá trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời, tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại vẫn được niêm yết kịch trần.
Đầu giờ chiều 9-6, tức nửa ngày sau phát biểu của Thống đốc, giá USD điều chỉnh tăng khoảng 30 – 35 đồng so với chốt phiên giao dịch trước. Các ngân hàng nâng giá bán lên mức kịch trần 21.245 đồng/USD, giá mua vào cũng đạt mức khá cao là 21.195 đồng/USD, trong khi mức giá cao nhất ngân hàng thương mại được phép niêm yết là 21.246 đồng/USD.
Ngày 10-6, NHNN thông báo tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 21.036 đồng. Giá trần cho các ngân hàng là 21.246 đồng/USD, không đổi so với những ngày trước.
Tuy nhiên, các ngân hàng lại tăng mạnh giá USD niêm yết. Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ giá ở mức 21.195- 21.245 đồng, tăng 35 đồng so với ngày 9-6. Ngân hàng VietinBank niêm yết giá USD tại 21.180- 21.245 đồng, cao hơn 10 đồng giá mua và 15 đồng giá bán so với hôm qua.
Trước đó, ngày 6-6, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đã chính thức kịch trần biên độ cho phép sau vài ngày tăng liên tiếp.
Trả lời câu hỏi trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 8-6, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận, trong những ngày vừa qua, tỷ giá có lúc điều chỉnh tăng, thậm chí có thời điểm sát với trần quy định của NHNN. Ngoài yếu tố tâm lý, chủ yếu là do sự kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN.
Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, phân tích thị trường cung cầu và cục diện kinh tế vĩ mô của Việt Nam, quan hệ cung cầu vẫn được đảm bảo.
Cụ thể, qua 6 tháng đầu năm, Việt Nam có xuất siêu, cán cân vãng lai vẫn thặng dư và cán cân thanh toán thặng dư ở mức lớn (trên 10 tỷ USD). Trong 6 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục mua được 10 tỷ USD. Phân tích cho cả năm, cung cầu ngoại tệ hết sức dồi dào.
Năm nay NHNN chủ trương sẽ giữ ổn định tỷ giá và nếu cần phải điều chỉnh thì không quá 2%. Đến nay đã là nửa năm mà chúng ta chưa tiến hành điều chỉnh tỷ giá và tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định. 

(Thống đốc NHNN nói trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời)

 

Mặc dù cho rằng điều kiện khách quan để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có, nhưng Thống đốc cũng để ngỏ tình huống, để khuyến khích xuất khẩu và để cho giá trị đồng Việt Nam không bị đánh giá quá cao NHNN có thể xem xét việc điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp. Nếu có điều chỉnh, NHNN sẽ chủ động điều chỉnh và mức điều chỉnh sẽ không quá 2%.
Có thể, vì khả năng để ngỏ này mà thị trường tiếp tục điều chỉnh tăng trong hai ngày sau khi có thông điệp của Thống đốc mặc dù Thống đốc đã cam kết, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về xu hướng tăng tỷ giá những ngày gần đây, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chính sách điều hành tỷ giá hiện nay đang đúng hướng, hiện cung cầu ngoại tệ không thiếu, nên không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá.
“Quan trọng là đừng để sự biến động của tâm lý ảnh hưởng đến thị trường. Đừng ai đoán già đoán non là 3 tháng, 6 tháng nữa là điều chỉnh, khiến cho những kẻ đầu cơ có cơ hội làm giá thị trường”.
Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch cho rằng, có một vấn đề về kỹ thuật nên điều chỉnh, đó là chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra hiện nay khá hẹp, chênh lệch này nên được nới rộng sẽ bớt đi chuyện đầu cơ.
Cũng cho rằng chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, khi chính sách đang phát huy tác dụng thì chỉ nên tiếp tục kiên định chính sách, bên cạnh đó là sử dụng thêm những biện pháp hỗ trợ chứ chưa đến mức phải nới “room”.
“Một khi Chính phủ quyết định phải điều chỉnh là đã dựa trên phân tích tổng thể, đối tượng nào được lợi, lợi như thế nào… Gần đây có những tuyên bố dự báo hay đề nghị điều chỉnh tỷ giá khiến cho thị trường xáo động, chỉ có những doanh nghiệp đúng thời điểm đó đến hạn thanh toán là chịu thiệt. Do đó, hiện chính sách đang phát huy tác dụng thì chỉ cần tiếp tục theo dõi và có những biện pháp hỗ trợ”- TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không