Kiến thức Tài chính kế toán Nghị định số 29/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2014

Nghị định số 29/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2014

581
Ngày 01/6/2014, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và việc quản lý, xử lý đối với tài sản sau khi được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bốn nhóm tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
Theo quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP, ngoài các tài sản vốn đã được quy định chế độ quản lý, xử lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành gồm: (i) tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật (tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân nhưng do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo bản án, quyết định của toà án, quyết định của cấp có thẩm quyền khác); (ii) tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, chìm đắm, di sản không người thừa kế, hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan; (iii) tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước (bao gồm: tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho nhà nước Việt Nam), Chính phủ còn quy định bổ sung quy định về quản lý, xử lý đối với tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
Quản lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam
Mặc dù quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản thuộc sở hữu của mình cho Nhà nước Việt Nam khi kết thúc thời hạn hoạt động đã được quy định ngay từ khi có Luật đầu tư nước ngoài, tuy nhiên việc quản lý, xử lý như thế nào chưa có quy định cụ thể. Tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP đã quy định Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với loại tài sản này.
Về thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, Nghị định quy định chậm nhất là 30 ngày trước ngày kết thúc thời hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư, cơ quan cấp giấy phép đầu tư có trách nhiệm thông báo cho Sở Tài chính nơi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trụ sở về các trường hợp doanh nghiệp cam kết chuyển giao tài sản cho Nhà nước Việt Nam khi kết thúc thời hạn hoạt động. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan cấp giấy phép đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh để thành lập Hội đồng kiểm kê, phân loại tài sản. Hội đồng có trách nhiệm tiếp nhận tài sản, thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý. 
Căn cứ kết quả kiểm kê, phân loại của Hội đồng, Sở Tài chính có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ do Sở Tài chính trình, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản. Đồng thời, Sở Tài chính có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Hàng tịch thu sẽ do cơ quan của người ra quyết định tịch thu hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu chủ trì quản lý, xử lý
Tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước bao gồm nhiều loại với nhiều nguồn gốc hình thành khác nhau, quá trình xác lập quyền sở hữu và xử lý tài sản có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân nên Nghị định số 29/2014/NĐ-CP đã xác định cụ thể đơn vị chịu trách nhiệm chính để đảm bảo việc thực hiện được công khai, nhanh chóng và hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm hoặc không xác định được người chủ trì xử lý.
Theo đó, đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, Nghị định quy định rõ cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước là đơn vị chủ trì trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước; cơ quan của người ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước là đơn vị chủ trì trong các trường hợp còn lại. 
Đối với tài sản của người bị kết án bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cơ quan thi hành án cấp quân khu chuyển giao, Phòng Tài chính Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện là đơn vị chủ trì đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp huyện chuyển giao. Đối với vật chứng vụ án do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước, cơ quan đã ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. 
Đối với bất động sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản không có người thừa kế, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với bất động sản, di tích lịch sử – văn hoá, Phòng Tài chính Kế hoạch là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với động sản; trường hợp một vụ việc bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau (bất động sản hoặc di tích lịch sử – văn hóa và động sản) thì Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. Đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. Đối với hàng hoá tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan, Cục Hải quan là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. 
Đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước Việt Nam mà khi chuyển giao đã xác định cụ thể đơn vị quản lý, sử dụng thì đơn vị quản lý, sử dụng tài sản là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản; trường hợp khi chuyển giao không xác định cụ thể đơn vị quản lý, sử dụng thì tùy từng loại tài sản khác nhau, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm chủ trì quản lý, xử lý tài sản cho Ban quản lý dự án (đối với tài sản của các dự án sử dụng vốn ODA và các nguồn viện trợ không hoàn lại do phía ngoài chuyển giao); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc đơn vị được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phân cấp (đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh), Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính phân cấp, Sở Tài chính (đối với các tài sản còn lại).
Tài sản có yêu cầu quản lý đặc biệt sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành bảo quản
Đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản có trách nhiệm bảo quản tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật trong thời gian chờ xử lý. Trường hợp đơn vị chủ trì không có kho bãi để bảo quản tài sản hoặc tài sản là máy móc, thiết bị đã cố định, khó tháo dỡ thì được uỷ quyền hoặc ký hợp đồng thuê với cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kho tàng để bảo quản. Riêng đối với các tài sản có yêu cầu quản lý đặc biệt của Nhà nước, đơn vị chủ trì phải chuyển giao cho các cơ quan chuyên ngành để bảo quản. 
Cụ thể, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật chuyển giao cho cơ quan quản lý văn hoá; vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh chuyển giao cho đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước; lâm sản quý hiếm, lâm sản không được sử dụng vào mục đích thương mại thì chuyển giao cho cơ quan Dự trữ Nhà nước hoặc cơ quan Kiểm lâm. 
Việc bàn giao tài sản cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để bảo quản phải lập thành biên bản có xác nhận của bên giao, bên nhận và bên chứng kiến (cơ quan tài chính cùng cấp).
Ưu tiên chuyển giao tài sản để giải quyết nhu cầu về tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước
Hiện hành, đối với tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự và hình sự; tài sản được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu dưới các hình thức biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật được thực hiện theo quy trình xử lý quy định tại Thông tư số 166/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính. 
Theo đó, cơ quan tài chính là cơ quan chủ trì lập, tổ chức thực hiện phương án xử lý; do vậy, cơ quan tài chính nắm bắt được thực trạng các loại tài sản nêu trên và là đầu mối tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý; nhờ đó, có thể báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện việc giao tài sản cho các đơn vị còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức thay thế cho việc phải cấp ngân sách cho đơn vị mua sắm tài sản; từ đó tiết kiệm được thời gian và chi phí xử lý tài sản. 
Tuy nhiên, đối với tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính, việc xử lý được giao cho cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì tổ chức thực hiện xử lý theo các hình thức được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính; chưa có một cơ quan tổng hợp chung để điều hòa việc xử lý tài sản. Vì lẽ đó, tỷ trọng tài sản thực hiện chuyển giao hiện nay rất thấp. 
Theo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước của 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 9 bộ, cơ quan trung ương, trong 3 năm 2010-2012, tổng giá trị tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước là trên 2.419 tỷ đồng; trong đó giá trị tài sản tịch thu do vi phạm hành chính chiếm 81,7%; tài sản tịch thu theo quyết định của tòa án chiếm 6,1%; tài sản do tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho chiếm 11,9%; số còn lại là các tài sản bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy. Tuy nhiên, trong tổng số tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước nêu trên, hình thức xử lý chủ yếu là bán (chiếm khoảng 70%), chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị để sử dụng chỉ chiếm khoảng 7,8%.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, góp phần đảm bảo việc xử lý tài sản đúng quy định của pháp luật, tăng cường khả năng điều hòa tài sản phục vụ hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước thay cho việc hàng năm phải bố trí dự toán ngân sách để thực hiện mua sắm tài sản, giảm thiểu các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối với các tài sản buộc phải chuyển giao cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý (vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và các tài sản khác không được phép lưu hành), tài sản có thể chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước (phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn) thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản phải thông báo cho cơ quan tài chính (Bộ Tài chính, Sở Tài chính) để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức.
Đa dạng hình thức xử lý tài sản
Tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước vốn đa dạng và phong phú. Vì vậy, hình thức xử lý cũng phải đa dạng để phù hợp với đặc điểm của từng loại tài sản và quy định của pháp luật có liên quan. Nghị định 29/2014/NĐ-CP đã quy định thống nhất các hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước. 
Đó là, chuyển giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản có yêu cầu quản lý đặc biệt của Nhà nước; chuyển giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội quản lý, sử dụng đối với phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn; nộp vào ngân sách nhà nước đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ; tiêu hủy đối với các loại tài sản đã cũ nát, tài sản buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật; bán đối với các tài sản còn có khả năng sử dụng được; thanh lý đối với các tài sản sau khi bán đấu giá hai lần nhưng không bán được. Việc áp dụng hình thức xử lý cụ thể căn cứ vào tính chất, đặc điểm và thực trạng của từng loại tài sản.
Cùng với quy định về hình thức xử lý tài sản, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục xử lý tài sản từ khâu lập, phê duyệt phương án xử lý và tổ chức xử lý tài sản.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mua ngoại tệ là tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
Theo quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP, đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước là ngoại tệ, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản có trách nhiệm nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ số ngoại tệ trên để nộp NSNN bằng đồng Việt Nam. Quy định mới này sẽ góp phần giải quyết số ngoại tệ yếu vốn đang vướng mắc, tồn đọng tại các cơ quan thi hành án, cơ quan có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hiện nay.
Có thể gom tài sản của nhiều vụ việc nhỏ để xử lý một lần
Hiện nay, việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước được quy định gắn với thời gian thực hiện cụ thể cho từng vụ việc. Quy định này phù hợp với các vụ việc có số lượng và giá trị tài sản lớn hoặc các tài sản có yêu cầu quản lý đặc biệt của Nhà nước, song với các tài sản thông thường, có giá trị nhỏ, nhất là đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, cách thức xử lý như vậy không hiệu quả, tốn kém công sức, thời gian và chi phí xử lý. Để giải quyết vướng mắc này, Nghị định cho phép đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần trong trường hợp giá trị tài sản của một vụ việc thấp (dưới 100 triệu đồng/01 vụ việc).
Được bán chỉ định với các tài sản có giá trị nhỏ
Để giảm bớt thời gian, chi phí xử lý, tránh hư hỏng, xuống cấp tài sản, Nghị định cho phép bán chỉ định đối với hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng (động vật tươi sống, hàng hóa dễ bị ôi thiu, khó bảo quản, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày, động vật rừng hoang dã đã chết nhưng không thuộc đối tượng phải tiêu huỷ…); hàng hoá cồng kềnh, có trọng lượng lớn được chuyên chở trên các phương tiện giao thông đường thuỷ, đường biển mà việc bốc dỡ tốn kém, chi phí lớn; tài sản có giá trị nhỏ (dưới 50 triệu đồng/01 đơn vị tài sản); vật tư, hàng hóa cấm nhập khẩu buộc phải tái xuất mà chỉ có một tổ chức kinh tế có chức năng tái xuất đối với vật tư, hàng hoá đó; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm. 
Riêng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ áp dụng bán chỉ định đối với hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.
Không còn Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu có trách nhiệm ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) hoặc thành lập Hội đồng bán đấu giá (trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp) để bán đấu giá. 
Theo đó, sẽ không còn Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện được thành lập để bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điều 19 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản như trước đây. Vì vậy, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 19 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, đồng thời cũng bãi bỏ đoạn: “Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản” tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định này. Việc thành lập Hội đồng bán đấu giá trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp được áp dụng theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
Tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có thể được thưởng tới 200 triệu đồng
Nghị định quy định tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử – văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia được hưởng một khoản tiền thưởng. Mức tiền thưởng đối với tổ chức, cá nhân được tính theo phương pháp luỹ thoái từng phần, cụ thể: phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%; phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%; phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%; phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%; phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%. Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định.
Mức tiền thưởng cụ thể sẽ do Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (đối với tài sản được tìm thấy là di tích lịch sử – văn hoá, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản được tìm thấy thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia) quyết định, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng đối với mỗi gói thưởng. Nghị định cũng quy định trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được chi thưởng và giá trị tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị đặc biệt thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định mức thưởng.
Tài sản do cấp nào xử lý thì số tiền thu được được nộp vào ngân sách cấp đó
Theo Nghị định, toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tài sản do cơ quan, đơn vị thuộc trung ương xử lý thì tiền thu được từ việc xử lý tài sản nộp vào ngân sách trung ương; tài sản do cơ quan, đơn vị thuộc địa phương xử lý thì tiền thu được từ việc xử lý tài sản nộp vào ngân sách địa phương.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không