Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người đã được nhiều quốc gia chứng minh rõ nét. Trong hàng loạt các giải pháp, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có lộ trình đang được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất đối với việc hạn chế tiêu dùng mặt hàng này.
Ảnh minh họa.
Tăng thuế điều tiết tiêu dùng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch,…
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại Việt Nam (GATS) cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 trở lên là 15,3 triệu người; cùng với đó là khoảng 33 triệu người bị hút thuốc thụ động tại nhà và khoảng 5 triệu người bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc. Qua tham khảo mô hình lý thuyết Levy và các cộng sự, khoảng 40.000 ca tử vong tại Việt Nam trong năm 2008 có nguyên nhân trực tiếp từ thuốc lá (không tính các trường hợp hút thuốc thụ động), số tử vong này có thể lên tới 50.000 người vào năm 2023.
Với tất cả những lý do trên, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Hiện tại, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 65% lên 75% trong năm 2015 và có lộ trình tăng lên 85% từ năm 2018. Phương án này sẽ bảo đảm sự cạnh tranh công bằng hơn cách tính thuế hỗn hợp, do tỷ lệ điều tiết và mức độ ảnh hưởng của thuế tới giá bán thuốc lá khác nhau. Tỷ lệ điều tiết của thuế đối với thuốc lá thông thường cao hơn thuốc lá cao cấp. Điều chỉnh thuế TTĐB, dự kiến sẽ tăng số thu ngân sách năm 2016 là 2.930 tỷ đồng; năm 2017 là 3.300 tỷ đồng và năm 2018 là 7.700 tỷ đồng.
Tăng thuế – cần làm mạnh tay
Đồng thuận với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, bà Phan Thị Hải – Phó chánh Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH) – Bộ Y tế cho biết, kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và WHO đều chỉ ra rằng, thuế là biện pháp quan trọng nhất, có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Tuy nhiên, mức tăng thuế mà Bộ Tài chính nêu ra (75% vào năm 2015 và 85% vào năm 2018) vẫn còn thấp. Theo bà Hải, tính toán của các chuyên gia, phương án tăng thuế này chỉ khiến tiêu dùng thuốc lá giảm nhẹ trong các năm điều chỉnh thuế và sẽ tăng trở lại vào các năm ngay sau đó. Xét cho cả giai đoạn 2015-2020, mức tăng thuế có tác dụng không đáng kể đến tỷ lệ hút thuốc, không đạt mục tiêu quốc gia là giảm khoảng 1,05% tỷ lệ hút thuốc một năm trong nam giới. Điều này cũng đã được kiểm chứng qua lần tăng thuế năm 2006-2008 với mức tăng thuế 10% mỗi lần, kết quả cho thấy tỷ lệ hút thuốc giảm không đáng kể, ngành sản xuất thuốc lá vẫn tăng trưởng đều qua các năm, giá thuốc lá có xu hướng giảm, do đó khả năng tiếp cận với thuốc lá dễ dàng.
Bà Hải cho rằng, thuế TTĐB đối với thuốc lá nên ở mức 105% vào năm 2015 và 145% vào năm 2018. Mức thuế này có thể giúp Chính phủ đạt mục tiêu quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, đồng thời cũng tăng nguồn thu ngân sách lớn hơn gấp 3 lần so với phương án hiện nay. Trong trường hợp không thể tăng thuế ở mức đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán sao cho giữ được tỷ lệ hút thuốc không tăng, bằng việc tăng thuế ở mức giữ cho sức mua thuốc lá không đổi (tức là 85% năm 2015, 105% năm 2018). Đây là mức tăng tối thiểu để ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt ở thanh thiếu niên và nhóm người nghèo.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn Lâm – cán bộ chương trình quốc gia, Văn phòng WHO tại Việt Nam khẳng định, cần phải tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá sao cho thuế chiếm 2/3 đến 3/4 giá bán lẻ, song song với việc cân nhắc áp thuế ở khâu bán buôn mới có thể giảm tiêu dùng mặt hàng này.
Bà Dương Khánh Vân, đại diện Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi cho rằng, tăng thuế thuốc lá là chính sách “lợi cả đôi đường”, có hiệu quả lớn cả về kinh tế và sức khỏe. Việt Nam cần sử dụng thuế thuốc lá làm biện pháp chiến lược để giảm sử dụng thuốc lá. Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện nay rất thấp, cần tăng thuế thuốc lá ở mức độ mạnh để đạt các mục tiêu y tế quốc gia. ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, với sự gia tăng thu nhập và lạm phát, thuế và giá cần được điều chỉnh thường xuyên để đảm bảo làm giảm sức mua. Tại các nước chỉ áp dụng thuế tỷ lệ, việc chuyển đổi sang hệ thống thuế hỗn hợp sẽ mang lại các lợi ích lớn hơn đối với sức khỏe và ngân sách.
Tăng thuế đi liền với chống buôn lậu
Sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế TTĐB thuốc lá lên cao, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại vì thuế tăng, giá tăng sẽ dẫn đến tiếp tay cho hàng lậu. Lý giải vấn đề này, TS. Lê Quang Thuận- Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phân tích, chính sách thuế TTĐB chỉ có thể phát huy hiệu quả khi công tác quản lý thuế, quản lý thị trường, chống buôn lậu được tăng cường, đảm bảo hiệu lực thực thi chính sách thuế. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, tăng mạnh thuế suất mà không tăng cường chống buôn lậu thì buôn lậu thuốc lá sẽ tăng, nhưng không làm giảm tổng lượng tiêu thụ thuốc lá, thậm chí gây thất thu ngân sách do sản lượng và doanh thu của các DN sản xuất thuốc lá hợp pháp bị suy giảm.
Bà Kari Hurt – Trưởng nhóm phụ trách y tế, Ngân hàng Thế giới:
Trên thực tế, nếu tăng thuế thì sức mua hay nói cách khác là khả năng chi trả sẽ còn cao hơn chứ không phải thấp đi. Do vậy, muốn đánh giá tác động của việc tăng thuế đối với các ngành công nghiệp liên quan, cần đánh giá sự ảnh hưởng thực của thuế suất đến sức mua trên thị trường. Ngoài ra, Bộ Tài chính nên để tần suất tăng thuế 2 năm 1 lần, hoặc mỗi năm 1 lần với mức tăng thấp hơn thay vì 3 năm 1 lần với mức tăng cao để tránh “gây sốc” cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá.
Dẫn chứng thêm, bà Phan Thị Hải cho biết, giá cả thuốc lá tăng không hẳn là nguyên nhân dẫn đến vấn đề buôn lậu. Cụ thể, theo khảo sát toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) 2010 cho thấy: Sản phẩm thuốc lá buôn lậu HERO và JET chiếm 90% tổng thị trường thuốc lá. Mức giá trung bình của hai loại thuốc này cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp từ 30% đến 60%. Bên cạnh đó, qua điều tra người sử dụng thuốc lá lậu tại 12 tỉnh, TP của Việt Nam, Bộ Y tế nhận được kết quả: trên 70% người hút thuốc lá lậu là do hương vị hợp “gu” sử dụng, do tò mò hoặc do bạn bè mời; 15% sử dụng thuốc lá lậu là do giá cả. Điều này chứng minh rằng, tại Việt Nam, hương vị hay còn gọi là “gu hút” tác động nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng thuốc lá lậu chứ không phải giá cả. Bà Hải nhấn mạnh thêm, việc tăng giá thuốc lá tại Việt Nam không phải là nguyên nhân chủ yếu làm tăng buôn lậu vì giá của phần lớn thuốc nhập lậu đều cao hơn giá thuốc cùng loại được sản xuất trong nước. Việc gia tăng buôn lậu thuốc lá phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: hiệu quả hoạt động kiểm soát buôn lậu, khả năng kiểm soát tại biên giới; khả năng kiểm soát mạng lưới bán lẻ thuốc lá tại các quốc gia; mức độ minh bạch hay tham nhũng trong công tác chống buôn lậu tại các nước.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông