Kiến thức Tài chính kế toán Nghị định số 19/2014/NĐ-CP: Quy chuẩn mới về điều lệ cho doanh...

Nghị định số 19/2014/NĐ-CP: Quy chuẩn mới về điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước

523
Ngày 14/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2014/NĐ-CP về ban hành Điều lệ mẫu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Việc ban hành Điều lệ mẫu này có tính chất như một văn bản định hướng nội dung cơ bản của điều lệ ở các doanh nghiệp (DN), đảm bảo tính đúng đắn trong việc định hướng hoạt động của DN sở hữu nhà nước; Hướng dẫn và hỗ trợ các DN trong xây dựng điều lệ cụ thể. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/4/2014.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ngày 14/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2014/NĐ-CP về ban hành Điều lệ mẫu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nguồn: internet
Những bất cập cần xử lý
Cùng với các quy định của pháp luật, các DN nói chung và DN do Nhà nước làm chủ sở hữu nói riêng phải tuân thủ, chấp hành… thì Điều lệ công ty là một trong những văn bản quan trọng nhất đối với công tác điều hành và quản lý. Thậm chí, điều lệ còn có thể coi là “điều luật riêng” của một DN buộc các thành viên phải thực thi. Bởi Điều lệ hội tụ được tất cả những vấn đề cốt lõi và nền tảng cho sự vận hành của công ty như: Cơ cấu tổ chức quản lý, thẩm quyền và thể thức thông qua các quyết định của bộ máy điều hành, nguyên tắc phân chia lợi nhuận, xử lý lỗ và giải quyết tranh chấp nội bộ…
Với ý nghĩa như vậy, Luật DN 2005 đã dành Điều 22 nêu về nội dung Điều lệ công ty. Thực tế cho thấy, sau khi Luật doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không còn hiệu lực thi hành, các công ty nhà nước chuyển sang hoạt động theo Luật DN, việc soạn thảo và ban hành điều lệ DN 100% vốn nhà nước còn nhiều bất cập. Cụ thể, ở nhiều DNNN, điều lệ còn mang tính hình thức, chưa thể hiện được mục tiêu, yêu cầu và định hướng của chủ sở hữu nhà nước đối với DN; Nhiều điều lệ chưa thể hiện đầy đủ các nội dung cần thiết, chưa cụ thể hóa các mức phân cấp thẩm quyền cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty (quyết định dự án đầu tư, bán tài sản, hợp đồng vay, cho vay…); Hiệu lực chi phối hoạt động của DN còn thấp. Ít DN chú trọng xây dựng điều lệ phù hợp với điều kiện thực tế chỉ xây dựng để đáp ứng yêu cầu của quá trình thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan…
Ngoài ra, do hệ thống luật pháp của Việt Nam thường thay đổi nên vẫn còn nhiều DN soạn thảo điều lệ theo các quy định cũ do chưa kịp cập nhật chính sách đã được sửa đổi, bổ sung.
Tất cả những bất cập trên đều đã tác động đến hiệu quả hoạt động của DN, ảnh hưởng đến việc phát huy, giám sát nguồn lực tài chính nhà nước tại DN. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả thực hiện quyền quyết định của chủ sở hữu nhà nước đối với điều lệ của DN 100% sở hữu nhà nước; tạo khung khổ, hành lang pháp lý thống nhất để hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động cụ thể trong mỗi DN là hết sức cần thiết.
Hoàn thiện bằng quy định mới
Xuất phát từ thực tiễn, ngày 14/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2014/NĐ-CP về ban hành Điều lệ mẫu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Điều lệ mẫu được ban hành kèm theo Nghị định với những quy định bao trùm đối tượng, phạm vi điều chỉnh và cách thức tổ chức thực hiện thông qua 9 Chương, 54 Điều.
Theo đó, Điều lệ mẫu áp dụng cho các tập đoàn, tổng công ty, thực chất là công ty mẹ và công ty 100% sở hữu nhà nước thuộc bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố làm căn cứ để xây dựng điều lệ cụ thể. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty thì Chính phủ sẽ trực tiếp ban hành điều lệ. Mặt khác, điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Trên cơ sở Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN, Điều lệ mẫu quy định Nhà nước là chủ sở hữu của công ty. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thống nhất quản lý và thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước; Phân công cho bộ, phân cấp cho UBND cấp tỉnh, giao nhiệm vụ cho Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty. Điều lệ của mỗi DN phải quy định rõ tên cơ quan, tổ chức được giao làm đầu mối thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty như bộ đối với công ty thuộc bộ, UBND cấp tỉnh đối với công ty thuộc UBND cấp tỉnh.
Theo Điều lệ mẫu, công ty tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên theo quy định của Luật DN và pháp luật có liên quan; Có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác bằng toàn bộ tài sản của mình. Công ty hoạt động theo các mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh do chủ sở hữu công ty giao, theo quy định của pháp luật về thành lập DN.
Về vốn điều lệ và nguyên tắc điều chỉnh vốn điều lệ, theo quy định sau khi có cam kết đầu tư hoặc bổ sung vốn điều lệ của các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tài chính có nghĩa vụ đầu tư đủ vốn điều lệ đối với công ty thuộc bộ; UBND cấp tỉnh có nghĩa vụ đầu tư đủ vốn điều lệ đối với công ty thuộc UBND cấp tỉnh. Riêng đối với đầu tư ở DN khác, Điều lệ quy định công ty có quyền quyết định nắm giữ, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, thoái vốn ở DN khác sau khi được bộ, UBND cấp tỉnh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Về mô hình tổ chức, quản lý công ty, công ty được tổ chức theo mô hình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quyết định của Chủ sở hữu công ty. Công ty mẹ của tổng công ty nhà nước được tổ chức theo mô hình có Hội đồng thành viên; trường hợp tổ chức quản lý theo mô hình Chủ tịch công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đối với công ty theo mô hình Hội đồng thành viên, Điều lệ mẫu nêu rõ, thành viên Hội đồng thành viên gồm chủ tịch và các thành viên khác do Chủ sở hữu công ty quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, khen thưởng, kỷluật. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 5 năm… Số lượng thành viên không quá 5 người. Còn đối với công ty theo mô hình Chủ tịch công ty, theo Điều lệ mẫu, Chủ tịch công ty do Chủ sở hữu công ty quyết định bổ nhiệm với nhiệm kỳ không quá 5 năm. Chủ tịch công ty có thể được bổ nhiệm lại. Tổng giám đốc (giám đốc) do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷluật theo đề nghị của hội đồng thành viên. Tổng giám đốc (giám đốc) được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với nhiệm kỳ không quá 5 năm. Trường hợp công ty theo mô hình hội đồng thành viên thì chủ tịch hội đồng thành viên không kiêm tổng giám đốc (giám đốc).
Về đặc thù của tổng công ty: Tổng công ty bao gồm công ty mẹ và công ty con (công ty con cấp I và công ty con cấp II). Tùy từng trường hợp, có thể có các công ty liên kết. Công ty mẹ có các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên và của cổ đông chi phối, thành viên chi phối đối với các công ty con đa sở hữu. Đối với công ty liên kết (hoặc tự nguyện liên kết), hai bên sẽ chịu ràng buộc theo hợp đồng liên kết.
Trong quản lý, điều hành tổng công ty, công ty mẹ đại diện cho tổng công ty trong quan hệ với bên thứ ba hoặc các hoạt động khác theo thỏa thuận với các DN thành viên và quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh các quy định trên, Điều lệ mẫu cũng đưa ra một số quy định về việc tổ chức lại, chuyển đổi, giải thể, phá sản công ty. Theo đó, chủ sở hữu quyết định các hình thức tổ chức lại (gồm: chia, tách, hợp hợp, sáp nhập); Việc chuyển đổi công ty thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần và việc giải thể công ty theo quy định của pháp luật. Đối với tổng công ty nhà nước, việc chấm dứt hoạt động theo hình thức tổng công ty sẽ diễn ra khi công ty mẹ bị giải thể; Khi tổng công ty không còn đáp ứng các điều kiện tồn tại theo quy định của pháp luật về tổng công ty nhà nước và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Việc chấm dứt hoạt động theo hình thức tổng công ty thực hiện theo Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không