Mặc dù thị trường trái phiếu của VN liên tục được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá đã và sẽ tiếp tục có sự bùng nổ từ năm 2013 đến nay. Vấn đề sự bùng nổ đó chỉ nghiêng về trái phiếu Chính phủ, trong khi, trái phiếu DN còn quá hẹp.
Xem xét các kế hoạch phát hành trái phiếu DN năm 2014, một điều dễ thấy là hầu hết đều thuộc về các DN kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.
Những đợt phát hành nghìn tỷ
Ở lĩnh vực BĐS, mặc dù đã chuyển sang đầu tư nông nghiệp khá mạnh với nuôi bò và trồng mía, song Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vẫn là DN đang có các dự án đầu tư địa ốc mới (đặc biệt tại Myanmar). Có lẽ vì vậy mà HAG có nhu cầu vốn khá lớn và DN đã thực hiện hoàn tất đợt chào bán 1.000 TPDN năm 2014 với mệnh giá 1 tỷ đồng. Trái phiếu HAG có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12% cho kỳ tính lãi đầu tiên, mục đích phát hành nhằm có vốn phát triển dự án cao su và được đảm bảo bằng ba tài sản là quyền thuê đất, cùng với động sản và BĐS gắn liền với đất (bao gồm cả vườn cây cao su) của 3 Cty thuộc HAG là Cty TNHH Công nghiệp – Nông nghiệp cao su Hoàng Anh Quang Minh tại Lào; Cty TNHH phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu tại Lào; Cty TNHH mía đường Hoàng Anh Attapeu tại Lào (bao gồm cả nhà máy đường, nhiệt điện và các công trình xây dựng khác của Cty).
Một DN địa ốc có vốn Nhà nước với quy mô đầu tư lớn ở khu vực phía Nam là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC Corp, mới đây cũng đã phát hành trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng để phát triển các dự án địa ốc, với đối tượng phát hành là nhà đầu tư ngân hàng duy nhất. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 800 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn FLC cho hai cổ đông hiện hữu, tuy trị giá chưa đạt tới nghìn tỷ lại khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm và muốn tìm hiểu sâu về nguồn lực thực sự của các đối tác này…
Đóng vai trò là nhà đầu tư lớn của thị trường trái phiếu nói chung, các ngân hàng cũng không kém cạnh DN khi lên kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn. Khá sớm là kế hoạch 980 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ CTCP Tập Đoàn Đại Dương (OGC), với kỳ hạn 3 năm và không có tài sản đảm bảo đầu năm nay. Ngân hàng HDBank, đơn vị kí kết hợp tác “độc quyền” đợt phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng của DIC vừa nêu, cũng có kế hoạch phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu để nhằm phục vụ mục đích bổ sung nguồn vốn huy động trung – dài hạn phục vụ phát triển hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn, mặc dù HDBank không thiếu hụt nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.
Đặc biệt “khủng” là kế hoạch phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Eximbank với kì hạn 2, 3 và 5 năm vừa được đưa ra chỉ cách đây mấy hôm. Trị giá phát hành lớn trong một đợt theo dự kiến này cũng được giới quan sát đánh giá là rất đúng “phong cách Eximbank”, khi năm 2013 ngân hàng này cũng đã từng lên kế hoạch xin phép NHNN phát hành tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu hoặc giấy tờ có giá. Tuy nhiên theo dõi thông tin của Eximbank kể từ tháng 8/2013, khi kế hoạch xin phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu được đưa ra tới nay, không có nguồn tin công bố nào về kết quả thực thi. Do đó, có khả năng đây chính là đợt “kế thừa” kế hoạch phát hành cũ và hơn nữa, Eximbank cũng “thuận thời thế”, điều chỉnh một chút trị giá phát hành trong đợt nhằm khả thi hơn.
Vì sao chỉ là địa ốc, ngân hàng?
Thực tế, bên cạnh những DN địa ốc, ngân hàng đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu, còn có khá nhiều DN khác cũng đang muốn lăm le vay vốn qua kênh này. Tuy nhiên, trị giá các đợt phát hành dự kiến của các DN còn lại cơ bản thấp, lẻ tẻ, rải rác, tập trung ở các đơn vị kinh doanh thuộc lĩnh vực khoáng sản, năng lượng; rất hiếm có sự xuất hiện của các DN ở những lĩnh vực như khai thác, chế biến nông lâm thủy hải sản, trừ phi đó là DN xuất khẩu lớn có kế hoạch xây mới hoặc hoặc bổ sung vốn nâng cấp nhà máy, mở rộng thị trường.
Mật độ xuất hiện thường xuyên của các DN địa ốc và ngân hàng trong “lịch” phát hành trái phiếu sơ cấp cho thấy: Sự thành công trên sân chơi này trong các đợt phát hành sơ cấp, nhà phát hành trái phiếu phải đảm bảo quyền của trái chủ, bao gồm từ tài sản đảm bảo đến lợi tức, quyền lợi chuyển đổi (nếu là trái phiếu chuyển đổi). Kể cả trong những trường hợp DN phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo thì hầu hết trường hợp thành công cũng chỉ rơi vào các ngân hàng.
Nguyên do là khi các ngân hàng vốn không có nhà máy, tài sản đất đai, tài nguyên, dự án khai thác…như các DN khác. Đặc biệt, không có dự án “sờ sờ thấy được” như DN địa ốc, nhưng lại có thế mạnh về khả năng liên kết, tìm kiếm các nhà đầu tư, các trái chủ tổ chức. Cũng cần lưu ý, bản thân mỗi ngân hàng hầu hết đều là một nhà tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu chuyên nghiệp cho các DN. Hơn thế, các ngân hàng VN hiện tại tuy vẫn còn có tổ chức chưa niêm yết và đại chúng nhưng 100% đều chịu quy định nghiêm ngặt về thực thi báo cáo tài chính (trừ tổ chức được NHNN cho phép trong quá trình tái cơ cấu, chưa cập nhật thông tin), do đó đều đảm bảo tính minh bạch thông tin (ít nhất trên bề mặt) và mức độ khả tín (do có sự bảo lãnh “vô hình” của Nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động kinh doanh tiền tệ ngân hàng).
Chính những yếu tố như: DN lớn, có dự án, có tài sản đảm bảo, có mức độ minh bạch thông tin nhất định đã vô hình chung “loại trừ” cơ may thành công của các DN nhỏ muốn chen chân huy động vốn bằng trái phiếu. Một số các yếu tố như cơ chế lợi suất, phí phát hành, khả năng “lobby” cho đợt phát hành…cũng góp phần bổ trợ cho sự hấp dẫn của trái phiếu DN. Và điều đó lí giải hiện tượng vì sao trong khi trái phiếu Chính phủ được thị trường sơ lẫn thứ cấp đặc biệt quan tâm, thị trường trái phiếu DN lại khó đạt tăng trưởng như kỳ vọng. Điều đó cũng lí giải vì sao các DN vừa và nhỏ (chiếm hơn 90% tổng số DN tại VN), khi không thể xoay xở vốn tín dụng từ ngân hàng, cũng gần như “chịu chết” với kênh huy động vốn dài hạn là trái phiếu !
Chờ… may mắn
Tất nhiên, không phải bức tranh trái phiếu DN lúc nào cũng chỉ có màu xám. Theo số liệu của Vụ Tài chính – Ngân hàng thuộc Bộ Tài chính, năm 2013 đã có khoảng 33.600 tỷ đồng TPDN được phát hành thành công so với 28.700 tỷ đồng của năm 2012. Tuy đây vẫn là một con số khiêm tốn so với con số thành công của trái phiếu Chính phủ đã được phát hành, nhưng ít nhiều cũng ghi nhận trái phiếu DN từng có những thời điểm “hot” hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng đóng góp cho các thời điểm “hot” hàng của trái phiếu DN là lực vốn đầu tư đến từ các tổ chức ngân hàng. Năm 2013, tăng trưởng tín dụng khá ì ạch trong gần hết năm (trừ hai tháng cuối năm) khiến các ngân hàng đã tìm đến kênh trái phiếu như một cách phân tán rủi ro, bảo toàn tài sản và giảm bớt áp lực thừa vốn khó cho vay. Các ngân hàng đổ tiền mua trái phiếu bao gồm cả trái phiếu Chính phủ lẫn DN trở thành tất yếu. Năm 2014, tình hình tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tuy đang khá bi quan, nhưng với dự đoán kinh tế khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước và có khả năng hồi phục tốt vào hai quí cuối năm, các ngân hàng đang có vẻ “chùn tay” trong quyết định đầu tư trái phiếu, đặc biệt trái phiếu DN.
Như vậy, tuy là một kênh huy động vốn tốt cho DN nhưng hiện tại, phát hành trái phiếu lại đang là kế hoạch khó hữu dụng và khó phổ biến cho đại đa số DN muốn “chơi”. Khả năng giải quyết nút thắt lại không hoàn toàn nằm ở bàn tay DN mà phụ thuộc việc đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường – thuộc về cơ quan quản lí và các nhà tổ chức thị trường.
May mắn là thị trường đã bắt đầu xuất hiện các quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư mở. Chỉ có điều chưa biết sự may mắn này bao giờ mới giúp việc vay vốn của các DN nở thành hoa, khi các quỹ cũng đang tiếp tục đào sâu thêm lối mòn đầu tư vốn sẵn có của thị trường trái phiếu – tập trung cơ cấu đầu tư lớn lớn nhất cho miếng bánh vốn rất hấp dẫn về lợi suất và đặc biệt đảm bảo an toàn là trái phiếu Chính phủ…
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông