Kiến thức Đào tạo Làm thế nào để giảm stress?

Làm thế nào để giảm stress?

8
Hầu như trong cuộc đời đi làm ai cũng đã từng trải qua stress. Nếu may mắn thì đó chỉ là triệu chứng nhất thời, nhưng xui rủi hơn, phải đối mặt với nó ngày này qua tháng nọ, thì sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta đều bị tàn phá nặng nề, những lợi ích công việc mang lại cũng khó có thể bù đắp dù chỉ một phần nhỏ những hậu quả do stress gây ra.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Tuy nhiên tin mừng là bạn có thể loại trừ stress hoặc giảm thiểu hậu quả của nó để “sống chung với lũ”. Vấn đề là bạn phải kiên nhẫn luyện tập theo những phương pháp đúng đắn để loại trừ dần sự căng thẳng và bất mãn ra khỏi công việc của mình.
1. Bớt suy nghĩ lại:
Nghe có vẻ dễ dàng, thậm chí là sáo rỗng. Tuy nhiên bớt suy nghĩ ở đây không phải yêu cầu bạn khơi khơi quẳng lại công việc bộn bề và “xõa”. Như thế thì vương giả quá rồi, chúng ta không có điều kiện để làm vậy. Bớt lo lắng ở đây có nghĩa là bạn phải thay đổi cái nhìn của mình với vấn đề xung quanh. 85% những gì chúng ta lo nghĩ sẽ không trở thành hiện thực, thay vào đó, bạn sẽ “ăn hành” vì những chuyện bất ngờ phát sinh. Thế có nghĩa là nhọc công đoán trước mọi việc cũng vô ích mà thôi. Bình tĩnh đối mặt với thực tế, bạn sẽ thấy mọi chuyện không quá ghê gớm như bạn vẫn nghĩ, phần nhiều khả năng bạn sẽ tìm được cách giải quyết êm thắm mà không phải chịu đựng sự dày vò tinh thần dai dẳng.
2. Suy nghĩ tích cực:
Nếu một sự việc chưa xảy đến, bạn có thể nghĩ về nó theo bất cứ hướng nào. Bạn tùy nhiên cho đó là một tai họa sắp giáng xuống đầu, cũng có thể nghĩ đó là chuyện nằm trong tầm tay, hay thậm chí coi đó như một cơ hội. Dù bạn nghĩ theo cách nào chăng nữa, việc gì đến cũng sẽ đến, nhưng mấu chốt ở đây là tâm thế của bạn trong từng trường hợp sẽ hoàn toàn khác nhau. Thế nên thay vì tiêu cực khi nghĩ về trở ngại phía trước ,hãy tích cực lên một tí, bạn sẽ có nhiều nghị lực hơn để đối phó với vấn đề thay vì bó tay chịu trói ngồi chờ tai họa giáng xuống đầu.

3. Bỏ lối suy nghĩ “Tôi muốn mọi thứ thật hoàn hảo” đi!
Trên đời không có thứ gì hoàn hảo cả, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo cực đoan chỉ khiến bạn mệt mỏi với những kì vọng phi thực tế mà thôi. Phần mềm Windows trang bị cho hơn 90% máy tính trên thế giới cũng đầy lỗi, bức tường có trắng mấy cũng tìm ra được một vết đen, thế nên mong chờ công việc xuôi chèo mát mái từ A tới Z chỉ khiến bạn khổ tâm mà thôi. Hãy cố gắng hết mình và chấp nhận bất cứ kết quả nào, quan trọng là bạn đã cố gắng, chỉ thế thôi! Bạn nên tập làm quen với lối suy nghĩ ấy, vì khi nhiệm vụ càng cao và phức tạp, bạn lại càng không thể kiểm soát chúng mà chỉ có thể nương theo dòng chảy công việc để điều chỉnh quyết định của mình. Nếu bạn không trân trọng những thành quả mình đã đạt được, bạn sẽ khó vươn lên cao hơn.
4. Luyện óc hài hước:
Nghiên cứu cho thấy những người ít bị stress nhất là những người có óc hài hước cao. Khi gặp thất bại, thay vì đắm chìm trong cảm giác cay đắng, họ lại có thể đứng ở góc độ người ngoài mà cười cợt bản thân mình. Tự đùa với bản thân là một kĩ năng chống stress vô cùng hữu hiệu, vì nó tránh cho bạn việc bi kịch hóa vấn đề, thay vì vậy, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng bớt khi nhìn dưới lăng kính hài hước.
Đối phó với stress là một kĩ năng cần luyện tập lâu dài, bạn càng nôn nóng muốn thắng stress, bạn càng bị stress nặng hơn. Trong bốn phương pháp kể trên, điều cốt lõi để đạt được hiệu quả là sự điềm tĩnh, khả năng kiềm chế, làm chủ cảm xúc của mình, điều này không thể thành tựu trong một sớm một chiều mà đòi hỏi ở bạn sự từng trải và kiên trì quan sát bản thân qua thời gian.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không