Bạn có biết đứng trước đám đông là một trong những nỗi sợ lớn nhất của nhiều người không?
Ảnh minh họa
Vì vậy nếu bạn không tự tin mỗi lần thuyết trình với sếp và đồng nghiệp, đừng quá lo lắng, bạn không đơn độc một mình đâu!
Tin vui rằng, chứng sợ đám đông hoàn toàn có thể khắc phục nhanh chóng nếu bạn hiểu được bản chất vấn đề, nguồn gốc nỗi sợ đến từ đâu, sau đây là các bước để bạn vượt qua rào cản tâm lý này để hoàn thiện kĩ năng thuyết trình của mình:
1. Nhận thức nguồn gốc nỗi sợ: đó là sự không chắc chắn. Bạn sợ mỗi khi đứng trước đám đông vì không biết lát nữa mình sẽ nói như thế nào, những con người ngồi dưới kia sẽ phản ứng ra sao, mình có trả lời được những câu hỏi chất vấn của họ không… Đầu óc bạn sẽ hình dung ra ti tỉ những thứ nhỏ nhặt nhất để lo lắng. Vì lẽ đơn giản rằng nếu bạn nói chuyện với một người, sai sót là chuyện có thể dễ dàng bỏ qua, nhưng nếu đứng trước đám đông ,hậu quả của nó kinh khủng hơn rất nhiều (ít nhất là bạn tưởng tượng ra như vậy), bạn sẽ bị bẽ mặt và làm trò cười cho thiện hạ nếu thực hiện không tốt, đúng không nào?
2. Đối mặt với nỗi sợ: sau khi đã biết được nỗi sợ xuất phát từ đâu, việc tiếp theo là bạn phải đối mặt với nó. Nghe có vẻ hơi giáo điều, lý thuyết suông nhưng thực tế đây là cách duy nhất để bạn chế ngự nỗi sợ của bản thân. Thế đối mặt bằng cách nào? Trước hết bạn phải ý thức được rằng tâm trí con người rất hay phóng đại hậu quả của vấn đề và lo nghĩ nhiều thứ không cần thiết, vì đây là loại bản năng giúp bạn sinh tồn nếu phải sống trong thời nguyên thủy. Vì vậy mỗi khi nỗi sợ bao trùm tâm trí, hãy tự nhủ rằng tất cả chỉ là do trí tưởng tượng của bạn vẽ nên mà thôi. Hãy hình dung ra tình huống xấu nhất và tập chấp nhận nó, sau vài lần bạn sẽ chợt nhận ra vấn đề không quá ghê gớm như mình vẫn nghĩ.
3. Chuẩn bị kĩ: nếu nỗi sợ xuất phát từ việc bạn không chắc chắn về những thứ sắp xảy đến, thế thì hãy làm gì đó để kiểm soát được nhiều thứ hơn. Một trong những cách đó là tập dợt thật kĩ lưỡng trước buổi thuyết trình. Đừng chỉ đọc nhớ kịch bản rồi hình dung mọi thứ trong đầu, hãy tập tư thế đứng, giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể giống như bạn đang phải thuyết trình trước một đám đông vậy. Trong quá trình diễn tập này, bạn sẽ phát hiện ra nhiều thiếu sót của bản thân và bổ sung thêm nhiều chi tiết độc đáo cho buổi thuyết trình. Quan trọng nhất là bạn đã hình dung cụ thể những gì mình phải làm trong buổi diễn thuyết đó, cảm giác thiếu chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Những người gặp rắc rối với việc trình bày trước đám đông thường có thói quen xấu là ít chuẩn bị và tập dượt, nên khi bước vào buổi diễn thuyết , họ phải căng hết 5 giác quan để ứng phó với từng tình huống phát sinh, tất nhiên điều đó để lại cho họ nỗi sợ là đúng. Nếu bạn chịu khó chuẩn bị kĩ càng, bạn đã chinh phục được hơn 70% thử thách rồi đấy.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông