Bạn không cần thiết phải là người ích kỷ theo câu “Người không vì mình, trời tru đất diệt”, nhưng nếu sự tử tế của bạn thể hiện không đúng cách, bạn sẽ trở thành “kẻ ngốc” để đồng nghiệp lợi dụng.
Ảnh minh họa
Nếu bạn cảm thấy có vẻ mình nói 4 chữ “Không thành vấn đề!” hơi bị nhiều ở chỗ làm, thì đã đến lúc bạn nên xem lại cách ứng xử của mình.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang “tử tế” quá mức cần thiết:
1. Bạn lại làm việc một mình ở văn phòng…một lần nữa!
Nếu bạn thường xuyên phải quần quật làm việc trong giờ ăn trưa trong khi mọi người nghỉ ngơi hoặc ở lại công ty một mình đến bảy tám giờ tối vì những “trọng trách được giao phó” hay “san sẻ gánh nặng với đồng nghiệp”, thì có lẽ bạn đã quá “tử tế”.
2. Bạn không nhận lại được gì từ đồng nghiệp:
Họ nhờ bạn, bạn làm giúp, họ cảm ơn rối rít, và??? Còn gì nữa? Hết rồi! Mỗi khi bạn cần họ, họ đều có lý do hợp lý để thoái thác. Thế thì đã rõ, trong mắt họ, bạn chỉ là một công cụ để lợi dụng mà thôi.
3. Những vấn đề vặt vãnh cũng cậy đến bạn:
Người ta hay gọi nôm na kiểu này là “lờn mặt”. Khi nhận ra quá dễ dàng để nhờ vả bạn, đồng nghiệp sẽ bắt đầu chuyển từ công việc sang các chuyện vặt vãnh cá nhân. Nếu tình trạng này tiếp diễn, bạn sẽ mất hết tự do vì thời gian trong ngày chủ yếu dùng để giải quyết công việc của người khác.
4. Không ai nói “Cảm ơn” bạn nữa:
Khi cảm thấy bạn quá dễ dàng để sai khiến, không ai còn mặn mà nói tiếng “cảm ơn” nữa, bạn thực sự đã trở thành công cụ của người khác, không hơn không kém.
Nếu bạn nhận thấy mình đang vướng phải một trong bốn dấu hiệu kia, hãy thay đổi ngay lập trường ứng xử của mình
Thứ nhất:
Ghi nhớ nguyên tắc “Công việc ra công việc, đời tư ra đời tư”. Đừng để đồng nghiệp khiến bạn nhập nhằng giữa hai phạm trù này. Bạn có thể đỡ đần công việc cho đồng nghiệp vì lý do nghề nghiệp, nhưng nếu là để phục vụ mục đích cá nhân của người đó, hãy mạnh dạn nói không, hoặc có điều kiện kèm theo, chí ít lần tới bạn nhờ giúp đỡ, họ cũng phải sẵn lòng. Bằng không, chẳng có lý do gì khiến bạn phải nai lưng làm việc để người khác hưởng lương cả! Họ nhờ bạn lần một, sẽ có lần hai, lần ba! Hãy cẩn thận!
Thứ hai:
Nếu bạn không vừa ý, đừng làm! Có thể bạn cũng chẳng vui vẻ gì khi nhận lời người khác, nhưng bạn ngại nói “Không!”Bạn sợ phật lòng người khác hoặc sợ bị cho là kẻ ích kỷ. Hãy nhớ rằng, những kẻ thường chỉ trích bạn chẳng qua vì họ không trục lợi được từ bạn mà thôi. Một đồng nghiệp tử tế sẽ thông cảm cho bạn vì họ hiểu rằng mỗi người còn phải đối mặt với vấn đề riêng của mình.
Thứ ba:
Đừng cho không người khác cái gì quá nhiều! Cho và nhận như hai mặt của một đồng xu, bạn không thể cứ nhận của người khác mà không “xì” ra bất cứ thứ gì, cũng không thể cho đi hết những gì mình có mà không được một tí hồi đáp. Có qua có lại mới toại lòng nhau! Trước khi bạn giúp đỡ người nào đó, hãy cân nhắc xem người đó có xứng đáng hay không. Đây không phải là sự tính toán chi li, đơn giản vì sức người có hạn, bạn không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người, nếu cảm thấy một yêu cầu nào đó không đáng để bạn bỏ sức, hãy từ chối khéo léo!
Tử tế là tốt, nhưng tất cả cũng đều mang tính tương đối mà thôi. Thể hiện đúng cách, đúng chừng mực, bạn sẽ được yêu mến, nhưng nếu thái quá, bạn sẽ trở thành người hay lo chuyện bao đồng, thậm chí là kẻ ngốc. Làm người tốt không dễ, cũng phải cần nhiều suy xét để không bị lợi dụng!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông