Sếp của bạn hốt hoảng đến gặp bạn và yêu cầu phụ trách công việc của đồng nghiệp vì cô ta có việc đột xuất trong tuần tới. Ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu bạn:”Tại sao lại là tôi?”. Và rồi, tuy không lấy gì làm thoải mái, bạn vẫn gật đầu và mỉm cười “Không thành vấn đề sếp ạ!” Dù sao đi chăng nữa, đó cũng là chỉ thị của sếp và bạn không có quyền từ chối! Có đúng vậy không?
Ảnh minh họa
Cũng không hẳn. Trong vài trường hợp, một lời chối là cần thiết, vì nếu cứ nhắm mắt gật đầu, bạn sẽ gặp không ít rắc rối, chỉ vì sợ mất lòng sếp, bạn có thể phải trả một cái giá khá đắt.
“Có vẻ như Nam không thể xong việc trước thời hạn rồi. Cậu giải quyết được không?”
Tình huống đặt ra: bất cứ khi nào đồng nghiệp không thể hoàn thành nhiệm vụ, sếp cũng xoay qua bạn yêu cầu trợ giúp.Một vài lần có thể chẳng là vấn đề, điều này có nghĩa sếp đánh giá cao và tin tưởng năng lực của bạn. Nhưng nếu đây là chuyện xảy ra thường xuyên, bạn sẽ phải bỏ thêm nhiều thời gian và công sức để vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình vừa lo cho công việc của kẻ khác mà không có thêm một đồng tiền công, chưa kể cuộc sống còn bị rối loạn.
Từ chối giúp đỡ một tay trong khi sếp bạn đang gặp rắc rối có thể khiến bạn mất điểm khá nhiều. Bên cạnh đó, có thể sếp cũng không biết ông ấy đã làm phiền bạn đến đâu với những pha bất ngờ như vậy. Vì thế đừng vội tạt ngang khi sếp bạn xuất hiện với yêu cầu tương tự những lần trước. Hãy vui vẻ giúp đỡ và không quên nhắc nhở ông ấy rằng bạn không thể cứ kham việc của người khác hết lần này đến lần khác như thế, vừa ảnh hưởng cuộc sống của bạn vừa không có lợi cho công ty. Một quản lý giỏi ắt sẽ hiểu và thông cảm cho bạn.
“Cậu có thể hoàn thành việc này trước…?”
Tình huống đặt ra: sếp chủ quan áp đặt thời hạn công việc cho bạn mà không tính toán kĩ. Đây là việc thường xuyên xảy ra giữa sếp và nhân viên. Thứ nhất ở cương vị quản lý, sếp của bạn chỉ nắm được phần nào chứ khó có thể hiểu hết những khó khăn trong công việc của bạn. Thứ hai, nhiệm vụ của họ là thúc đẩy bạn làm việc nhanh nên phải thường xuyên đưa ra các yêu cầu cao, tuy nhiên đôi lúc điều này dẫn đến những đòi hỏi phi lý. Ngay cả những quản lý giỏi nhất đôi khi cũng không nhận ra họ đang đòi hỏi vô lý. Đừng nhắm mắt đưa chân mà cố gắng hoàn thành hết tất cả những gì sếp bạn giao phó trong thời hạn chủ quan mà ông ta đưa ra. Nếu đồng nghiệp của bạn đã từng làm được, bạn không có quyền phàn nàn. Nhưng nếu chỉ duy nhất mình bạn phải thử sức với nhiệm vụ đó, hãy cân nhắc kĩ lưỡng và thương lượng lại thời hạn nếu cảm thấy không ổn, hoặc yêu cầu trợ giúp từ đồng nghiệp khác. Sếp cũng chỉ là con người, chỉ thị của ông ta đưa ra cũng sẽ có sai sót, nên bạn đừng nên nhất nhất tuân theo mà không suy xét. Nếu không chẳng bao lâu, công việc của bạn chỉ toàn stress và stress.
“Tôi cần cậu làm thêm thứ này ở nhà, được chứ?”
Tình huống đặt ra: sếp thường xuyên yêu cầu bạn đảm đương thêm việc sau giờ làm. Tất nhiên bất cứ ai cũng đều hiểu thời gian làm việc không phải lúc nào cũng gói gọn trong giờ hành chính, nhiều khi bạn phải mang việc về nhà mà giải quyết. Tuy nhiên, một ranh giới rõ ràng giữa cuộc sống cá nhân và công việc là rất cần thiết để bạn không rơi vào khủng hoảng. Nếu sếp có thói quen lạm dụng giờ giấc cá nhân của bạn, hãy lựa chọn giữa việc thương lượng lại hoặc ra đi. Vì dù công việc có tốt thế nào chăng nữa, nhưng thời gian nghỉ ngơi cứ bị quấy rầy thì chẳng chóng thì chầy, cả tinh thần lẫn thể chất của bạn đều suy kiệt. Có thể sếp của bạn chẳng còn lựa chọn nào khác khi cậy đến bạn ngoài giờ làm việc như thế, nhưng bạn cũng nên nói rõ cho ông ấy biết tình trạng này không thể kéo dài. Thời gian nghỉ ngơi khi bị co hẹp đến một mức nào đó, chúng sẽ trở nên vô giá.
Nói “Không!” với sếp chưa bao giờ là một việc dễ dàng, nhưng trong vài tình huống, đó là việc cần thiết. Nhiều lúc bạn phải cố cắn rắng chấp nhận làm những điều mình không thích, vì đó là một phần của công việc, nhưng đừng bao giờ nhắm mắt nhận lời mà không suy xét, nếu không cuộc đời đi làm của bạn chỉ toàn là những thiệt thòi.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông