Nhiều người tự hào rằng mình đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm vì đi làm nhiều nơi, thử qua nhiều công việc. Nhưng thực tế kinh nghiệm của một người được đánh giá dựa trên những gì họ đã lĩnh hội được chứ không phải thời gian trải nghiệm.
Ảnh minh họa
Bạn có bao giờ tự hỏi mình đã học được những gì từ công việc hay chưa? Thật đáng tiếc là đa phần mọi người đều không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng, họ chỉ nói chung chung rằng mình có sức chống chịu tốt hơn, kiên nhẫn hơn, giao tiếp khá hơn…chỉ dừng lại ở đó, vì guồng quay công việc không cho phép họ suy nghĩ quá nhiều.
Tuy nhiên, nếu có thể thường xuyên đánh giá lại công việc, bạn sẽ rút ra được cho mình nhiều bài học bổ ích và hệ thống hóa chúng thành một bộ cẩm nang cho riêng mình. “Nhưng tôi lấy đâu ra thời gian để làm chuyện này, công việc đã chiếm hết cả ngày của tôi rồi!”, nếu trong đầu bạn đang nảy lên câu nói này, thì có lẽ bạn đang mắc sai lầm đấy. Vì dù việc kiểm điểm bản thân có thể tốn nhiều thời gian trong giai đoạn đầu, nhưng nó sẽ tiết kiệm nhiều sức lực hơn cho bạn trong tương lai đấy!
Một số người cũng có thói quen đánh giá lại thành quả công việc, nhưng chỉ giới hạn trong buổi tất niên cuối mỗi năm. Có nghĩa là trong khoảng thời gian dài đó,họ phải mò mẫm với công việc bằng cách cũ không chút cải tiến nào. Tốc độ thay đổi của công việc càng lúc càng tăng cao, và sự cạnh tranh cũng ngày một gay gắt hơn, nên nếu hỏi bao lâu bạn nên tổng kết rút kinh nghiệm một lần, thì câu trả lời có thể là một tháng, một tuần, thậm chí là một ngày.
Vâng, là hằng ngày! Sau mỗi buổi làm việc, hãy cố gắng suy nghĩ xem qua những chuyện trong ngày, mình đã học được thêm điều gì, cần tránh điều gì, làm sao để tăng hiệu quả công việc, giành được hợp đồng lớn hơn…Nghe có vẻ tốn thời gian nhỉ, nhưng việc này không đòi hỏi bạn phải động não quá lâu đâu, chỉ cần dăm ba phút mỗi ngày, hoặc bạn có thể tận dụng những thời gian nhàn rỗi của đầu óc như khi rửa bát, tắm giặt, ngồi nhâm nhi tách cà phê…
Có một quy luật rằng bạn càng để tâm đến vấn đề gì nhiều, bạn sẽ càng hoàn thiện lĩnh vực đó hơn. Đó là lý do vì sao những người làm việc vì đam mê luôn có thành quả cao hơn những người làm việc chỉ vì tiền, vì họ có thể ăn với công việc, ngủ với công việc. Xin đừng hiểu lầm, bạn không cần phải sống 24 giờ một ngày với công việc nếu còn những mối lưu tâm khác. Tuy nhiên, hãy cố gắng đưa công việc vào thói quen hằng ngày của bạn, suy nghĩ về nó, đánh giá lại từng bước đi trong nghề nghiệp, hoạch định mục tiêu cho tương lai, sáng tạo cách làm việc mới hiệu quả hơn. Dần dần, điều này sẽ trở thành thói quen của bạn và thậm chí có thể trở thành thú vui mỗi lúc rảnh rỗi.
Làm việc mà không thường xuyên tổng kết lại cũng giống như chơi thể thao mà không biết tỉ số vậy. Bạn phải biết công việc của mình tiến triển (hay thụt lùi) đến đâu để có được những quyết định đúng đắn cho tương lai.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông