Kiến thức Con người Lý do gì khiến sếp không thích bạn?

Lý do gì khiến sếp không thích bạn?

19
Có phải gần đây bạn có cảm giác sếp không thích mình? Thế thì hãy lắng nghe trực giác của bản thân một tí, dành ra ít phút để suy ngẫm về thái độ, hành động của bạn gần đây.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Tất nhiên, điều này nói dễ hơn làm, nếu thực sự bạn biết lý do vì sao sếp không thích mình, bạn đã không rơi vào tình huống khó xử lúc này. Tuy nhiên, nếu kết hợp việc kiểm điểm bản thân với kinh nghiệm của người khác, bạn có thể tìm ra nguyên nhân vấn đề một cách dễ dàng hơn.
Nếu bạn cảm thấy bản thân có liên hệ với các tình huống sau đây, đó có thể là lý do chính khiến sếp không hài lòng về bạn:
1. Chuyện gì cũng đòi hỏi “sòng phẳng”:
Đây là mẫu nhân viên điển hình mà hầu như không người sếp nào cảm thấy dễ chịu khi làm việc chung. Ông Vinh, giám đốc công ty timviecnhanh.com chia sẻ “kiểu nhân viên khó quản lý nhất là những người hay tính toán, họ không bao giờ sẵn lòng đụng vào bất cứ việc gì khác ngoài chuyên môn của mình, trừ khi bạn trả thêm cho họ, họ quên rằng bản thân cũng đang hưởng nhiều phúc lợi từ công ty mà không hề được đề cập trong hợp đồng”.
Vấn đề đã rõ ràng, nếu bạn rơi vào mẫu nhân viên kia, việc sếp cảm thấy khó chịu với bạn cũng là điều dễ hiểu. Không nhà tuyển dụng nào có thể mô tả chi tiết tất tật những công việc mà bạn phải đảm nhận trong bản hợp đồng. Đó chỉ là căn cứ làm niềm tin cho cả hai yên tâm hợp tác với nhau chứ không phải là công cụ dùng để mặc cả. Nếu mỗi khi sếp yêu cầu làm việc gì khác ngoài chuyên môn và bạn tỏ ra khó chịu, miễn cưỡng hoặc từ chối, khả năng rất cao là một ngày không xa ông ấy sẽ tìm về một người khác có tinh thần hợp tác hơn để thế chỗ bạn.
2. Thái độ ngại khó:
Nếu “Không thể” là hai từ cửa miệng của bạn thì đừng nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những nguyên do khiến bạn thất sủng. “Em không biết làm thứ này”, “Chuyện này không thể được anh à”, “Khó quá, em bó tay”… những câu nói đại loại như thế khiến sếp đánh giá bạn là con người không có tinh thần cầu tiến, lười nhác. Nhân viên là tài sản sinh lợi quan trọng nhất của một công ty, nếu bạn muốn sếp tăng lương cho mình 10 đồng, bạn phải tăng lợi nhuận cho công ty 100 đồng. Một người ngại khó thường chỉ có thể tạo ra 10 đồng lợi nhuân cho mỗi 10 đồng thù lao anh ta nhận được, hoặc nếu tệ hơn, một nhân viên như vậy có thể là khoản đầu tư thua lỗ của công ty. Tất nhiên, khi so sánh bạn với những nhân viên cần mẫn khác, hẳn sếp sẽ khó chịu mà thầm nghĩ :”Mình thuê cô ta/ cậu ta về để làm gì nhỉ?”
3. Đùa cợt không đúng lúc:
“Tôi có một cậu nhân viên rất hay đùa, nhưng đôi lúc cậu ta đi quá trớn làm tôi rất khó xử, vài lần đầu mọi người cũng im lặng cho qua, nhưng về sau ai cũng cảm thấy khó chịu với hành động của cậu ấy, vài lần nhắc khéo nhưng có vẻ con người này không đủ tinh tế để nhận ra”, ông Vinh bày tỏ cảm giác của mình.
Hầu hết chúng ta đều rất thích những câu đùa hài hước trong công sở, tuy nhiên, phải đúng nơi đúng lúc. Nếu lạm dụng, việc đùa vui sẽ trở thành cợt nhả và bạn sẽ gây khó chịu cho người xung quanh.
Đặc biệt, cần lưu ý rằng một trò đùa tốt nhất nên hướng về bản thân bạn chứ đừng đem ai ra làm đề tài mua vui. Ví dụ bạn có thể đùa vui về việc hôm nay bạn hơi lôi thôi khi đến công sở do hôm qua say khướt về nhà lúc 12 giờ đêm. Nhưng nếu đồng nghiệp của bạn mới sắm một bộ cánh mới và bạn nhận xét cô ta lòe loẹt như một con kéc, bạn đang chuốc lấy tai họa vào mình đấy. Những câu đùa công kích không chỉ khiến đối tượng chính khó chịu với bạn mà còn đặt sếp của bạn vào tình huống khó xử, vì nhiệm vụ của họ là duy trì “hòa bình” trong phòng nhưng bạn lại là người chọc ngoáy mọi thứ tung tóe lên.
4. Mong chờ sếp cầm tay chỉ việc:
Người sếp nào cũng thích những nhân viên tự lập. Tất cả những gì họ cần làm là hướng dẫn bạn những bước cơ bản ban đầu, sau đó tự bạn phải tìm tòi cách thức hiệu quả để hoàn thành công việc. Nếu bạn chờ đợi sếp mình cầm tay chỉ việc quá nhiều thì tất nhiên ông ta sẽ khó chịu với bạn, vì bạn đang tạo thêm gánh nặng cho ông ấy. Mục đích ban đầu sếp tuyển bạn về công ty là để đỡ việc cho ông ta, không phải để nhận thêm trách nhiệm vào người.
5. Bạn chỉ làm vừa đủ để không mất việc:
Sếp biết rõ bạn không phải là người thiếu năng lực, và điều đó càng gây khó chịu hơn khi ông ấy thấy bạn chỉ làm việc với tần suất vừa đủ để không bị khiển trách. Điều này gây ức chế giống như việc có miếng ăn ngon treo trước mặt mà không được chạm tới. Nếu bạn kém năng lực, sếp có thể thương hại bạn phần nào, nhưng nếu bạn là người thông minh nhưng lười biếng, chỉ làm việc kiểu đối phó, ông ấy sẽ ghét ngầm bạn. Đây là vấn đề tế nhị vì sếp cũng khó lên tiếng một câu đại loại như: “Sao em chỉ làm vừa đủ những gì được giao thế?”, điều đó khiến sếp bạn trông như một kẻ bóc lột, nhưng thực tế, người chủ nào cũng mong nhân viên mình làm việc chăm chỉ, có tinh thần tự giác, họ cũng sẵn sàng bù đắp công sức cho bạn (nếu đó là người sếp tốt) vì một người nhân viên giỏi và có thái độ tốt là tài sản vô cùng quý giá với công ty.
Phần trên là một số lý do phổ biến khiến các nhà quản lý không hài lòng với nhân viên của mình.
Vậy bây giờ, bạn có thể làm gì với việc này?
Trong trường hợp những điều trên không đúng với hoàn cảnh của bạn, trước khi tìm hiểu sâu hơn, hãy quan sát thái độ của sếp bạn với các nhân viên khác để xác định xem vấn đề chỉ xảy ra với bạn hay đó đơn giản là cung cách ứng xử của sếp với nhân viên.
Dù thế nào đi chăng nữa, nếu xác định còn ở lại công ty, thì trên hết bạn hãy thể hiện thái độ tôn trọng với sếp và sẵn sàng khắc phục những khuyết điểm của bản thân để sếp ít có lý do phàn nàn về bạn. Lỡ không may bạn gặp phải một người sếp không cách chi chiều lòng, tốt hơn hết bạn nên nghĩ đến việc tìm một công việc mới.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không