Mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên có những sai lầm thật dễ nhận lỗi và sửa chữa,còn những sai lầm khác có thể dẫn người ta đến chỗ mất mặt và vô cùng khó xử.
Ảnh minh họa
Ví dụ như sau khi vừa bị sếp khiển trách, bạn dồn hết bực tức vào một lá thư gửi cho người bạn đồng nghiệp, nhưng hỡi ơi, sau khi thư gửi đi, bạn nhận ra mình đã bấm nhầm nút “Reply all”. Hoặc khi bạn đang thao thao bất tuyệt phàn nàn về một người nào đó trong công ty, bất chợt anh ta xuất hiện sau lưng bạn và nghe đủ hết những lời chói tai kia.
Lúc này hay lúc khác, những chuyện như vậy cũng đều xảy đến với chúng ta, và thật không lấy gì làm vui vẻ. Trốn tránh chỉ làm mọi chuyện thêm tồi tệ, dù vấn đề có khó xử đến thế nào, bạn vẫn nên thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi thỏa đáng. Sau đây là những gì bạn phải làm một khi đã gây ra rắc rối nghiêm trọng:
1/ Nhận thức hậu quả việc làm của bạn:
Bạn phải can đảm nhìn lại toàn bộ vấn đề một lần nữa để nhận thức được hậu quả hành động của bạn để lại to lớn đến mức nào.Có vậy bạn mới có thể đưa ra cách giải quyết ổn thỏa thay vì thổi bùng nó lên thành một cuộc xung đột. Hãy nhớ phân biệt rõ từng phạm trù cụ thể để có tâm thế đúng khi hòa giải, vấn đề công việc và cá nhân phải được tách bạch, ví dụ như trường hợp trên, đồng nghiệp của bạn có tắc trách , cẩu thả đến đâu là chuyện của anh ta, còn bạn hoàn toàn là người có lỗi trong việc nói xấu sau lưng người khác và bị bắt gặp. Hãy tìm cách xin lỗi đồng nghiệp về hành động đó của bạn, còn những việc anh ta gây ra, hãy bắt đầu một cuộc đối thoại khác. Nhập nhằng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mâu thuẫn chất chồng.
2/ Xin lỗi thật nhanh chóng và chân thành:
Bạn hãy tạm dẹp bỏ cái tôi của mình và xin lỗi đối phương càng nhanh càng tốt. Sĩ diện và né tránh chỉ khiến tình hình leo thang thành một tình huống đáng mất mặt hơn mà thôi, hãy dập tắt đám lửa nhỏ trước khi nó trở thành một trận hỏa hoạn. Trong lời xin lỗi của bạn, yếu tố chân thành và hối hận là quan trọng nhất, hãy nói cho đối phương biết sở dĩ bạn đứng đây xin lỗi là vì còn đặt nặng giá trị mối quan hệ của cả hai, và cam đoan sẽ không để chuyện đó xảy đến trong tương lai. Tuy nhiên, cũng không cần phải tỏ ra như cậu học trò khoanh tay xin lỗi cô giáo và hứa “từ nay em không tái phạm nữa”. Thẳng thắn và chân thành, thế là đủ, hãy cho người kia biết bạn đã đủ trưởng thành để gánh trách nhiệm những gì mình gây ra.
3/ Chuộc lỗi:
Với những mâu thuẫn mang tính cá nhân, thật khó để người khác nguôi giận chỉ sau vài lời xin lỗi từ bạn. Hãy làm gì đó để bày tỏ thiện chí của mình.
Đây là việc làm mang tính thiết thực nhất, lời nói có thể dễ dàng nhào nặn thành những từ dễ nghe, nhưng hành động thiết thực đòi hỏi ở bạn nhiều hơn thế. Đừng tiếc công nếu bạn muốn cứu vãn một mối quan hệ, bạn sẽ tôn nhiều công sức hơn nữa nếu mâu thuẫn không được hóa giải triệt để.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông