Có phải bạn cảm thấy thật khó khăn khi phải từ chối ai đó điều gì. Có phải bạn luôn muốn tử tế với người khác ngay cả khi việc đó có thể gây phiền đến bạn rất nhiều, quỹ thời gian dành cho những việc quan trọng của bạn hầu như bị ngốn sạch vào những yêu cầu của người khác.
Ảnh minh họa
Tử tế là tốt, nhưng để mất đi sự tự do vì lòng tốt của mình thì thật không nên chút nào, đôi khi bạn phải mạnh dạn nói “Không!”, vì không phải lúc nào lời đề nghị trợ giúp từ người khác cũng chính đáng. Nhưng trước hết, cái gì cũng có nguyên do sâu xa của nó, bên cạnh lòng tốt tự nhiên, tôi vẫn tin rằng có rào cản gì đó trong tâm lý của bạn khiến bạn cảm thấy thật khó nói “Không!” Hãy cùng điểm qua một vài nguyên nhân thường thấy nhé!
1/ Sợ cảm giác mình là người khiếm nhã: từ nhỏ, chúng ta đã được dạy, một cách trực tiếp hay gián tiếp, rằng từ chối người khác, đặc biệt là những bậc bề trên, là một hành động khiếm nhã và nên hạn chế tối đa. Điều này đặc biệt đúng trong văn hóa Á Đông, khi thể diện là thứ vô cùng quan trọng. Một câu nói “Không!” sẽ khiến bạn trông thật ích kỷ và khiếm nhã, còn người đề nghị thì bị mất mặt. Đó là một kết cục không ai trông đợi!
2/ Sợ bị loại trừ: có thể nguyên nhân này xuất phát từ những trải nghiệm không hay lúc còn nhỏ. Bạn thường khó hòa nhập với nhóm bạn chơi chung và phải chấp nhận tất tật yêu cầu của đám bạn để được tham gia. Lớn lên phản xạ này vẫn còn nằm trong tiềm thức, và khi đi làm, mỗi khi đồng nghiệp hay sếp nhờ vả gì đó, bạn luôn đồng ý một cách máy móc mà không cần suy xét liệu điều đó có chính đáng hay không. Vì bạn sợ bị tẩy chay, bị loại trừ.
3/ Sợ xung đột: đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Bản chất con người ai cũng sợ xung đột, tuy nhiên mỗi người ra một cái giá khác nhau cho sự bình yên. Ở bạn, bạn sẵn sàng đánh đổi thời gian quý báu và sự tự do cá nhân để làm hài lòng một người nào đó vì muốn tránh xung đột. Hãy dành một chút thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ, liệu bạn có sống hạnh phúc hơn với cuộc sống yên bình nhưng mất tự do như thế không? Và liệu người kia có quá ghê gớm để bạn phải kiêng dè như vậy không? Hãy suy nghĩ thật thấu đáo, đây là lựa chọn quan trọng của bạn.
4/ Sợ mất mối quan hệ: bên cạnh việc sợ xung đột, bạn có thể cũng sợ mất đi tình cảm và mối quan hệ của bạn với người kia. Bạn ý thức được tầm quan trọng của người đó đối với cuộc sống của bạn, và nếu có chuyện gì xảy ra dẫn đến mất mối quan hệ này, đó là cái giá phải trả rất đắt. Thế nhưng một lần nữa hãy đặt tất cả lên bàn cân để so sánh và đưa ra sự lựa chọn. Hơn nữa, hãy tỉnh táo mà đánh giá tình hình, nếu mối quan hệ của hai bên thật tốt, liệu người kia có phiền lòng không khi bạn từ chối anh ta một vài lần, hay chỉ do bạn quá đặt nặng mối quan hệ nên tự vẽ cho mình một bức tranh hoàn toàn khác thực tế. Hãy nhớ lại lần đầu bạn yêu, có phải bạn sẽ coi tất cả những gì người kia yêu cầu là mệnh lệnh to tát mà bạn phải thực hiện cho bằng được, nhưng sau một thời gian quen nhau bạn nhận ra rằng đối phương chỉ muốn tìm kiếm người yêu chứ không phải một tên nô lệ.
Vì bài viết đã khá dài nên phạm vi chỉ dừng lại ở phần nguyên nhân, bài tiếp theo sẽ tập trung đề xuất giải pháp để bạn nắm lại quyền chủ động trong cuộc sống. Thân chào!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông