Những năm gần đây, giới đầu tư cũng như chính phủ Trung Quốc đầu tư ngày một lớn vào Campuchia. Tuy vậy, dòng vốn này không chỉ gây ra những lo ngại về môi trường khi các dự án nặng về khai thác tài nguyên, mà còn bị cho là làm méo mó pháp luật.
Đe dọa môi trường và tự chủ chính trị
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia, và nhà viện trợ lớn, đối tác thương mại ngày càng quan trọng của nước này. Tuy nhiên, mối quan hệ ngày một thân thiết này vẫn đi đôi với những tranh cãi.
Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đổ vốn vào Campuchia
Trong một bài viết được đăng tải trên Diễn đàn Đông Á, tiến sỹ Heng Pheakdey tại đại học Amsterdam, đồng thời là thành viên sáng lập Viện phát triển bền vững cho biết, trong giai đoạn 1994 – 2012, Trung Quốc đã “đổ” vào Campuchia 9,17 tỷ USD vốn đầu tư, tập trung vào các ngành dệt may, năng lượng. Bên cạnh đó Bắc Kinh cũng là nguồn viện trợ nước ngoài lớn của Campuchia.
Tính tới năm 2012, các khoản vay và hỗ trợ được khẳng định là “không kèm điều kiện gì”, mà Trung Quốc dành cho Campuchia, đã lên tới 2,7 tỷ USD. Nhờ nguồn vốn này, Campuchia có thể phát triển hạ tầng, xây dựng cầu, đường.
Tuy nhiên đằng sau những con số ấn tượng này là cả một chương trình nghị sự giấu kín, và những vấn đề xã hội, chính trị nghiêm trọng. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã cáo buộc các công ty dệt may Trung Quốc ngược đãi người lao động, trong khi các dự án đầu tư thủy điện của nước này hủy hoại rừng phòng hộ và đa dạng sinh thái.
Để đổi lại những khoản viện trợ tài chính hào phóng của Trung Quốc, theo ông Heng Pheakdey, Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng của mình đối với chính phủ Campuchia để thúc đẩy các lợi ích chính trị của mình. Việc Campuchia trục xuất 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc năm 2009 theo yêu cầu của Bắc Kinh là một ví dụ rõ ràng cho việc này.
Một ví dụ khác đó là việc tại hội nghị thượng đỉnh các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN 2012, Campuchia đã bị Philippines cáo buộc từ chối đề cập bất kỳ vùng biển tranh chấp nào với Trung Quốc trên biển Đông, trong tuyên bố chung của hội nghị, khiến lần đầu tiên một hội nghị ASEAN kết thúc trong bất đồng.
Luật pháp méo mó vì vốn Trung Quốc
“Guanxi” trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là mối quan hệ – bất kỳ dạng quan hệ nào – và trong giới kinh doanh Trung Quốc, nó có nghĩa là một mạng lưới quan hệ giữa các bên khác nhau, hợp tác cùng nhau, hỗ trợ nhau bằng cách hỗ trợ qua lại, theo kiểu “anh gãi lưng giúp tôi, tôi sẽ gãi lưng cho anh”.
Theo tờ Bưu điện Phnompenh, khi tới kinh doanh tại Campuchia, những người di cư Trung Quốc mang theo mình cách làm này, và những người nhiều ảnh hưởng trong chính phủ Campuchia trở thành những thành viên lớn của mạng lưới này. Sự phổ biến của “guanxi” mang đặc sắc Campuchia càng lan nhanh khi nhiều công ty Trung Quốc, chủ nhân của họ và các công nhân tới Campuchia.
Không bị cấm đoán bởi bất kỳ quy định pháp lý nào từ Bắc Kinh, điều mà nhiều công ty phương Tây vẫn bị ràng buộc, và lại rủng rỉnh hơn các đối thủ địa phương, những doanh nghiệp Trung Quốc này đủ giàu để trao đổi những hỗ trợ lớn hơn và có được sự hỗ trợ từ chính phủ. Và khi cần, họ không do dự liệt kê danh sách những quan chức chính phủ vào mạng lưới của mình.
Với sự phổ biến ngày càng lớn, guanxi mang đặc trưng Campuchia đang làm gia tăng tham nhũng và sự lất át của các công ty Trung Quốc trước những đối thủ yếu thế hơn, thậm chí lấn át cả chính phủ. Điều này ảnh hưởng tới quan hệ quốc tế của Campuchia, gây trở ngại cho sự phát triển pháp quyền; góp phần vào sự vi phạm nhân quyền, tạo ra thêm bất công, bất ổn. Và trong dài hạn, nó sẽ gây bất lợi cho chính các doanh nghiệp Campuchia.
Guanxi với đặc trưng Campuchia đã làm méo mó chức năng của một nền kinh tế thị trường dựa trên cạnh tranh, vốn đòi hỏi sự ổn định, tin cậy, chắc chắn, an toàn tài sản, công bằng, bình đẳng trước pháp luật, minh bạch và luật pháp được thực thi thống nhất bởi chính phủ.
Trên hết, lợi ích của guanxi theo nghĩa đúng đắn không thể có, nếu các thành viên trong mạng lưới đó phá vỡ luật pháp hoặc hoạt động ngoài vòng pháp luật.
Hậu quả của việc guanxi đang lấn át pháp quyền được tờ Bưu điện Phnompenh nhận định đang bắt đầu hiển hiện tại nước này. Do đó, chính phủ không thể tiếp tục xem nhẹ điều này, hoặc tầm quan trọng của một hệ thống pháp quyền hiệu lực.
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông