Ở chốn văn phòng mà ngày ngày chúng ta chăm chỉ làm việc, không ít lần bạn sẽ gặp phải những kẻ thích “đâm sau lưng đồng đội” bằng những “trò mèo”.
Ảnh minh họa
Những mối hiểm họa tiềm tàng
Trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những chuyện bất công, điều đó luôn xảy ra, và môi trường công sở cũng không phải là khu vực nằm “ngoài vùng phủ sóng”. Có không ít người hiền lành, chăm chỉ nhưng mãi chẳng thể tiến thân.
Nguyên nhân không phải vì họ thiếu năng lực, mà chỉ đơn giản vì họ gặp phải những kẻ tiểu nhân chẳng thích làm mà lại muốn cướp công thiên hạ. Những kẻ đó chỉ suốt ngày nhăm nhe, rình rập nói xấu, chê bai người khác. Và đương nhiên, đám người này thuộc nhóm những cá nhân thiếu trách nhiệm, hay bịa chuyện, nói một đằng làm một nẻo.
Chẳng đâu xa, như trường hợp của chị Thu Hằng (nhân viên sale của công ty TNHH M), luôn làm việc chăm chỉ, nhưng không ít lần khi chị sắp mang về hợp đồng cỡ bự lại bị ngáng chân. Mãi đến gần đây chị mới phát hiện ra nguyên nhân của việc này.
Cô bạn đồng nghiệp “thân thiết” mà chị hay tâm sự đã không ít lần lợi dụng mối quan hệ và danh sách khách hàng của chị kiếm được mà tới trước tranh giành. Khi chị hỏi, thì cô ta nhanh nhảu: “Ôi, hóa ra đây là khách của chị à? Em có liên lạc với mấy người này từ lâu rồi. Chồng em quen nhiều lắm!”. Thậm chí, có lần cô ta lại còn trắng trợn: “Thôi lần này chị nhường em đi, chị giỏi thế chấp em làm gì!”.
Vốn hiền lành, lại không muốn mang tiếng tranh giành với đàn em nên chị đành im lặng cho qua. Thế nhưng chẳng ít lần, chị còn bị mất luôn cả những hợp đồng của khách quen lâu năm, vì cô bạn đồng nghiệp cứ nằng nặc hỏi rồi cướp luôn bằng cách liên hệ với khách hàng rằng: “Chị Hằng giới thiệu anh cho em”. Chẳng riêng gì mình chị, nhiều nhân viên công sở khác vẫn thường bị đồng nghiệp, thậm chí cả sếp giành giật, cướp công trắng trợn như thế. Có đôi lúc, bạn còn dễ gặp cả những kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng”.
Không chỉ chuyện cướp khách hàng, chuyện tiền bạc và lấy lòng sếp đôi khi cũng lằng nhằng không kém. Anh Minh Dũng, 30 tuổi, nhân viên kinh doanh lâu năm của một công ty Thủy Sản có những cao chiêu khiến người khác phải “nể”: Mỗi khi nhân viên mới có những ý kiến đóng góp mang tính sáng tạo, anh ta đều thêm vào những phụ từ để cho sếp thấy là những ý kiến đó bắt nguồn từ anh ta, đại loại như:”Chúng em đã cùng thảo luận..”, hay”Em cũng đã nghĩ từ lâu nhưng…”. Với những hàm ý này, sếp sẽ nhận thấy là anh ta cũng là người có công, là người dẫn dắt người mới trong những đề xuất mang tính chiến lược đó.
Hay như Trung – cùng công ty với Dũng – lại có những độc chiêu khác. “Độc chiêu” khiến anh ta “nổi danh như cồn” và luôn khiến đồng nghiệp tìm cách tránh xa là khả năng… vu oan giá họa cho người khác. Trước mặt sếp, anh ta không bao giờ có lỗi, lúc thì : “Em đã chỉ rồi mà cậu A không chịu nghe để rồi mới ra cơ sự thế này đây”. Nhưng thực tế thì anh ta chẳng bao giờ hé răng chỉ bảo cho cô cậu nào, đơn giản vì anh ta sợ… mất nghề, mà có khi chính anh ta cũng không biết rõ sự việc xảy ra như thế nào.
Thật đáng buồn cho những công ty có những con người như vậy, vì sau những đấu đá, giành giật công lao từ tay người khác, họ còn quá ít thời gian dành cho công việc. Chính vì thế, vô hình chung, họ tự khiến cho bản thân làm việc thiếu hiệu quả, đồng thời chính họ tự đánh mất tình cảm tương trợ giữa các đồng nghiệp, cũng như phá hoại mối đoàn kết trong công ty.
Học cách “sống chung với lũ” mà không chết ngạt
Để có thể chăm chỉ làm việc mà không bị đối xử oan ức, thiếu công tâm, bạn nên có những phán đoán và hành động đúng lúc, kịp thời và hiệu quả. Hãy nhớ rằng: luôn cần phải cân nhắc những hành động mang tính chất phá hoại đó là vô tình hay hữu ý.
Trong những trường hợp bị đồng nghiệp tìm cách đổ tội, bạn phải phải luôn lưu giữ những bằng chứng về tất cả những việc mình đã làm, chẳng hạn như những email cùng với ý tưởng mà bạn đã đưa ra và đóng góp cho công việc của nhóm.
Nếu bạn là “lính mới” thì hãy cố gắng càng tránh xa những người “thùng rỗng kêu to” càng tốt.
Hãy lưu lại các bản báo cáo, thuyết trình có liên quan đến công việc của bạn. Và nếu cần thiết, thì bạn cần ghi âm lại những cuộc họp, những buổi thảo luận quan trọng để làm “vật chứng” sau này. Như thế, khi đồng nghiệp lăm le “chơi xỏ”, bạn đã nắm đủ thông tin để có thể chứng minh rõ ràng cho việc mình làm, và thậm chí có thể lật mặt tên tiểu nhân bỉ ổi.
Như Thúy Vy, cấp dưới của Trung, chia sẻ:”Mỗi lần nhận việc gì từ anh Trung mình đều bắt anh ấy ký vào giấy tờ, hoặc dùng điện thoại ghi âm lại lời nói của anh ấy để tránh sau này anh ấy lại đổ thừa cho mình”.
Còn nếu bạn là “lính mới” thì hãy cố gắng càng tránh xa những người “thùng rỗng kêu to” càng tốt. Một nhân viên của Dũng cũng rút kinh nghiệm:”Ông ấy hay bốc phét là sắp lên thay sếp này sếp kia lắm, và cũng hay hứa hẹn sẽ để mình làm thế này thế kia lắm. Nghe rất bùi tai nhưng mình chưa thấy ông ấy làm được cái gì ra hồn từ ngày mình vào đây làm cả”.
Ngoài ra, bạn cần tự tin vào bản thân và cố gắng làm thật tốt các nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả sớm và chính xác để sếp nhận biết năng lực làm việc của mình, đồng thời thể hiện ý muốn gắn bó lâu dài và thăng tiến trong công việc của bạn.
Đặc biệt, một điều cực kỳ quan trọng cần phải nhớ là không được ăn miếng trả miếng, điều này sẽ giúp bạn tránh được các cuộc công kích, phản pháo của những đồng nghiệp xấu tính.
Cũng bởi vì, nếu bạn làm thế thì bạn cũng chẳng khác những người kia là mấy, và nếu sếp biết được thì sẽ coi bạn như đám tiểu nhân ấy mà thôi.
Bạn cần phải chứng tỏ cho người khác thấy rằng minh là một “chính nhân quân tử”, thẳng thắn và trung thực trong công việc, và cho những kẻ xấu kia tự nhận ra rằng họ thật đáng thương vì luôn phải vắt óc suy nghĩ tìm cách hãm hại người khác.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông