Sáng 17-6, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc tiếp xã giao bà Kanya Sasradipoera, Chuyên gia hợp tác tiểu vùng thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Ngọc Túc tiếp bà Kanya Sasradipoera. Ảnh: Q.H
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc gửi lời cảm ơn và đánh giá cao Dự án của ADB đã giúp đỡ Hải quan Việt Nam về đo thời gian giải phóng hàng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc cho biết, trong thời gian qua, dự luận vẫn còn nhầm lẫn về thời gian từ lúc hàng hóa đến cảng với khoảng thời gian cơ quan Hải quan tiếp nhận hồ sơ đến khi thông quan. Do vậy, trong thời gian tới Hải quan Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và công bố chính thức thời gian giải phóng hàng. Đồng thời, mong muốn ADB sẽ nhìn nhận đúng bản chất việc hàng hóa từ nước ngoài cập cảng đến khi giải phóng với trách nhiệm của cơ quan Hải quan.
Trong việc thực hiện các cam kết về hội nhập khu vực và thế giới, Hải quan Việt Nam luôn quyết liệt triển khai các chiến lược để thực hiện các cam kết đó. Năm 2014, Hải quan Việt Nam đã triển khai 3 nhiệm vụ quan trọng: Chính thức kết nối Cơ chế 1 cửa quốc gia (26-2); Bàn giao Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS (25-4) và Quốc hội sẽ chính thức thông qua Luật Hải quan sửa đổi (dự kiến 23-6-2014).
Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc cho biết thêm, trong thời gian đầu triển khai Dự án VNACCS/VCIS, Hải quan Việt Nam còn gặp một số khó khăn nhất định. Nguyên nhân do đây là một Hệ thống mới, hiện đại đòi hỏi sự chuyên nghiệp giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình là việc triển khai thành công hệ thống VNACCS/VCIS của Cục Hải quan TP. HCM. Đây là đơn vị lớn nhất trong ngành Hải quan triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS.
Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc, Hải quan Việt Nam tập trung mọi nguồn lực để soạn thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Theo đó, tất cả các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được nội luật hóa trong Luật Hải quan. Thời gian tới, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác và mong muốn ADB giúp đỡ Hải quan Việt Nam.
Tại buổi tiếp, bà Kanya Sasradipoera gửi lời chúc mừng Hải quan Việt Nam đã hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng. Theo bà Kanya Sasradipoera, các hoạt động khu vực, quốc tế là một phần hết sức quan trọng, bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ các chiến lược, quy định hoạt động, điều lệ của ADB. Trong những nỗ lực về thúc đẩy hoạt động hội nhập khu vực đó, quá trình hoạt động thương mại, giao thương giữa các nước cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trong hỗ trợ hội nhập khu vực về thương mại, ADB tiếp cận theo 2 cách. Thứ nhất, tiếp cận vĩ mô từ trên xuống, tức là trong khu vực ASEAN, ADB hỗ trợ các chính sách, cam kết như tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao thường niên ASEAN theo chương trình cải cách kinh tế, thương mại… Thứ hai là từ dưới lên, hỗ trợ các nhóm, quốc gia trong khu vực hoặc các tổ chức (Hải quan Việt Nam, Brunei, Malaysia, Thái Lan…), Các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)…
Với cách tiếp cận trên, ADB mong muốn hỗ trợ Hải quan các nước trong khu vực tiến hành các biện pháp, thực hiện các cam kết diễn ra ở cấp khu vực ASEAN. ADB đã đưa ra báo cáo giữa kỳ về chương trình hành động GMS mở rộng về thúc đẩy thương mại, giao thông, trong đó có vai trò hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ Việt Nam. Những chương trình hỗ trợ cho ASEAN, GMS hi vọng sẽ trở thành một phần hỗ trợ, bổ sung thêm cho những nhu cầu của Hải quan Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Bà Kanya Sasradipoera cũng mong muốn Hải quan Việt Nam tiếp tục trở thành đối tác tham gia tích cực vào tiến trình thúc đẩy thương mại GMS, đưa Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển thương mại.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông