Dưới đây là những yếu tố hội tụ đằng sau sự thành công của việc tự học và “rút tỉa” kinh nghiệm cho bản thân nhé!
Về thời gian
Ảnh minh họa
Chọn thời điểm yên tĩnh
Nhiều người thường khuyên chúng ta nên học vào buổi tối hoặc sáng sớm, bởi đó là những thời điểm tĩnh lặng nhất trong ngày. Một số nghiên cứu khoa học cũng chứng minh được rằng, không gian yên tĩnh sẽ giúp trí não vận động tốt hơn và không gặp bất cứ “chương ngại vật” nào chen ngang. Việc học tập, nghiên cứu trong thời gian này cũng mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với những khung giờ khác trong ngày.
Tuy nhiên, học vào buổi tối hoặc sáng sớm chỉ là một gợi ý trong việc lựa chọn thời gian, các bạn học sinh cần vận dụng linh hoạt và cân nhắc xem bản thân mình thích hợp với thời điểm nào trong ngày để sắp xếp, nhằm mang lại kết quả cao nhất cho việc tự học.
“Giờ nào môn đó”
Một trong những lí do khiến bạn dễ chán nản, không còn hứng thú với việc tự học là không hoàn thành tốt lịch trình đã đề ra. Nhiều lần như thế dễ làm bạn cảm thấy mất dần niềm tin vào chính mình và ngày càng buông thả, bỏ bê chuyện tự học. Kết quả sau đó thế nào chắc bạn cũng hình dung ra.
Để khắc phục được điều này, bạn phải tuyệt đối tuân thủ thời gian biểu mà bản thân lập nên. Đừng vì bất kì lí do nào mà thay đổi chúng và mỗi lần ngồi vào bàn học phải tự giác, nhắc nhớ mình rằng: Bạn đang học vì ai? Nếu không thuộc bài thì ngày mai sẽ ra sao?
Về địa điểm
Một trong những yếu tố làm tăng sự hứng thú khi học bài là việc bạn sở hữu một góc học tập gọn gàng, ngăn nắp. Đó cũng chính là nơi mang lại cho bạn sự thoải mái khi một mình nghiền ngẫm, nghiên cứu bài tập.
Hãy đảm bảo rằng trên bàn học chỉ có sách vở và các dụng cụ phục vụ cho việc học tập, hạn chế bày biện những thứ có thể khiến bạn phân tâm như: máy chơi điện tử, máy tính, điện thoại di động…
Không gian thoáng đãng
Việc học tập và ôn thi dễ khiến bạn bị căng thẳng, khi ấy, một không gian thoáng đãng, nhiều oxy sẽ phần nào giúp bạn lấy lại cân bằng. Vì vậy, hãy thiết kế và đặt góc học tập của mình ở nơi có nhiều ánh sáng, hướng ra thiên nhiên trong lành.
Về tinh thần
Trước khi ngồi vào bạn học và đối mặt với bài tập, bạn phải loại bỏ hoàn toàn trong đầu những vướng bận, những suy nghĩ về thế giới bên ngoài, đây gọi là “quá trình tẩy não tạm thời”. Khi bộ não đã hoàn toàn trống rỗng, bạn dễ dàng nạp kiến thức và đầu tư chất xám vào việc giải các bài tập được giao.
Khi sự tập trung cao độ giúp bạn giải thành công một bài toán thì đó sẽ là động lực thúc đẩy bạn hoàn thành các bài tập tiếp theo. Dần dà, bạn sẽ thấy hứng thú hơn với việc tự học và nhận ra tác dụng to lớn của việc tập trung trong quá trình chinh phục tri thức.
Kiên định, quyết tâm
Nếu không kiên định và quyết tâm, bạn sẽ nhanh chóng trở thành người đồng hành với sự lười biếng, bê tha. Khi vạch ra một kế hoạch nào đó, bạn cũng cần đặt luôn những chế tài để tự phạt bản thân hay những phần thưởng để khích lệ khi đã hoàn thành đúng với lịch trình. Vì khi ấy, những chế tài và phần thưởng đó sẽ là động lực, là “người giám sát” bạn trong suốt quá trình tự nạp kiến thức.
Không ai có thể bên bạn suốt ngày để nhắc nhở, đốc thúc chuyện học tập của bạn, chỉ có bản thân bạn mới đủ kiên nhẫn để làm điều đó. Vì vậy, hãy luôn ý thức tầm quan trọng của việc học và tránh tình trạng học hành qua loa, đại khái.
Tạm kết
Những kinh nghiệm trên đây nếu được vận dụng linh hoạt sẽ trở thành người bạn đồng hành của mỗi sĩ tử trên bước đường chinh phục và làm chủ tri thức. Để trải nghiệm và thật sự nắm bắt được chúng hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi bạn.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông