Tập đoàn đang trình Bộ Công Thương phê duyệt các tiêu chí và danh sách nhà đầu tư chiến lược. Vinatex có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, tối đa 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, phân phối.
Việc IPO của Vinatex diễn ra chậm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Theo thông tin được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra ngày 16/6, Tập đoàn này sẽ chính thức thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào 22/7/2014.
Dự kiến, vào 23/6 tới, Vinatex sẽ phát hành thông báo cáo bạch thông tin cổ phần hóa tập đoàn. Ngày 2/7 và ngày 4/7 sẽ tổ chức Roadshow tại Hà Nội và TPHCM.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex cho biết, hiện Tập đoàn đang trình Bộ Công Thương phê duyệt các tiêu chí và danh sách nhà đầu tư chiến lược. Vinatex có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, tối đa 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, phân phối.
Ông Trường cho rằng, khả năng cổ phiếu Vinatex bán ra sẽ thành công do hai yếu tố: Vinatex đã tìm được nhà đầu tư chiến lược, và tỷ lệ cổ phiếu bán ra phù hợp với năng lực hấp thụ vốn của thị trường.
Như vậy, so với lộ trình ban đầu, việc IPO của Vinatex diễn ra khá chậm. Tập đoàn này từng lên kế hoạch sẽ IPO vào 1/7/2013. Sau đó, tại một cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lại cho biết, Vinatex sẽ IPO trong tháng 9/2013.
Theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt, Công ty mẹ – Vinatex phải thực hiện cổ phần hóa xong trong giai đoạn 2013 – 2015. Vinatex sẽ phải thoái toàn bộ vốn tại 37 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Sau khi tái cơ cấu, tập đoàn sẽ nắm giữ 100% vốn tại 4 doanh nghiệp, 50-65% vốn tại 6 doanh nghiệp và dưới 50% vốn tại 20 doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2014, Vinatex có doanh thu 25.250 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 1,62 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn hiện đang tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng sợi-dệt-nhuộm hoàn tất-may, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tăng tỷ lệ nội địa hóa và dần hướng theo phương thức sản xuất ODM (sản xuất thiết kế gốc).
Trong khi đó, xét về bối cảnh chung của toàn ngành, tuy chịu ảnh hưởng nhất định của tình hình địa chính trị, xung đột lãnh thổ, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 14,6% so cùng kỳ với 10,2 tỷ USD. Trong đó, tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đều tăng cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường này.
Trong 6 tháng cuối năm, khi các thị trường chính của Vinatex nói riêng và dệt may Việt Nam nói chung đều có tín hiệu tăng trưởng tốt, tình hình xuất khẩu của dệt may Việt Nam được dự báo sẽ rất khả quan, toàn ngành hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm trên 24 tỷ USD.
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông