Kiến thức Chiến lược “Vũ khí” của doanh nghiệp trên mặt trận mới

“Vũ khí” của doanh nghiệp trên mặt trận mới

2
Hơn 1 tháng trước, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tôi vẫn nhớ không khí ngày đầu tiên cả nước căng thẳng và sôi sục. Thị trường chứng khoán giảm điểm. Các nhà kinh doanh, đầu tư trên các lĩnh vực dường như đã có tâm trạng bi quan. Nhưng sau hơn một tháng, chúng ta đã ổn định tâm thế khác…
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ông Phan Minh Thông đang giới thiệu với các khách hàng sản phẩm của Việt Nam tại Anuga 2013 – Hội chợ Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống lớn nhất thế giới tại Đức.

Trong tháng 5, khi chúng tôi đi Melbourne (Úc) tham dự một hội chợ cà phê, bỗng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ khách hàng, đối tác ở các nước khác nhau. Emails cũng đầy hòm thư. Khách hàng hỏi về tình hình sản xuất, môi trường kinh doanh và các cuộc biểu tình đã diễn ra. Vì lo hội chợ Úc và nhân viên cũng không báo cáo điều gì bất thường, tôi trả lời khách hàng là ở trong nước mọi thứ bình thường.
Thế giới phẳng và biển Đông
Ngay sau đó tôi gọi điện về Việt Nam (VN), đồng thời lên internet xem thông tin. Có vẻ mọi thứ khó khăn hơn tôi nghĩ. Tôi bắt đầu lo lắng về hoạt động sản xuất, kinh doanh của Phúc Sinh cũng như các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng nông sản xuất khẩu, mà một số đang có quan hệ xuất khẩu chính ngạch lẫn tiểu ngạch với thị trường Trung Quốc.
Không ngoại lệ, Phúc Sinh cũng có hoạt động thương mại với các DN Trung Quốc. Tuy nhiên khác với nhiều DN khác, lượng hàng Phúc Sinh xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chúng tôi không bị ảnh hưởng gì và cho đến lúc này, vẫn duy trì xuất khẩu tiêu tới thị trường này theo đơn hàng đã nhận. Nhưng từ đó tôi nhận thấy một điều: Việc chủ động đa dạng hóa thị trường đã và sẽ tiếp tục là “chìa khóa” giúp những nhà xuất khẩu nông sản như Phúc Sinh giảm thiểu được mọi tác động từ biến động của bất kì thị trường nào bên ngoài. Và hàng nông sản VN, với chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn và vượt được mọi hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính như Châu Mỹ, Châu Âu, cũng hoàn toàn có khả năng thoát khỏi việc “lệ thuộc” một thị trường rộng lớn ngay bên cạnh VN; tuy rằng điều đó sẽ khiến DN phải tính toán nhiều hơn để cân đối giữa các chi phí phát sinh tăng cao như phí vận chuyển hoặc phải đầu tư để sơ hoặc tinh chế sản phẩm nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường khác.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau ngày 1/5, hầu hết các doanh nhân, DN xuất khẩu như chúng tôi đều có cảm nhận và yên tâm về chính sách ngoại giao, ứng xử của Chính phủ nước ta với sự kiện biển Đông. VN đã làm tốt khi xác định nhận thức là quan trọng. Chúng ta nhanh chóng công bố tình hình đã kiểm soát tốt, đồng thời tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Việc nhanh chóng ổn định tâm lí DN và các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí các công nhân, chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các khu công nghiệp, mở rộng ra là người dân, đã có ý nghĩa lớn khiến mọi bất ổn bị dẹp bỏ. Ngày hôm đó, tôi đã viết thư cho mỗi khách hàng của Phúc Sinh, khẳng định với họ: Mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát và các DN đều vẫn duy trì kinh doanh bình thường. Dù vậy, vẫn có khách hàng tỏ ra nghi ngại. Rất cẩn thận, các khách hàng nước ngoài dặn tôi khi về VN, hãy cập nhật cho họ tình hình cụ thể. Điều đó với tôi, một lần nữa là tín hiệu vui cho thấy khách hàng quốc tế rất quan tâm đến thị trường VN và họ theo sát diễn biến ở thị trường chúng ta. Một cảm giác kinh tế quốc gia hội nhập sâu trong thế giới phẳng rất rõ ràng!
Cơ hội để nhảy vọt
Sau 1 tuần hội chợ, tôi về VN. Chúng tôi đã tổ chức trao đổi, trò chuyện trong nội bộ Cty và tất cả đều có chung suy nghĩ: Dù chúng tôi đã đi nhiều nơi, nhiều quốc gia để tiếp cận khách hàng, với mỗi người trong Phúc Sinh, không ở nơi đâu tuyệt bằng quê hương mình. Chúng tôi tự hào khi là người VN, và thật tuyệt vời khi ở đây, chúng tôi đã có thể kinh doanh thành công mà không hề “tụt hậu” với thế giới. Những căng thẳng leo thang ở biển Đông khiến chúng tôi mỗi ngày đều đặt ra suy nghĩ: Tại sao Hàn Quốc và Nhật Bản ở ngay bên cạnh Bắc Triều Tiên, mà người dân của họ vẫn sống và kinh doanh phát triển mạnh mẽ!
Để thực thi và chứng minh chủ quyền kinh tế, bên cạnh việc bảo vệ từng tấc đất, tấc trời của quê hương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quan trọng không kém là bản thân mỗi chúng ta đều cần phải nỗ lực và vẫn duy trì nhịp sống bình thường để kinh doanh phát triển. Dồn sức để kinh doanh phát triển chính là một cách tiến lên trên mặt trận kinh tế, để VN có thế vững vàng đối phó với mọi sự biến động một cách độc lập. Và muốn làm được điều đó, cần sự đồng lòng của cả dân tộc và đặc biệt giới doanh nhân, những người chiến sĩ chủ lực để mang lại của cải và sự phồn vinh cho đất nước về kinh tế.
Tất nhiên, nói như vậy chúng ta vẫn cần cả nguồn lực và cả sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng chính trong khó khăn như lúc này, lại là cơ hội để quyết tâm đưa VN phát triển nhảy vọt được “châm ngòi”.
Những góp ý chính sách
Hơn một tháng ngóng trông và hướng về biển đảo, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì guồng hoạt động kinh doanh, từ ủng hộ, động viên sát cánh với bà con nông dân trồng trọt đến thu mua, chế biến và liên lạc, cập nhật thông tin với khách hàng; tiếp cận các đơn hàng mới. Một tin vui là dường như trong không khí xáo trộn mà các thế lực thù địch muốn tạo ra với nền kinh tế VN, nhiều DN xuất khẩu như Phúc Sinh vẫn có thêm nhiều đơn hàng và chúng tôi lúc nào cũng phải lo không đáp ứng đủ hàng giao bán.
Dồn sức để kinh doanh phát triển chính là một cách tiến lên trên mặt trận kinh tế, để Việt Nam có thế vững vàng đối phó với mọi sự biến động một cách độc lập.
Cùng với nhịp kinh doanh đã trở lại bình thường, có một số vấn đề mà tôi muốn trao đổi. Cá nhân tôi nhìn nhận việc quản lý việc xuất khẩu gạo là chưa tốt, tại sao lại giới hạn, cản trở xuất khẩu gạo bằng giấy phép và với chính sách này thì gần như ưu ái cho DN nhà nước nơi mà sự thay đổi, sáng tạo rất yếu mà yếu tố ù lỳ và lợi ích riêng lẻ thì nhiều. Với chính sách này thì làm sao mà phát triển được ngành gạo và Vinafood 2 là 1 ví dụ. Làm sao chúng ta có các Cty như Facebook ở gạo được. Chúng ta cần phát triển, tìm lối thoát những chúng ta lại chặn đầu vào đầy sáng tạo ở nơi mà các Cty tư nhân vừa và nhỏ rất phát triển. Các Cty này họ không có nhiều tiền, cơ sở vật chất lúc đầu nhưng họ nhiều sáng tạo và tạo được sự thay đổi, cái mà Nhà nước chúng ta cần sự thay đổi trong ngành gạo.
Nếu DNNVV không bị cạnh tranh chèn ép bởi các “đại gia” quốc doanh, tôi cho rằng chúng ta sẽ có nhiều DN xuất khẩu gạo lớn tầm cỡ mà khởi điểm là những DN nhỏ, tư nhân. 13 năm trước, Phúc Sinh được thành lập. 13 năm sau, chúng tôi đã liên tục dẫn đầu vị trí số 1 trong xuất khẩu hồ tiêu. Và ngành tiêu của VN hiện đã tạo được “quyền lực mềm”, thậm chí có thể khiến giá tiêu ở London, New York, nơi các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế mở cửa mỗi ngày phải xuống lên, biến động.
Chúng ta cả ngàn năm nay đều sống bên cạnh người láng giềng Trung Quốc, duy trì giao thương hai chiều. Ngày nay, lại xuất hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng về chủ quyền lãnh thổ. Những căng thẳng leo thang ở biển Đông tuy không chắc chắn phát tín hiệu về một cuộc chiến dài, bởi chúng ta đang nắm lẽ phải và đang được bạn bè quốc tế ủng hộ; nhưng quá khứ lịch sử và những gì đang diễn ra cũng không ngừng nhắc nhở: Để chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, VN cần phải chuẩn bị tinh thần. Nền tảng của tinh thần chính là vật chất, là một nền kinh tế kiên cường ổn định luôn cần những doanh nhân, những nhà kinh doanh sắc sảo, sáng tạo. Và mỗi chúng ta cũng đều cần phải thật bình tĩnh hơn, đoàn kết hơn – trong tất cả mọi bối cảnh!

Theo Phan Minh Thông Chủ tịch HĐQT – TGĐ CTCP Phúc Sinh/dddn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không