Thời điểm bạn có nhiều quyền lực nhất để đàm phán tiền lương là sau khi bạn đã gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thông qua các buổi phỏng vấn nhưng vẫn chưa chính thức nhận việc. Hãy tranh thủ cơ hội này một cách hiệu quả nhất.
Ảnh minh họa.
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều đưa ra lời mời không chính thức cho bạn vào vị trí mà họ đang cần tuyển trước khi hai bên ký một thỏa thuận hay hợp đồng chính thức. Đây chính là lúc mà bạn nên đàm phán để có được mức lương như ý.
Vào lúc này, mọi ưu thế dường như đang nghiêng cả về bạn. Nhà tuyển dụng muốn bạn vào làm cho họ, công việc hối thúc họ cần thêm người, trong khi họ không muốn tiếp tục phỏng vấn thêm ứng viên khác. Và trên hết, họ đang nóng lòng muốn bạn bắt đầu công việc. Tất cả những yếu tố này tạo điều kiện cho bạn đòi hỏi một mức lương hấp dẫn hơn mà nhà tuyển dụng đề xuất.
Để xác định xem nên đề nghị tăng thêm bao nhiêu là hợp lý, bạn cần xem xét xem nhà tuyển dụng đã đề xuất với bạn một mức lương tương đối hợp lý hay chưa. Đừng đánh giá thấp bản thân và bạn cũng cần phải biết rằng, tất cả các nhà tuyển dụng đều muốn bạn đàm phán ít nhiều về vấn đề tiền lương trước khi quyết định làm việc cho họ. Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng xem các ứng viên biết cách đàm phán tiền lương là những người chuyên nghiệp và làm việc hiệu quả.
Tiếp đó, hãy quyết định trong đầu con số cụ thể mà bạn mong muốn, rồi đưa ra cho nhà tuyển dụng con số cao hơn một chút so với mức mà bạn thực sự muốn để tiện cho việc đàm phán.
Trước khi đàm phán, hãy luyện tập cách bạn sẽ nói với nhà tuyển dụng. Chẳng hạn: “Tôi thực sự thích làm việc ở đây, và tôi tin là mình sẽ đem đến cho công ty nhiều giá trị. Tôi đánh giá cao mức lương 10 triệu đồng/tháng, nhưng tôi thực sự muốn được nhận 13 triệu đồng/tháng dựa trên các kinh nghiệm và năng lực của bản thân. Vậy chúng ta có thể xem xét mức lương 13 triệu đồng/tháng cho vị trí này hay không?”
Nhà tuyển dụng có thể bắt đầu bằng cách phản đối đề nghị của bạn. Đương nhiên là họ không muốn trả cho bạn một mức lương cao hơn, và muốn có bạn làm cho họ ở mức lương thấp nhất có thể. Vì vậy, bạn hãy lường trước sự phản đối ban đầu của nhà tuyển dụng, chẳng hạn như:
“Chúng tôi rất vui khi thấy anh/chị mong muốn làm việc cùng chúng tôi. Công ty hy vọng sẽ có anh/chị vào làm. Mức lương mà chúng tôi đề xuất là những gì mà chúng tôi đã lên ngân sách cho vị trí này, và chúng tôi thấy đó là một mức hợp lý”.
Xem ra, câu nói này của nhà tuyển dụng đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đàm phán. Nhưng thực tế không phải vậy, bạn đừng từ bỏ ngay. Chìa khóa ở đây là bạn tiếp tục cho thấy sự hăng hái và tự tin vào khả năng của bản thân. Hãy thử nói:
“Tôi hiểu về tình hình của công ty, nhưng tôi muốn khẳng định lại là tôi rất hứng thú với vị trí mà công ty đang cần tuyển. Tôi cũng rất muốn làm việc cùng ông/bà và ê-kíp của ông/bà. Tôi cho rằng, các kỹ năng của tôi là phù hợp với vị trí này và xứng đáng với mức lương 13 triệu đồng/tháng”.
Giờ thì bạn không nên nói thêm một câu nào nữa mà hãy để sự im lặng ngự trị. Đừng cố gắng phá vỡ sự im lặng đó bằng bất kỳ ngôn từ nào. Hãy chờ câu trả lời từ nhà tuyển dụng. Nếu nhà tuyển dụng lên tiếng, họ có thể nói:
“Anh/chị đúng là đang làm khó cho chúng tôi, nhưng để xem tôi có thể làm được gì”.
Đây không phải là lúc bạn cảm thấy điều xấu đang xảy đến hay cảm thấy không thoải mái. Hãy đáp ngắn gọn: “Vâng, xin cảm ơn ông/bà. Tôi xin đánh giá cao điều đó”.
Sau đó, nhà tuyển dụng có thể sẽ quay lại, chấp nhận đề xuất của bạn hoặc đưa ra một mức lương ở giữa mức lương mà họ đề xuất ban đầu với mức mà bạn đề nghị. “Chúng tôi đã trao đổi và thấy là anh/chị phù hợp với công việc chúng tôi đang cần tuyển. Chúng tôi muốn đề nghị lại mức lương là 12 triệu đồng/tháng”.
Giả sử như bạn đã yêu cầu một mức lương cao hơn mức lương thực tế mà bạn muốn, thì kết quả là gì trong hai khả năng trên cũng đều là thành công đối với bạn.
Nhân tố quan trọng nhất quyết định liệu bạn có nhận được một mức lương cao hơn hay không hoàn toàn nằm ở việc bạn có chịu đứng ra đàm phán hay không. Vì vậy, đừng ngại đề xuất một mức lương hấp dẫn hơn mức mà bạn thực sự muốn. Nhiều công ty sẵn sàng đàm phán mức lương với các ứng viên, nhưng rất nhiều ứng viên chưa bao giờ thử làm việc đó.
Trước khi đặt bút ký thỏa thuận hay hợp đồng với nhà tuyển dụng, đừng quên đàm phán tiền lương. Hãy tìm hiều một mức lương hợp lý, phù hợp với thị trường cũng như các kỹ năng mà bạn có, đàm phán với thái độ chuyên nghiệp và tôn trọng. Rất có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng, nhưng đây chính là cách để bạn kiếm thêm được tiền một cách dễ dàng nhất.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông