Kiến thức Đãi ngộ Đề nghị mức lương thấp khi phỏng vấn, lợi bất cập hại

Đề nghị mức lương thấp khi phỏng vấn, lợi bất cập hại

5
Các ứng viên khi xin việc thường đưa ra mức lương khởi điểm khá thấp để mong giành được cơ hội làm việc. Nhưng khi được nhận vào làm, họ lại thường không bằng lòng với mức lương đó, nếu có cơ hội là sẵn sàng chuyển chỗ làm.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Điều này đã khiến đội ngũ nhân sự của các doanh nghiệp luôn không ổn định, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Sợ không được nhận
Tại ngày tuyển dụng trực tiếp do Trung tâm giới thiệu việc làm báo Lao Động – Interserco tổ chức, Nguyễn Thu Thủy – tốt nghiệp ĐH ngành QTKD – đang cắm cúi viết phiếu đăng ký phỏng vấn. Đến phần “mức lương đề nghị”, Thủy tần ngần rồi đặt bút viết “2 triệu đồng”. Một bạn nam khác ngồi cạnh Thủy cũng dừng bút khi viết đến phần mức lương và cuối cùng điền vào phiếu đăng ký con số tương tự sau khi đã ngó nghiêng xung quanh một hồi.
Không chỉ Thủy mà nhiều SV khác mới ra trường cũng đều đưa ra con số trên dưới 2 triệu đồng/tháng khi được hỏi về mức lương đề nghị. Trong phiên giao dịch việc làm Hà Nội đầu tháng 10 vừa qua, Vũ Thị Thanh Hoa – quê Nam Định – xin vào vị trí nhân viên xuất nhập khẩu của Công ty Hecny Transportation Việt Nam. Sau khi trao đổi khá kỹ với đại diện công ty về trình độ, khả năng đến hoàn cảnh bản thân, từ chuyện thuê nhà, tiền sinh hoạt… khi được hỏi về mức lương, Hoa cũng đưa ra câu trả lời 2 triệu đồng.
Khi đại diện công ty hỏi lại “mức lương đó có đủ trang trải tiền thuê nhà và sinh hoạt hay không?”, Hoa ấp úng: “Em nghĩ mức lương đó phù hợp với công việc này”. Sau khi rời bàn phỏng vấn, Hoa thú thật: “Vì em thấy các bạn xung quanh đều ghi trong hồ sơ mức lương 2 triệu đồng, em sợ nếu đòi cao hơn thì công ty sẽ không nhận”.
Không được đánh giá cao
Bản thân các bạn SV cũng biết mức lương 2 triệu đồng là thấp, phải tằn tiện mới có thể đủ trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thủ đô, nhất là khi phải thuê nhà trọ. Thế nhưng họ vẫn đề nghị mức lương thấp để mong “lấy lòng” nhà tuyển dụng và giành được cơ hội việc làm. Tuy nhiên, sau khi đã nhận việc thì nhiều người sẽ không thể yên tâm làm việc với mức lương đó.
Chị Nguyễn Thị Hằng Nga – Trưởng phòng Tổ chức nhân sự – hành chính TT Thương mại Bitis miền Bắc – cho biết: khi xin việc, nhiều bạn chỉ đề nghị mức lương 2 triệu đồng, nhưng công ty vẫn trả 2,5 triệu như thông báo tuyển dụng cùng phụ cấp xăng xe, điện thoại. Thế nhưng nhiều người chỉ làm được 5-6 tháng là tấp tểnh đi tìm việc khác vì kêu lương thấp.
Ông Nguyễn Văn Thắng – phòng nhân sự Công ty CP Cavico – cũng thông tin: nhiều nhân viên sau khi được đào tạo, quen việc là bỏ đi tìm việc khác lương cao hơn. Họ không đòi tăng lương vì hiểu rằng mới làm việc vài tháng thì không thể được tăng lương. Thực tế, dù là công ty tư nhân cũng không thể tùy tiện tăng lương cho nhân viên, phải theo quy định của công ty và cân đối với các bộ phận, nhân viên khác.
Nhiều nhà tuyển dụng đồng quan điểm: công ty không đánh giá cao những ứng viên đưa ra mức lương quá thấp, bởi hoặc là ứng viên không có đủ khả năng đảm nhận công việc, hoặc sẽ không yên tâm làm việc lâu dài với mức lương đó. Điều các doanh nghiệp cần không phải là tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng do nhân viên đề nghị lương thấp hơn mức chung, mà là khả năng và cam kết làm việc lâu dài của nhân viên để doanh nghiệp ổn định đội ngũ, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không