Tiền lương phải đảm bảo cho người lao động những nhu cầu tối thiểu nhất về ăn, mặc, ở, giải trí. Thế nhưng, với cách tính lương hiện nay, chỉ ăn và mặc đã “khấu trừ” gần hết. Nhu cầu ở và giải trí thì vẫn còn “ở nơi đâu ..xa lắm”.
Ảnh minh họa
An cư – chuyện quá khó khăn
Anh Tài Chúc, phó phòng cấp huyện ở Thanh Hóa, thâm niên công tác 15 năm làm phép tính: Lương cộng phụ cấp 0,2 cộng công tác phí nếu trừ BHXH, BHYT, công đoàn phí, Đảng phí và các khoản hỗ trợ, bình quân thu nhập/tháng của tôi khoảng 1,2- 1,3 triệu đồng.
Các khoản phải chi như xăng xe: 200.000đ; ăn trưa tại nhà bếp cơ quan: 200.000đ/tháng; điện thoại di động sử dụng cực kỳ tiết kiệm cũng đã 150.000đ; tiền ăn sáng: 100.000đ; bút, giấy, chè uống nước: 100.000đ; trung bình tháng đi 01 đám cưới, đám hỏi hay tang lễ cũng mất thêm ít nhất 50.000đ nữa. Tổng cộng hết 800.000đ. Còn lại được 500.000đ với điều kiện không hề giao lưu bạn bè!”.
Tính xa hơn nữa, nếu không phải nuôi vợ, con thì một năm anh sẽ tiết kiệm được 6 triệu đồng. Như vậy nếu 30 năm (tính thời gian cống hiến trung bình tới lúc hưởng lương hưu) nếu anh không bị ốm, không cưới vợ, không nuôi con thì anh sẽ tiết kiệm được khoảng 180 triệu đồng. Chỉ với số tiền đó, việc có được căn nhà, dù là chung cư cho người có thu nhập thấp cũng không đủ.
Chưa kể tới chuyện có anh đàn ông nào không lấy vợ và không sinh con không? Có ai cả đời không giao lưu với bạn bè không? có ai 30 năm không đau bệnh không? Như thế “căn nhà” sẽ mãi mãi chỉ là chuyện viễn tưởng nếu chỉ sống bằng lương và phụ cấp nhà nước quy định.
Đó là lương cấp phó phòng ở một địa phương chi phí không quá đắt đỏ. Nếu ở Hà Nội, TP.HCM hoặc các vùng lân cận hai địa phương này, với các quan hệ phải có từ vị trí của anh, 1,3 triệu anh chi tiêu đủ trong một tháng thì quả thực là quá giỏi.
Ngay cả đối với một vị trí quản lý trung cấp của ngân hàng thương mại (quốc doanh) như Anh Minh Tuấn, mức lương + phụ cấp hàng tháng được khoảng 4 triệu đồng (còn với các nhân viên bình thường chỉ vào khoảng 2- 2,5 triệu đồng). Gánh thêm một vợ và một con, chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng anh chỉ để dư ra được vài trăm ngàn. Anh nhẩm tính, để có được một miếng đất (chưa có nhà) thì anh phải mất ít nhất là 25 năm tiết kiệm tối đa, vợ con và bản thân không được phép đau bệnh… Quản lý trung cấp còn như thế, nhân viên và công chức bình thường bao giờ mới có được “chỗ ở” tối thiểu?
Để thị trường quyết định
Một điều bất hợp lý tồn tại dai dẳng mãi không được giải quyết rất nhiều năm qua là chưa tách được lương hành chính sự nghiệp với lương của các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thu. Tất cả vẫn bị dồn chung vào một chỗ với hệ thống ngạch, bậc tính lương thâm niên mà ngay chính bản thân nó khiến khối quốc doanh không thể thu hút người giỏi được lâu.
Nhiều người nói vui “giá cả thị trường còn tiền lương thì bao cấp”. Giá điện, giá xăng, viễn thông… đều đã ngang ngửa với các quốc gia phát triển trong khi tiền lương còn lẹt đẹt với một mớ bùng nhùng cách tính từ thời bao cấp. Ai cũng thấy sự vô lý khi bộ trưởng lương mỗi tháng cũng chỉ 4,5 triệu đồng; tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị cỡ tổng công ty quốc doanh hệ số lương cũng chưa tới nổi 9, xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng. Để hợp lý hóa thu nhập, buộc lòng các đơn vị phải đẻ thêm các khoản tiền khác cho phù hợp với gía cả thị trường hơn.
Tuy đã từ từ tách các công ty quốc doanh ra khỏi bầu ngân sách nhưng tất cả vẫn bị ràng buộc bởi hệ thống tính lương chung. Lãnh đạo nhiều công ty quốc doanh không ngần ngại khi nói thẳng: “Việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa thực sự với khối hành chính sự nghiệp”. Thậm chí một lãnh đạo ngân hàng đã từng tuyên bố “nếu được cơ chế chủ động về lương, phúc lợi thì mức lương của ngân hàng trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với các đại gia nước ngoài”.
Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế như hiện nay, đã đến lúc “cởi trói” cho các doanh nghiệp nhà nước, sự nghiệp có thu. Lương cho viên chức khu vực này được thỏa thuận và điều chỉnh theo thị trường sẽ thuyết phục hơn.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông