Vốn đầu tư một mặt là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng, mặt khác là nhân tố tác động đến cân đối kinh tế vĩ mô, lạm phát. Với ý nghĩa này, 6 tháng đầu năm nay, tình hình sử dụng vốn đầu tư đã có những chuyển biến tích cực.
Ảnh minh họa.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm đã tăng khá so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,18% so với 4,93%).
Cùng thời gian này, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt 30,1%, tiếp tục thấp hơn tỷ lệ tương ứng của các năm trước (năm 2010 là 38,5%, năm 2011 là 33,3%, năm 2012 là 31,1%, năm 2013 là 30,4%) chứng tỏ hiệu quả đầu tư có triển vọng khá hơn và đây là yếu tố để tiết kiệm vốn đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đồng thời phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (chuyển từ nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2013 sang xuất siêu trong 6 tháng đầu năm nay, cải thiện quan hệ cân đối cung- cầu,…) và kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn các năm trước.
Trong cơ cấu vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng với tốc độ cao nhất và cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nguồn và cao hơn tỷ trọng của cùng kỳ năm trước (39,5% so với 38,9%). Đây là một cố gắng trong điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư/GDP bị giảm. Trong tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước (198,2 nghìn tỷ đồng), vốn đầu tư từ NSNN 6 tháng ước 90 nghìn tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch cả năm và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư từ NSNN do trung ương quản lý đạt kế hoạch năm cao hơn (52,6%) và tăng cao hơn (1,7%); nguồn vốn do địa phương quản lý đạt tỷ lệ kế hoạch thấp hơn tỷ lệ chung (47,5% so với 48,6%). Đáng lưu ý, trong nguồn vốn khu vực nhà nước, ngoài vốn từ nguồn NSNN (chiếm 45,4%) thì nguồn vốn vay, nguồn vốn của các DNNN và nguồn vốn khác (chiếm 54,6%) đã tăng 17,4%- một tốc độ khá cao.
Vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng thấp hơn tốc độ chung, nên tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (35,4% so với 35,5%). Đây là diễn biến không tích cực, bởi nguồn vốn này có hiệu quả đầu tư cao nhất, nay tăng thấp chứng tỏ các DN khu vực ngoài nhà nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong SXKD và tiếp cận vốn ngân hàng, trong khi người dân thì ít đầu tư trực tiếp cho SXKD mà chủ yếu gửi ngân hàng, đẫn đến tốc độ vốn huy động tăng cao gấp gần 3 lần tốc độ tăng dư nợ tín dụng. Ngay các ngân hàng thương mại, mặc dù tính thanh khoản được cải thiện, nhưng lại tập trung nhiều cho việc mua trái phiếu chính phủ.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới tính đến cuối tháng 6 đạt 4858,3 triệu USD, giảm 6,8%; nếu kể cả số vốn của các dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung (1994 triệu USD) thì tổng số vốn đăng ký đạt 6852,3 triệu USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn đăng ký chủ yếu tập trung cho công nghiệp chế biến, chế tạo (70,2%), kinh doanh bất động sản chiếm 10,1%, ngành xây dựng chiếm 6,8%, các ngành còn lại chiếm 12,9%. Trong 41 địa phương, TP HCM đứng đầu (chiếm 16,4%), tiếp đến là Quảng Ninh 11,7%, Hải Phòng 9,9%, Đồng Nai 6,9%, Hải Dương 6,3%, Bình Dương 5,2%, Long An 5%… Tính chung, tổng lượng vốn đầu tư thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 5,75 tỷ USD, tăng 0,9%.
Với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đạt 30,1%, với tốc độ tăng GDP đạt 5,18% thì để tăng 1% GDP đã phải bỏ ra tới trên 5,8% vốn đầu tư/GDP. Con số này cho thấy hiệu quả vốn đầu tư còn thấp. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất lúc này là cần tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư, trên cơ sở tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông