Kiến thức Tài chính kế toán TP Hồ Chí Minh: Nhiều ưu đãi cho DN đưa hàng về...

TP Hồ Chí Minh: Nhiều ưu đãi cho DN đưa hàng về nông thôn

15
Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu mà Sở Công thương TP đã thực hiện để khuyến khích các DN trên địa bàn tích cực tham gia thiết lập hệ thống phân phối để đưa hàng Việt về phục vụ người dân các vùng nông thôn, nông sâu, vùng xa. Thông tin này được bà Lê Ngọc Đào, Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết bên lề hội nghị: Tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” diễn ra ngày 3/7 tại Hà Nội.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Bà Lê Ngọc Đào.

Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa công tác đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua?
Công tác đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa thời gian qua đã được các địa phương rất quan tâm và trở thành một trong những nội dung trọng tâm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Đến nay, các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa.
Theo thống kê, từ khi có cuộc vận động, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn đã tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn, đồng thời cũng cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của nhiều tổ chức, DN tham gia như: hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop Mart, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Hiệp hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty dầu thực vật Việt Nam, Công ty cổ phần Intimex…
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Trong 5 năm qua, cùng với Sở Công thương TP HCM, các địa phương khác đã tổ chức được gần 2000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt DN tham gia thông qua hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới thăm quan mua sắm và doanh thu mang lại 34,47 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn mà còn là địa chỉ tin cậy của đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia.
Nhờ có chương trình này mà bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn bó hơn với hàng Việt, thói quen tiêu dùng của người dân cũng dần thay đổi. Không những vậy, nhận thức của DN đối với thị trường trong nước đã có những chuyển biến để xem thị trường này là “cứu cánh”. 
Theo bà, hiện công tác đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa của DN còn gặp những khó khăn gì? 
Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay khi đưa hàng về nông thôn vùng sâu, vùng xa vẫn tập trung ở khâu vận chuyển, bởi do các chuyến hàng đưa về các vùng miền này phải đi xa, nên phí vận chuyển lưu thông hàng hóa thường rất cao. Không những vậy còn tiêu tốn nhiều thời gian của DN, trong khi mức giá bán hàng hóa tại các vùng miền này thường phải ưu đãi mới thu hút được sự quan tâm của bà con. Chính vì thế, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về xăng, dầu hay chính sách thuế thì sẽ không thu hút được nhiều DN tham gia lâu dài. Thông thường mỗi tháng sẽ có 1-3 chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nếu DN xây dựng được chuỗi các cửa hàng tiện lợi thì sẽ khắc phục được những chi phí vận chuyển cũng như tạo sự ổn định hơn cho DN phân phối, lưu thông. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không có chính sách ưu đãi về thuế, đất thì DN có muốn làm cũng khó, vì nguồn vốn đầu tư là không nhỏ.
Nhiều DN nhỏ và vừa (DNNVV) phản ánh đang gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh tạo kênh phân phối hàng hóa trên thị trường, kể cả thị trường nông thôn. Vậy TP Hồ Chí Minh đã có những hỗ trợ gì đối với các DN này trong việc đưa hàng về nông thôn?
Để hỗ trợ các DNNVV cạnh tranh và tạo được kênh phân phối hàng hóa trên thị trường trong nước nói chung và thị trường hàng hóa tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, TPHCM đã có chủ trương đưa các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đều thuộc diện được ưu tiên vào hệ thống phân phối trong TP để được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tại các hội chợ kết nối cung cầu giữa các vùng, miền, các HTX này đều được miễn phí gian hàng trưng bày sản phẩm và được hỗ trợ tối đa việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong các hoạt động triển khai hội chợ truyền thống của TP, các HTX cũng được ưu tiên đưa hàng hóa vào chợ, nhất là các chợ tổ chức ở các vùng miền xa xôi, vùng núi và nông thôn.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM đã nỗ lực trong việc kết nối giữa DN và ngân hàng, nhất là kết nối giữa ngân hàng với DN bình ổn và DN sản xuất. Theo đó, tất cả các ngân hàng trong TP sẽ xuống từng quận, huyện để phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác rà soát, phân loại “sức khỏe” DN trên cơ sở đó sẽ có chính sách hỗ trợ, ưu tiên lãi suất khác nhau. Những HTX nông nghiệp, DN có chiến lược làm nhà, xây dựng xí nghiệp sơ chế rau, củ, quả để làm ra sản phẩm sạch thì sẽ được ngân hàng cho vay với mức lãi suất 0%. Trong năm 2013, TP cũng đã giải ngân được 13.000 tỷ đồng cho các DN trong diện vay vốn hỗ trợ này, kịp thời tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho DN. Quan trọng hơn, việc kết nối giữa ngân hàng và DN sẽ giúp ngân hàng hiểu hơn về thực lực, thực trạng của DN, từ đó có chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực và kịp thời hơn, góp phần đưa hàng Việt phục vụ có hiệu quả đời sống của người dân ở các vùng miền xa xôi còn nhiều khó khăn.
Xin cảm ơn bà.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không